Thúc đẩy phát triển các dự án carbon, hiện thực hóa mục tiêu Net Zero

Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển các dự án carbon nhằm giảm thiểu khí nhà kính và thúc đẩy tăng trưởng xanh, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero) mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế.

Các chuyên gia trao đổi tại “Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới”, do Tạp chí điện tử Nhà quản trị (TheLEADER) tổ chức. Ảnh: D.T

Các chuyên gia trao đổi tại “Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới”, do Tạp chí điện tử Nhà quản trị (TheLEADER) tổ chức. Ảnh: D.T

Việt Nam có 150 dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ carbon

Chia sẻ tại “Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới” diễn ra sáng 18/7, TS. Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường - cho biết, biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu đã và đang tác động đến mọi mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu.

Cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) nêu rõ: “Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.

Ngay sau Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 và đã ban hành Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Trong đó có 5 giải pháp, biện pháp chính để thực hiện cam kết Net Zero, bao gồm: chuyển đổi năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; sử dụng năng lượng, tài nguyên thiên nhiên tiết kiệm, hiệu quả; phát triển rừng và các hệ sinh thái, bao gồm các hệ sinh thái biển và ven biển; thu hồi và lưu trữ carbon; định giá carbon.

Nói thêm về vấn đề định giá carbon, ông Quang cho biết, định giá carbon bao gồm thuế carbon và thị trường carbon. Trên thế giới có khoảng 80 quốc gia, vùng lãnh thổ áp dụng các công cụ định giá carbon, trong đó, 43 quốc gia áp dụng thuế carbon, 37 quốc gia áp dụng thị trường carbon, kiểm soát khoảng 28% lượng khí CO2 tương đương với giá trị khoảng 102 tỷ USD.

Nổi bật như hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính của Liên minh châu Âu, đã hoạt động từ năm 2005 và giúp giảm 37% lượng khí thải từ các nhà máy điện và công nghiệp. Singapore cũng đã áp dụng thuế carbon từ năm 2019 ở mức 5 đô la Singapore/tấn CO2 tương đương và tăng gấp 5 lần, đạt mức 25 đô la Singapore/tấn CO2 tương đương vào năm 2024...

Về phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, trong khi thị trường carbon mới trong giai đoạn xây dựng, thì trên thực tế các doanh nghiệp Việt Nam đã trao đổi tín chỉ carbon từ Việt Nam trên thị trường carbon tự nguyện thế giới từ giữa những năm 2000, thông qua các Cơ chế phát triển sạch (CDM) từ năm 2006, Cơ chế Tiêu chuẩn vàng (GS), Cơ chế Tiêu chuẩn carbon được thẩm định (VCS) từ năm 2008, Cơ chế tín chỉ chung với Nhật Bản (JCM) từ năm 2013…

Tính đến nay, Việt Nam đã có 150 dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ carbon và đã có trao đổi trên thị trường thế giới; là một trong 4 nước có dự án CDM đăng ký nhiều nhất (sau Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ). Riêng tín chỉ thu được từ các dự án CDM, Việt Nam đứng thứ 9 trên tổng số 80 quốc gia có dự án CDM được cấp tín chỉ.

Về lộ trình phát triển thị trường carbon của Việt Nam, ông Quang cho biết, ngày 24/01/2025, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 232/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Theo đó, trong giai đoạn từ tháng 6/2025 đến hết năm 2028, sẽ vận hành thí điểm sàn giao dịch carbon trong nước; giai đoạn từ năm 2029 sẽ chính thức vận hành sàn giao dịch carbon trong nước.

“Hiện nay, các bộ, ngành chức năng liên quan đang khẩn trương xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thí điểm sàn giao dịch carbon trong nước vào cuối năm 2025” - ông Quang nói.

Nhiều tiềm năng phát triển các dự án carbon

Chia sẻ về tiềm năng phát triển các dự án carbon tại Việt Nam, ông Lê Quang Linh - Chuyên gia dự án Giảm phát thải, Tài chính xanh Công ty cổ phần Khoa học và Môi trường Giant Barb - cho biết, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển các dự án carbon nhằm giảm thiểu khí nhà kính và thúc đẩy tăng trưởng xanh, với 4 loại hình dự án trọng điểm: sản xuất biochar từ phế phẩm nông nghiệp; thu hồi biogas phát điện từ chăn nuôi heo; thu hồi khí bãi rác phát điện và đốt rác phát điện. Mỗi loại hình đều mang lại lợi ích môi trường và kinh tế đáng kể, góp phần giải quyết thách thức về chất thải và năng lượng.

Đơn cử, về sản xuất biochar từ phế phẩm nông nghiệp, ông Linh cho biết, biochar có thể giảm 10 - 12% phát thải carbon từ chuyển đổi chất thải thành năng lượng và lưu trữ carbon lâu dài trong đất. Đặc biệt, biochar có khả năng giảm phát thải khí metan (CH4) – khí nhà kính mạnh gấp 25 lần CO2. Các nghiên cứu cho thấy bổ sung biochar ở tỷ lệ 2 - 60% có thể giảm phát thải CH4 tối đa lên đến 91,2% trong điều kiện ngập nước; biochar trấu ở tỷ lệ 0,2% và 0,5% giảm tổng lượng CH4 lần lượt 21,83% và 49,64%.

Hay như dự án thu hồi biogas phát điện từ chăn nuôi heo. Việc thu hồi biogas từ chất thải chăn nuôi để phát điện mang lại nhiều lợi ích. Hệ thống biogas thu giữ CH4, giảm đáng kể khí nhà kính. Khí biogas là nguồn năng lượng sạch, giá cả phải chăng cho đun nấu và phát điện, thay thế nhiên liệu truyền thống và giảm chi phí năng lượng. Phụ phẩm là phân bón hữu cơ chất lượng cao, giảm phụ thuộc vào phân bón hóa học.

“Chương trình biogas cho ngành chăn nuôi Việt Nam đã mang lại lợi ích cho hơn 725.000 hộ chăn nuôi và phát hành khoảng 928.000 tín chỉ carbon mỗi năm, với doanh thu từ tín chỉ carbon chiếm khoảng 50% ngân sách chương trình. Các trang trại cá nhân cũng tiết kiệm chi phí đáng kể nhờ tự chủ nguồn điện từ biogas…” - ông Linh thông tin.

Mặc dù tiềm năng phát triển các dự án carbon tại Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên theo ông Linh, việc triển khai hiệu quả và tham gia sâu rộng vào thị trường carbon quốc tế vẫn đối mặt với nhiều thách thức.

Trước hết là sự thiếu hụt hành lang pháp lý rõ ràng và đồng bộ cho thị trường carbon, đặc biệt là quy định cụ thể về quy trình giao dịch, quản lý và giám sát. Quyền sở hữu và chuyển quyền carbon/kết quả giảm phát thải chưa rõ ràng...

Bên cạnh đó, Việt Nam còn thiếu các công nghệ chuyển đổi tín chỉ carbon cơ bản và phụ thuộc nhiều vào công nghệ nhập khẩu. Năng lực quốc gia về kiểm kê khí nhà kính; đo lường, báo cáo, thẩm định (MRV) phát thải và xác minh kết quả giảm phát thải còn hạn chế.

Đặc biệt, chi phí đầu tư ban đầu cao và chất lượng nguyên liệu chưa ổn định. Các dự án carbon, đặc biệt là nhà máy đốt rác phát điện (WTE), đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu rất lớn. Chất lượng rác thải tại Việt Nam chưa ổn định do thiếu hệ thống phân loại rác tại nguồn hiệu quả, ảnh hưởng đến hiệu suất và tính kinh tế của các dự án WTE.

Ngoài ra, thách thức nữa đó là nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu và lợi ích của phân loại rác tại nguồn còn thấp, gây khó khăn cho việc thu gom và xử lý rác hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp cũng chưa nắm rõ cách thức hoạt động của thị trường carbon…

Từ thực tế trên, để vượt qua các thách thức và khai thác tối đa tiềm năng phát triển các dự án carbon, theo các chuyên gia, Việt Nam cần triển khai các giải pháp đồng bộ.

Thứ nhất, cần ưu tiên hoàn thiện và đồng bộ hóa hành lang pháp lý cho thị trường carbon, bao gồm hướng dẫn cụ thể về quy trình giao dịch, quản lý, giám sát và quyền sở hữu tín chỉ carbon. Cần xác định rõ ràng hướng đi cho thị trường carbon (tự nguyện, bắt buộc hoặc kết hợp) để tạo sự ổn định và thu hút đầu tư dài hạn.

Thứ hai, đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) nội địa và tăng cường hợp tác quốc tế để chuyển giao các công nghệ giảm phát thải tiên tiến, đặc biệt trong WTE, biogas công suất lớn và biochar. Xây dựng năng lực quốc gia về kiểm kê khí nhà kính, MRV để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ ba, tăng cường huy động tài chính xanh, thông qua việc phát triển các cơ chế tài chính sáng tạo như tài chính hỗn hợp, công cụ giảm thiểu rủi ro và bảo lãnh tín dụng để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư tư nhân và giải quyết chi phí ban đầu cao. Tăng cường hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế (như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á…) và các quỹ khí hậu như Quỹ Khí hậu Xanh (GCP)...

Ngoài ra, cần triển khai các chương trình giáo dục và truyền thông sâu rộng để nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu, lợi ích của các dự án carbon và tầm quan trọng của phân loại rác tại nguồn. Khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thị trường carbon thông qua đào tạo, tư vấn và ưu đãi chính sách…/.

TUẤN MINH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/thuc-day-phat-trien-cac-du-an-carbon-hien-thuc-hoa-muc-tieu-net-zero-41722.html