Mối quan hệ giữa chính quyền địa phương các cấp
(Báo Quảng Ngãi)- Làm rõ mối quan hệ công tác giữa các cấp chính quyền địa phương, mối quan hệ công tác theo ngành dọc từ trung ương đến cơ sở là một trong những yêu cầu quan trọng nhằm đảm bảo hiệu quả trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị.
Xác định rõ chính quyền địa phương
Chính quyền địa phương là một bộ phận hợp thành của Nhà nước, Hiến pháp 2013 quy định, chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính trên cả nước. Theo Kết luận 127 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp, tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh và cấp xã (bỏ cấp trung gian - cấp huyện). Chính quyền địa phương ở nông thôn gồm chính quyền địa phương ở tỉnh và xã (bỏ cấp huyện); chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương (bỏ cấp quận) và phường; chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định. Cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND; trường hợp Quốc hội quy định không tổ chức cấp chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính cụ thể thì chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính đó là UBND. Việc điều hành bộ máy hoạt động của chính quyền địa phương là HĐND, UBND và cơ quan chuyên môn.
Thực hiện Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, ước tính sẽ giảm khoảng 50% số đơn vị hành chính cấp tỉnh, giảm khoảng 60 - 70% đơn vị hành chính cấp cơ sở so với hiện nay.
Một yêu cầu tất yếu
Trong bối cảnh sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính ở nước ta hiện nay, cần thiết phải xác định rõ mối quan hệ công tác giữa các cấp chính quyền địa phương. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của bộ máy chính quyền địa phương từng cấp là một trong những yếu tố quan trọng nhằm bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của quản trị quốc gia nói chung và quản trị địa phương nói riêng, đặc biệt trong bối cảnh nghiên cứu, sắp xếp, tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh và cấp xã. Mặt khác, mỗi khi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp được xác định cụ thể, minh bạch sẽ từng bước giúp hạn chế, tránh tình trạng chồng chéo, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, hoặc bỏ sót nhiệm vụ giữa các cơ quan chức năng và các chủ thể liên quan, gây ảnh hưởng đến chất lượng điều hành và hiệu quả của nền hành chính công.

Công chức thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa) trong giờ làm việc. ẢNH: BÁ SƠN
Cùng với đó, xác định rõ mối quan hệ công tác giữa các cấp chính quyền địa phương nhằm cải thiện sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền các cấp. Liên kết và phối hợp là một trong những yêu cầu không thể thiếu trong thực thi công vụ. Trước yêu cầu sáp nhập đơn vị hành chính và tổ chức bộ máy nhà nước với tinh thần rất khẩn trương “vừa chạy vừa xếp hàng”, “trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp xã”, theo đó khi nghiên cứu và triển khai thực hiện việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và không tổ chức cấp huyện, đòi hỏi cần có sự vào cuộc, liên kết, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và đồng bộ giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã; giữa trung ương và địa phương và các chủ thể liên quan nhằm thiết lập và duy trì sự thống nhất trong quản lý nhà nước; trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ; đảm bảo mọi hoạt động hành chính được diễn ra thông thoáng, không bị đứt quãng. Việc phân định cụ thể mối quan hệ công tác sẽ giúp các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn và các chủ thể liên quan hoạt động chặt chẽ và nhịp nhàng, khắc phục tình trạng “trên bảo, dưới không nghe” hoặc cấp dưới không có đủ thẩm quyền để xử lý, giải quyết công việc.
Đồng thời, tăng cường và hỗ trợ quá trình tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân; tạo đột phá về chất lượng hoạt động. Vấn đề quan trọng hiện nay là làm thế nào để giải quyết thỏa đáng và có hiệu quả khi tổ chức lại hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền các cấp phải được sắp xếp theo hướng tinh gọn - tối ưu hóa nhưng vẫn đảm bảo hoạt động khả thi, hiệu lực và hiệu quả. Vì vậy, cần nhận diện, phân tích và phân định rõ mối quan hệ công tác giữa các cấp chính quyền; giữa các cơ quan chuyên môn; giữa các chủ thể và các bên liên quan để xác định trách nhiệm, thẩm quyền xử lý, giải quyết công việc, tránh tình trạng quá tải công việc hoặc chồng chéo về phân quyền và phân cấp trong quản lý nhà nước. Động thái này đặc biệt quan trọng đối với chính quyền cấp cơ sở - nơi gần dân, sát dân; nơi trực tiếp triển khai thực hiện, chuyển tải các chính sách đến với người dân.
Sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật
Cùng với quá trình tinh gọn bộ máy, tinh gọn con người - đội ngũ thực thi công vụ, đòi hỏi Quốc hội cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động cải cách hành chính, đặc biệt đáp ứng yêu cầu về một nền hành chính công hiện đại, chuyên nghiệp, dân chủ; thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển bền vững; xây dựng chính phủ điện tử; chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Muốn vậy, việc cải cách hành chính lần này cần xây dựng được một nền hành chính theo hướng dân chủ, hiện đại và chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu quản trị tốt. Để đạt được điều này đòi hỏi chính quyền các cấp, cơ quan chuyên môn và các chủ thể liên quan cần phải chịu trách nhiệm rõ ràng hơn trước người dân, doanh nghiệp và cơ quan cấp trên. Đồng thời, tăng cường công khai, minh bạch; nâng cao và bảo đảm trách nhiệm giải trình.
Mối quan hệ công tác giữa chính quyền địa phương các cấp và cơ quan chuyên môn được quy định dựa trên nguyên tắc quan hệ hợp tác công tác và quan hệ chức năng, trật tự thứ bậc. Việc phân định rõ mối quan hệ công tác này có vai trò quan trọng nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản trị nhà nước; đồng thời là tác nhân quan trọng, tạo hiệu quả quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay. Để thành công trong cải cách hành chính, sắp xếp, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân cần tiếp tục nghiên cứu và phân định rõ mối quan hệ công tác giữa chính quyền địa phương các cấp nhằm thực hiện tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới, đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.