Môi trường kinh doanh minh bạch 'hút' dòng vốn FDI

Số lượng dự án đầu tư mới tăng lên cho thấy niềm tin của nhà đầu tư FDI với môi trường đầu tư trong nước tiếp tục được củng cố, không chỉ đến đầu tư mới mà còn mở rộng quy mô hoạt động hiện hữu.

Dây chuyền sản xuất tất xuất khẩu ở nhà máy của Công ty TNHH SUNJIN AT&C VINA, khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, thành phố Huế. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

Dây chuyền sản xuất tất xuất khẩu ở nhà máy của Công ty TNHH SUNJIN AT&C VINA, khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, thành phố Huế. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Tài chính dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực trong bối cảnh có nhiều biến động của kinh tế toàn cầu. Số lượng dự án đầu tư mới, số lượt dự án điều chỉnh vốn, các giao dịch góp vốn mua cổ phần cũng đều tăng lên cho thấy, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với môi trường đầu tư trong nước tiếp tục được củng cố, khi không chỉ đến đầu tư mới mà còn mở rộng quy mô hoạt động hiện hữu.

Chẳng hạn mới đây, Công ty TNHH Nước Giải Khát Coca-Cola Việt Nam đã khánh thành nhà máy có tổng vốn đầu tư 136 triệu USD tại khu công nghiệp Phú An Thạnh (Bến Lức, Tây Ninh). Đây cũng là nhà máy thực phẩm đồ uống đạt chứng nhận Công trình xanh LEED cấp độ Vàng (LEED Gold) tại Việt Nam, đánh dấu cột mốc quan trọng trong chiến lược đầu tư và phát triển bền vững của Coca-Cola sau 31 năm hiện diện tại Việt Nam.

Bà Milly Cheng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nước Giải Khát Coca-Cola Việt Nam cho biết, cơ sở sản xuất hiện đại hàng đầu với sự giao thoa giữa đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững – thể hiện niềm tin mạnh mẽ của công ty vào tiềm năng tăng trưởng to lớn của thị trường Việt Nam và cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cũng cho biết: Đây là sự kiện đánh dấu một mốc quan trọng trong chiến lược mở rộng của Tập đoàn Coca-Cola tại Việt Nam và thể hiện niềm tin mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế; trong đó, có các nhà đầu tư Hoa Kỳ và Anh – đối với môi trường đầu tư thân thiện, minh bạch và năng động của tỉnh Tây Ninh.
Coca-Coca không phải là nhà đầu tư duy nhất vì tin tưởng vào tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam mà “cam kết đầu tư lâu dài”. Bắc Ninh cũng là một minh chứng cho việc các nhà đầu tư FDI tiếp tục tin tưởng và mở rộng đầu tư tại địa phương này. UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được khoảng 12.036,2 triệu USD vốn đầu tư FDI. Tính riêng thu hút FDI, Bắc Ninh đứng thứ 2 toàn quốc sau thành phố Hà Nội.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho hay, một trong những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư ngoài nước là tỉnh Bắc Ninh nhất quán quan điểm đặt lợi ích và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Đặc biệt, tỉnh Bắc Ninh quan tâm hỗ trợ cho nhà đầu tư ngay từ khi bắt đầu đặt chân vào nghiên cứu thủ tục, tạo ra niềm tin cho doanh nghiệp ngay từ khi tìm hiểu đầu tư. Đồng thời, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan trong việc hỗ trợ từng thủ tục, các vướng mắc đều phải giải quyết được.
“Bắc Ninh không chỉ tập trung thu hút doanh nghiệp công nghệ cao, trở thành thủ phủ công nghiệp bán dẫn, tuân thủ yếu tố về môi trường, mà còn chú trọng thu hút các doanh nghiệp tư nhân trong nước”, Chủ tịch Vương Quốc Tuấn cho hay.

Nhiều hệ thống máy móc hiện đại, tiên tiến nhất đã được các doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Nhiều hệ thống máy móc hiện đại, tiên tiến nhất đã được các doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Còn theo bà Phí Thị Hương Nga, Trưởng ban Ban Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, Cục Thống kê, Bộ Tài chính, sức hấp dẫn và khả năng thu hút vốn FDI của Việt Nam vẫn được duy trì nhờ những tiềm năng, lợi thế đáng kể. Đó là vị trí địa lý thuận lợi, dễ dàng kết nối với các thị trường lớn; thị trường lớn với hơn 100 triệu người tiêu dùng; chi phí cạnh tranh; tình hình kinh tế vĩ mô ổn định.
Tuy nhiên, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), Cục cũng đã báo cáo và cảnh báo một số rủi ro có thể ảnh hưởng đến dòng vốn như xung đột thương mại Mỹ – Trung và các chính sách thuế mới. Trước những thông tin đó, thời gian gần đây, các nhà đầu tư FDI có những e ngại về vấn đề thuế và điều này, có thể khiến một bộ phận nhà đầu tư nước ngoài thận trọng hơn trong quá trình giải ngân, nhất là với các dự án quy mô lớn, dài hạn…
Để duy trì sức hút và vươn lên trong cuộc cạnh tranh thu hút FDI với các nước trong khu vực, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư vẫn là giải pháp căn cơ, thiết thực cần kiên trì thực hiện theo hướng thực chất và hiệu quả nhằm duy trì, thúc đẩy hoạt động FDI.
Thêm vào đó, các địa phương cũng mạnh dạn áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt, như “luồng xanh”, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhằm rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư cũng như những điều kiện thuận lợi tối đa để tăng cường hấp dẫn đầu tư đối với lĩnh vực công nghệ cao. Đó là giải pháp tự nâng cao sức cạnh tranh, mời gọi nhà đầu tư chiến lược tham gia các dự án thuộc ngành vật liệu bán dẫn, chip; chế tạo linh kiện, vi mạch tích hợp; trung tâm nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo...
Về địa phương, các tỉnh sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, báo cáo các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
“Cùng với đó, chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các nhà đầu tư đã và đang triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh để hoàn thành các thủ tục, hồ sơ và sớm đưa dự án đi vào hoạt động; đồng thời chấn chỉnh kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, khắc phục hạn chế, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết.
Việc Việt Nam đang tổ chức lại bộ máy hành chính cũng sẽ là yếu tố then chốt củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài, tạo kỳ vọng về cải cách hành chính sâu rộng và môi trường đầu tư thông thoáng hơn trong thời gian tới.
Tuy vậy, các khuyến nghị chính sách vẫn tiếp tục được đưa ra, để Việt Nam nắm chắc phần thắng trong cuộc đua thu hút vốn đầu tư nước ngoài, kể cả trong bối cảnh các chính sách thuế quan của Mỹ có thể gây những bất lợi đối với dòng đầu tư toàn cầu.
Với lợi thế về hạ tầng, nguồn nhân lực, các chính sách ưu đãi đầu tư và vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam Việt Nam vẫn đang có nhiều lợi thế trong cuộc đua thu hút đầu tư nước ngoài, nhờ môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi và hơn hết là từ các cam kết đồng hành với nhà đầu tư của Chính phủ Việt Nam.
“Chính phủ cam kết đồng hành cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chúng tôi kêu gọi các nhà đầu tư tích cực đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng, chế biến, dịch vụ và cả đầu tư tài chính”, lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay.
Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam ghi nhận tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 21,51 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số cao nhất kể từ năm 2009. Vốn đăng ký điều chỉnh cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao với 826 lượt đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tổng vốn tăng thêm 8,95 tỷ USD, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, niềm tin vững chắc của các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh sản xuất tại Việt Nam.

Thúy Hiền/Bnews/Vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/moi-truong-kinh-doanh-minh-bach-hut-dong-von-fdi/380795.html