Mới: Thủ tục dẫn độ lại, dẫn độ cho nước thứ ba theo đề xuất của Bộ Công an

Trường hợp người đã bị dẫn độ trốn tránh việc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành hình phạt ở nước ngoài và quay trở lại Việt Nam thì nước yêu cầu dẫn độ có thể yêu cầu dẫn độ lại.

Tại dự thảo Luật Dẫn độ, Bộ Công an đã đề xuất quy định mới về dẫn độ lại. Theo đó, nếu người đã bị dẫn độ trốn tránh việc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành hình phạt ở nước ngoài và quay trở lại Việt Nam thì nước yêu cầu dẫn độ có thể đưa ra yêu cầu dẫn độ lại người đó kèm theo các tài liệu quy định. Trong trường hợp này, Tòa án nhân dân có thẩm quyền không tiến hành lại thủ tục quyết định dẫn độ.

Chánh án Tòa án nhân dân có thẩm quyền đã quyết định dẫn độ trước đây quyết định dẫn độ lại đối với người đó. Việc áp giải người bị dẫn độ lại được thực hiện theo quy định tại Luật này.

Về dẫn độ cho nước thứ ba, dự thảo Luật Dẫn độ nêu rõ, sau khi người bị yêu cầu dẫn độ đã được chuyển giao cho Việt Nam, Việt Nam có thể xem xét dẫn độ người này cho nước thứ ba nếu nước đã bàn giao người bị yêu cầu dẫn độ cho Việt Nam đồng ý hoặc người bị dẫn độ không rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau 45 ngày kể từ ngày người đó được tự do.

Trình tự, thủ tục dẫn độ cho nước thứ ba sẽ được thực hiện tương tự như trình tự, thủ tục Việt Nam dẫn độ cho phía nước ngoài.

Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam từ chối dẫn độ công dân Việt Nam để truy cứu trách nhiệm hình sự ở nước ngoài thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và pháp luật Việt Nam về tương trợ tư pháp hình sự.

Cũng theo dự thảo, việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án hình sự của tòa án nước ngoài trong trường hợp từ chối dẫn độ công dân Việt Nam sẽ được thực hiện theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự hình sự Việt Nam và pháp luật Việt Nam về thi hành án hình sự.

Về thi hành quyết định dẫn độ, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định dẫn độ của TAND có thẩm quyền có hiệu lực pháp luật, Chánh án Tòa án nhân dân có thẩm quyền ra quyết định thi hành quyết định dẫn độ. Quyết định thi hành quyết định dẫn độ phải được gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, Bộ Công an, nước yêu cầu dẫn độ và người bị dẫn độ.

Sau khi nhận được quyết định thi hành quyết định dẫn độ, Bộ Công an xây dựng kế hoạch thi hành quyết định của Tòa án nhân dân và trao đổi với nước yêu cầu dẫn độ về thời gian, địa điểm và các vấn đề khác có liên quan đến việc chuyển giao người bị yêu cầu dẫn độ và các vật chứng, tài sản kèm theo.

Cơ quan Công an thi hành quyết định dẫn độ tổ chức việc áp giải người bị dẫn độ theo thời gian, địa điểm bàn giao theo thỏa thuận giữa Việt Nam và nước yêu cầu dẫn độ. Thời hạn bàn giao người bị dẫn độ không quá 30 ngày, kể từ ngày quyết định thi hành quyết định dẫn độ có hiệu lực. Trường hợp bất khả kháng hoặc có lý do chính đáng, các nước sẽ trao đổi, thống nhất lại thời gian và địa điểm bàn giao người bị dẫn độ.

Trường hợp hết thời hạn do các nước thỏa thuận mà nước yêu cầu dẫn độ không tiếp nhận thì Bộ Công an kiến nghị Tòa án nhân dân có thẩm quyền đã ra quyết định dẫn độ hủy quyết định thi hành quyết định dẫn độ, trả tự do cho người bị yêu cầu dẫn độ và thông báo cho nước yêu cầu dẫn độ biết.

H.L

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/moi-thu-tuc-dan-do-lai-dan-do-cho-nuoc-thu-ba-theo-de-xuat-cua-bo-cong-an-post586634.antd