Mối tình vượt thời gian giữa âm nhạc và thời trang
Trong cả quá khứ, hiện tại và tương lai, âm nhạc và thời trang luôn có sự kết nối mạnh mẽ với nhau. Chúng tồn tại song song và cùng phát triển.
Jon Batiste đã từng nói: “Mọi người nhìn thấy bạn trước khi họ nghe thấy bạn và khi họ nhìn vào bạn, một âm thanh đại diện sẽ được phát ra”.
Các nghệ sĩ huyền thoại luôn có một hình ảnh độc đáo gắn liền với họ, ví dụ như chiếc mũ đội đầu, mái tóc xoăn và cặp kính râm của Slash, trang phục lập dị của David Bowie, bộ vest màu tím sang trọng của Prince - đó là những hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong đầu chúng ta khi nghĩ về họ.
Mặt khác, với tư cách là một người nghe nhạc, bạn thường có xu hướng ăn mặc sao cho phù hợp với bối cảnh mà bạn tham gia. Bạn muốn được hòa nhập với những cá nhân khác có cùng sở thích, mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên như một phần trong DNA của chúng ta.
Những năm 50
Chiến tranh thế giới thứ hai vừa kết thúc, các mặt hàng may mặc cạn kiệt và các nhà thiết kế thời trang đều gặp khó khăn. Dần dần nhưng đều đặn, vào cuối thập niên 40, rất nhiều thể loại âm nhạc và xu hướng thời trang mới đã len lỏi vào cuộc sống của người dân trong thập niên 50.
Rock'n'roll ra đời và "Bobby-soxers", những cô gái tuổi teen người Mỹ bị ám ảnh bởi những nam nghệ sĩ hát croon (như Frank Sinatra) bắt đầu học theo phong cách của thần tượng. Họ đi tất cao đến mắt cá chân, dùng ruy băng buộc tóc, mặc quần jean xắn gấu, váy lông xù, áo len luộm thuộm và vay mượn nhiều yếu tố khác nhau từ thời trang Pháp thời bấy giờ. Đó cũng là thập kỷ của thời trang Teen pop, của Elvis Presley. Tuy nhiên đây chỉ là cuộc cách mạng nhỏ dẫn đến cuộc cách mạng “chấn động” của thập niên 60: The Beatles.
Những năm 60: Thời kỳ của tiêu chuẩn vàng
Thập niên 60 thường gắn liền với 3 xu hướng thời trang chính: Hippies, Mods và Beatles. Nhóm nhạc The Beatles có sức ảnh hưởng sâu rộng và mạnh mẽ khó tin đến phong cách ăn mặc của tất cả mọi người. Khi các tác phẩm âm nhạc của họ trở nên nổi tiếng, trang phục của họ cũng qua đó định hình xu hướng thời trang cho giới thanh thiếu niên (và cả người lớn).
Xu hướng Mod có thể ít được khán giả trẻ biết đến hơn. Câu chuyện bắt đầu từ những năm 50, khi người London nghe phiên bản nhạc jazz hiện đại hóa và tự gọi mình là "những người theo chủ nghĩa hiện đại". Âm nhạc của họ dần mở rộng sang ska, R&B và soul trong những năm 60, đồng thời duy trì lối sống phóng túng của thế hệ Beatnik. Cho đến ngày nay, Mod vẫn là một trong những xu hướng có ảnh hưởng lớn nhất đến thời trang hiện đại.
Không chỉ là tên gọi một phong cách thời trang, hippy hay hippie còn là tên một trào lưu văn hóa bắt nguồn từ Mỹ, sau đó lan ra khắp phương Tây trong những năm giữa thập niên 1960. Một bộ phận giới trẻ ngày đó trở nên bất mãn với những định ước xã hội đương thời, với tầng lớp trung lưu đang bị chi phối bởi vật chất và tư tưởng đàn áp. Họ phản đối chiến tranh, đề cao hòa bình, sự khoan dung và bác ái. Câu nói nổi tiếng: “Make love, not war” cũng chính từ đây mà ra.
Thập niên 70: Punk và sự hào nhoáng
Thể loại nhạc punk bắt đầu như một phong trào âm nhạc lấy cảm hứng từ văn hóa Mod, nhưng nó khắc nghiệt hơn, mạnh mẽ hơn nên trang phục gắn liền với punk cũng không hề “hiền”. Punk nhắm vào mục tiêu nhấn mạnh bạn khác biệt như thế nào so với những người khác. Nghệ sĩ punk không bao giờ thiếu những tuyên bố trực quan táo bạo và lời bài hát gây tranh cãi như đánh thẳng vào mặt bạn. Punk được coi là tiểu văn hóa âm nhạc đầu tiên và trung thực nhất đang tồn tại.
Mặt khác, sự hào nhoáng ra đời do các hiệu ứng, màn trình diễn và hình ảnh hoành tráng liên tục xuất hiện trong cuộc sống thường nhật của người dân. “Chiến tranh giữa các vì sao” có thể là một trong những chất xúc tác của phong trào glam rock, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề từ khoa học viễn tưởng. David Bowie, KISS và Gary Glitter với các tác phẩm có phần hình ảnh và kể chuyện đi kèm với âm nhạc đã tạo ra thể loại glam rock. Tuy nhiên, thời trang hào nhoáng không thực sự được mở rộng sang xã hội hiện đại vì nó khá phi thực tế.
Những năm 80 và 90
Thập niên 80 là thời kỳ chuyển tiếp, những người hâm mộ glam rock và heavy metal kế thừa xu hướng thời trang từ thập niên 70 nhưng cũng đồng thời biến chúng thành một thứ gì đó khác. Một trong những phong trào nguyên bản ra đời từ những năm 80 chắc chắn là phong trào goth, có mối liên hệ sâu sắc với bối cảnh death rock. Đối với bối cảnh glam rock, goth không thực sự trở nên phổ biến như các xu hướng thời trang khác do tính chất cực đoan của trang phục.
Vào những năm 90, nhạc Grunge chiếm lĩnh thị trường, trở thành tiếng nói căm phẫn đại diện cho cả một thế hệ. Giấc mơ Mỹ bắt đầu phai nhạt khi mọi người sống ở vùng ngoại ô chật vật với thực trạng suy thoái kinh tế và sự thay đổi tình hình kinh tế trên toàn thế giới. Thời trang grunge phản ánh điều đó: quần áo nhăn nhúm, khó ưa, bất cần, thái độ coi thường, mặc bất cứ thứ gì trừ “quần áo đắt tiền”.
Thập niên 90 cũng là thời điểm hip hop và văn hóa khu dân cư đô thị nhận được sự quan tâm lớn. New York, LA và Detroit là những địa điểm chứng kiến những trận chiến rap đầu tiên, breakdance, turntablism cùng mọi thứ đi kèm với chúng. Văn hóa hip hop gây bão trên toàn thế giới và mọi người bắt đầu học theo vẻ ngoài của các rapper. Hip hop, cho đến ngày nay, vẫn là một trong những thể loại và xu hướng phổ biến nhất, cả trong âm nhạc và thời trang.
Từ 2000 đến ngày nay
Thế kỷ mới mang đến những xu hướng mới, nhưng đồng thời thế giới thời trang cũng lấy cảm hứng rất nhiều từ quá khứ. Các thương hiệu thời trang liên tục đưa các bộ sưu tập mang tinh thần của các thập kỷ trước, diễn giải các xu hướng cũ theo khuynh hướng hiện đại, khác biệt.
Âm nhạc đã gắn liền với thời trang và phong cách ngay từ những ngày đầu ra đời. Tuy nhiên, các ca sĩ ngày nay có thể gây tác động đến xu hướng thời trang nhiều hơn so với thời trước. Họ hợp tác với các nhãn hiệu trong bài hát của họ, ký hợp đồng với thương hiệu và tạo ra các dòng quần áo, các nghệ sĩ trong thời đại mới có thể tạo ra sức ảnh hưởng lớn đến thời trang theo những cách chưa từng có trước đây. Khi âm nhạc ngày càng được phân phối rộng rãi thì chúng càng có nhiều khả năng tạo ra sức ảnh hưởng hơn.
Từ năm 2010, các nghệ sĩ nổi tiếng như Drake, Rihanna, Pharrell Williams và Kanye West bắt đầu tạo ra các phong cách thời trang thịnh hành đến tận ngày nay. Nhạc sĩ kiêm nhà thiết kế Pharell Williams đã làm việc với rất nhiều thương hiệu như Chanel, Bape, Adidas. Phong cách mặc đồ rộng thùng thình của Billie Eilish cũng từng được giới trẻ ưa chuộng. Người hâm mộ Billie Eilish trên khắp thế giới lùng sục những chiếc mũ len màu neon và áo sơ mi có in tên thần tượng.
Âm nhạc có mối quan hệ mật thiết với thời trang, hai khía cạnh này không thể tách rời nhau. Với các giao dịch thương hiệu và hàng hóa ngày càng đa dạng, âm nhạc sẽ tiếp tục tác động đến các xu hướng thời trang và truyền cảm hứng cho phong cách ăn mặc của chúng ta.