Mối quan hệ Nga - Saudi Arabia đã gây ra sự tức giận đối với Mỹ, nhưng các nhà chức trách của Washington có thể nhầm lẫn nghiêm trọng về tình hình giữa hai nước. Nhà phân tích Hussein Ibish của tờ Bloomberg đã viết về điều này.
Quan hệ đối tác giữa Mỹ và Saudi Arabia đã kéo dài gần 80 năm và cuộc khủng hoảng hiện nay là một trong những sự kiện tồi tệ nhất. Washington tỏ ra phẫn nộ khi OPEC+ do Riyadh dẫn đầu quyết định cắt giảm sản lượng dầu, khiến chi phí năng lượng tăng vọt.
“Xem việc cắt giảm sản lượng qua lăng kính của cuộc xung đột ở Ukraine - Nga là một phần của liên minh OPEC+, Washington cảm thấy mình đang bị đồng minh phản bội”, tác giả bài viết trên tờ Bloomberg lưu ý.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tin rằng Saudi Arabia sẽ không giảm sản lượng và giữ mức giá dầu, đặc biệt trong tình cảnh mùa đông lạnh giá ở châu Âu sắp đến khi thiếu khí đốt của Nga. Nhưng Washington đã thất bại với tham vọng của mình.
Mỹ rõ ràng có lý do để tin rằng Saudi Arabia đã đứng về phía Moskva, bởi vì giá dầu cao sẽ thúc đẩy nền kinh tế Nga đủ mạnh để chống lại các lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên Riyadh lại có quan điểm hoàn toàn khác, họ khẳng định cắt giảm sản lượng chỉ là một quyết định thuần chất kinh tế. Mặc dù vậy, trên thực tế hành động này là một cái gì đó hơn thế nữa, chuyên gia Ibish viết.
Theo nhà phân tích, Saudi Arabia đang cố gắng thực hiện một cuộc chuyển đổi kinh tế xã hội mang tính thời đại. Đất nước này chỉ có vài thập kỷ để sử dụng nguồn thu khổng lồ từ dầu mỏ của mình để tái thiết nền kinh tế, tránh phụ thuộc vào xuất khẩu nhiên liệu.
Mỹ đã nhầm nếu họ thực sự cho rằng Saudi Arabia đang hành động vì lợi ích của Nga một cách mù quáng. Trước hết, Riyadh theo đuổi lợi ích của riêng mình, và giờ đây, lợi ích của họ là ngăn chặn sự sụt giảm giá dầu.
“Chính quyền Saudi Arabia không nghĩ về cuộc xung đột Ukraine giống như cách nhiều người ở châu Á và châu Phi, họ không nghĩ về việc thân Nga hay chống Nga một cách tuyệt đối".
"Mặc dù vậy, Mỹ bị sốc vì họ mong đợi Riyadh sẽ dễ dàng tiếp thu các yêu cầu của họ hơn. Bên cạnh đó, Saudi Arabia có lẽ cũng ngạc nhiên khi Washington lại phản ứng mạnh đến vậy", nhà báo của tờ Bloomberg nói rõ.
Từ lâu đã có sự "thâm hụt lòng tin" giữa Washington và Riyadh. Tuy nhiên cả hai đều phụ thuộc vào nhau và không thể tách rời, ít nhất là trong tương lai trước mắt.
Saudi Arabia cần sự hỗ trợ của Mỹ để đảm bảo an ninh trong khu vực. Các nhà chức trách Mỹ cần sự giúp đỡ của Riyadh trong việc thống trị vùng biển Vịnh Ba Tư - một đòn bẩy quan trọng gây áp lực lên Trung Quốc.
Ông Hussein Ibish nói: “Sau khi những đam mê nguội lạnh, Mỹ cần xây dựng các cam kết an ninh mới đối với những quốc gia Ả Rập ở Vịnh Ba Tư, bao gồm cả Saudi Arabia".
Nhà phân tích cho rằng bất chấp những lời cảnh báo đầy cứng rắn và mạnh mẽ, khó có khả năng Mỹ và Saudi Arabia sẽ bước vào một cuộc khủng hoảng ngoại giao mà hai bên sẽ sớm tìm được con đường thỏa hiệp.
Bạch Dương