Mỗi thẻ ATM đang 'cõng' bao nhiêu loại phí?
Theo quy định, thẻ ATM có 6 loại phí cơ bản. Người dùng thường phải chịu 2 loại cố định. Tuy nhiên, theo phản ánh, có ngân hàng đang thu 20-25 loại phí trên một thẻ ATM.
Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết Thông tư 35 của Ngân hàng Nhà nước năm 2012 đã quy định rõ về thu phí sử dụng thẻ.
Thẻ ATM có 6 loại phí cơ bản
Cụ thể, thẻ ghi nợ nội địa (thẻ ATM) thông thường sẽ có 6 loại phí cơ bản. Các loại này gồm có phí phát hành thẻ, thường niên, rút tiền mặt, chuyển khoản, vấn tin tài khoản, in sao kê.
Tuy nhiên, theo cơ quan quản lý, thực tế, các chủ thẻ chỉ phải chịu 2 loại phí cố định là phí thường niên, phí phát hành. Phí phát hành sẽ được ngân hàng thu một lần khi phát hành thẻ, còn phí thường niên thường được thu hàng năm.
Các loại còn lại thì khách hàng không phải chịu, mà dùng đến đâu thì trả tiền đến đó.
Phí rút tiền mặt quy định như thế nào?
Theo quy định, phí rút tiền mặt được áp dụng tối đa 1.000 đồng một giao dịch vào năm 2013 đến 3.000 đồng một giao dịch năm 2015. Mức này áp dụng với rút tiền mặt nội mạng tại ATM. Với ngoại mạng, mức phí áp dụng là 3.000 đồng một giao dịch.
Ngân hàng Nhà nước cho hay hiện tại, có một ngân hàng áp dụng mức phí rút tiền tối đa là 3.000 đồng một lần. Một ngân hàng áp dụng mức 2.000 đồng một lần. Một đơn vị áp dụng mức 500 đồng. 10 ngân hàng áp dụng thu phí 1.000 đồng mỗi lần. Các nhà băng còn lại đều miễn phí rút tiền nội mạng.
Ngân hàng phải công khai biểu phí dịch vụ thẻ
Các văn bản của Ngân hàng Nhà nước đều yêu cầu tổ chức tín dụng phải công khai biểu phí dịch vụ, trong đó có dịch vụ thẻ.
Thông tư 19 ban hành ngày 30/6/2016 còn nêu rõ các đơn vị này phải niêm yết công khai biểu phí dịch vụ thẻ, cung cấp biểu phí này cho chủ thẻ trước khi sử dụng. Khi có thay đổi biểu phí, các ngân hàng cũng phải thông báo cho chủ thẻ trước ít nhất 7 ngày.
Tiền để trong tài khoản ATM hưởng lãi suất bao nhiêu?
Theo quy định thẹo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, tiền trong tài khoản thanh toán (trong thẻ ATM) là các khoản tiền gửi không kỳ hạn. Thông tư 23 năm 2014 của Ngân hàng Nhà nước cho biết lãi suất quy định với tài khoản này là lãi suất không kỳ hạn.
Hiện tại, mức lãi suất này áp dụng tại 0,2%/năm.
Những tranh luận về phí dịch vụ thẻ
Trước đó, một số ngân hàng đề xuất được nâng mức phí dịch vụ thẻ để bù đắp một phần chi phí đầu tư hệ thống ATM.
Một số chuyên gia cũng cho rằng cần thu phí dịch vụ thẻ ATM vì ngân hàng phải bỏ tiền ra để đầu tư máy móc. Phần chi phí này chiếm khoảng 400-600 triệu đồng mỗi máy. Chưa kể, các ngân hàng phải có chi phí lắp đặt, bảo trị, an ninh... nên nếu không được bù đắp các chi phí đó, ngân hàng rất khó.
Tuy nhiên, kiến nghị trên đã bị Ngân hàng Nhà nước bác bỏ.
Theo lý giải của cơ quan điều hành, trên thực tế, đa số mức phí rút tiền ATM hiện tại đã được áp dụng trong khoảng 500 đến 3.000 đồng mà ngân hàng cũng chưa áp hết mức tối đa cho phép. Do đó, Ngân hàng Nhà nước chưa nghiên cứu tăng thêm phí giao dịch ATM.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, người dùng thẻ chỉ phải trả tiền cho một số loại phí cố định. Với các phí khác, chỉ khi sử dụng đến dịch vụ, người dùng mới phải trả.
Một số người dùng thẻ cho hay họ đang phải "gánh" 20-25 loại phí. Thực tế, một số ngân hàng cũng áp dụng mức phí như vậy.
Nguồn Znews: http://news.zing.vn/moi-the-atm-dang-cong-bao-nhieu-loai-phi-post741899.html