Món ăn được mong chờ nhất trong Tết Nguyên đán của người gốc Việt ở Mỹ
Với cộng đồng gốc Việt tại Mỹ, Tết Nguyên đán là kỳ nghỉ quan trọng nhất năm, các thành viên gia đình có thể đoàn tụ bên nhau và thưởng thức những món ăn truyền thống.
Cộng đồng người Việt tại Mỹ chuẩn bị kỹ lưỡng cho Tết Nguyên đán với những phong tục truyền thống đã được truyền lại qua nhiều thế hệ. Giống như ở trong nước, Tết Nguyên đán của người Mỹ gốc Việt xoay quanh gia đình và những món ăn truyền thống, theo New York Times.
Ngày lễ quan trọng nhất năm
Andrew Bui, 30 tuổi, là một nhiếp ảnh gia kiêm nhà văn. Gia đình Bui nhập cư tới Mỹ vào thập niên 1980 và hiện sở hữu quán Pho 79, một trong các nhà hàng món Việt nổi tiếng tại khu Little Saigon, quận Cam, California.
"Với gia đình tôi, Tết Nguyên đán quan trọng hơn nhiều so với Giáng sinh. Suốt thời gian tôi trưởng thành, cha mẹ tôi làm việc không nghỉ vào Lễ Tạ ơn, Giáng sinh, Năm mới. Giống như các gia đình nhập cư, họ hiếm khi có ngày nghỉ. Tết Nguyên đán là thời gian duy nhất cha mẹ tôi đóng cửa hàng trong cả tuần", Bui nói.
Dẫu vậy, gia đình Bui thậm chí còn "lao động" vất vả hơn ngày bình thường, họ chuẩn bị đồ ăn cho cả dòng họ 80 người, gồm bà ngoại, cô, dì, chú, bác và anh em họ hàng.
"Tôi nhớ mẹ tôi thức trắng ba đêm, dọn dẹp nhà cửa, trang trí cây cảnh để chúng nở hoa đúng ngày, làm bánh tét và chả giò", Bui nói.
Người đàn ông nói đã thừa hưởng tất cả phong tục, tập quán ấy của gia đình, nhưng điều chỉnh cho phù hợp với lối sống của bản thân. Bui hiện sống ở Brooklyn. Người đàn ông thường tổ chức một buổi tối "Tết" với một vài người bạn thân, trước khi bay về quận Cam đoàn tụ bên gia đình.
Một nhiếp ảnh gia gốc Việt khác là Cindy Trinh, 39 tuổi. Trinh nói cô có nhiều kế hoạch cho Tết Nguyên đán, bao gồm một buổi triển lãm ảnh. Sau đó, Trinh sẽ bay tới San Francisco cùng một người bạn để nghỉ Tết.
"Tết Nguyên đán là kỳ nghỉ mà tôi yêu thích nhất trong năm. Đó là thời gian gặp gỡ, trò chuyện với người thân, bạn bè, ăn những món ăn ngon tuyệt. Đồ ăn sẽ là trung tâm", Trinh nói.
Bánh chưng là món ăn mà nữ nhiếp ảnh gia gốc Việt mong chờ nhất. Cô thường được ăn bánh chưng vào mỗi dịp năm mới. Cũng giống như các gia đình Việt Nam truyền thống, bánh chưng là món ăn không thể thiếu trên bàn thờ của gia đình Trinh.
Tiếp nối truyền thống
Diep Tran, năm nay 50 tuổi, là đầu bếp sống tại California. Gia đình bà chuyển tới Mỹ vào thập niên 1970. Đến nay, người phụ nữ vẫn nhớ về kỷ niệm giúp đỡ gia đình gói và nấu bánh chưng khi còn nhỏ.
Nhiều năm qua, Tran và những người bạn thân vẫn tổ chức gói bánh chưng mỗi dịp Tết Nguyên đán. Cũng giống như Tran, nhóm bạn của bà đều trân trọng những kỷ niệm thủa nhỏ khi họ cùng gia đình ăn bánh chưng mỗi dịp Tết.
"Những người bạn của tôi đều có cùng suy nghĩ, họ vẫn nhớ về hương vị ấy, nhớ về những đêm nấu bánh chưng và khi thức dậy, bánh đã chín", Tran nói.
Thông qua các video hướng dẫn trên YouTube, Tran và những người bạn học được cách làm bánh chưng, cũng như các truyền thống khác của người Việt. Họ cũng bổ sung thêm những cách làm mới để đổi khẩu vị.
Thay vì những nồi gang đốt bằng củi, Tran và các bạn sử dụng các loại nồi nấu bếp kiểu phương Tây khác như nồi áp suất. Họ cũng sáng tạo ra các loại nhân bánh mới như chuối, bơ đậu phộng, thịt xông khói. Tuy nhiên, nước chấm thì vẫn là nước mắm truyền thống.
Năm 2019, Tran đã tổ chuỗi chức hội thảo "Bánh Chưng Collective" nhằm tìm kiếm thêm các nguyên liệu và cách làm các món ăn truyền thống của người Việt.
Trong thời gian đại dịch 2020, dự án "Bánh Chưng Collective" được tổ chức trực tuyến, thu hút lượng lớn khán giả là những người không thể đoàn tụ bên gia đình bởi các hạn chế di chuyển.
Tran cho biết bản thân cô vừa là người đồng tính, vừa là một phụ nữ thuộc cộng đồng gốc Á. "Bánh Chưng Collective" là cách để Tran khẳng định sự kết nối với những người phụ nữ gốc Á khác.
"Với tôi, bánh chưng mang lại niềm vui của Tết Nguyên đán, trái ngược với những mệt mỏi, căng thẳng thường ngày", Tran nói.
Theo BBC, kể từ 2023, Tết Nguyên đán đã được bang California công nhận là ngày nghỉ lễ chính thức. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử California, Tết Nguyên đán trở thành ngày lễ cấp tiểu bang.
Thống đốc California Gavin Newsom nói việc ký luật công nhận Tết Nguyên đán nhằm "thừa nhận sự đa dạng và ý nghĩa về văn hóa mà người Mỹ gốc Á mang đến California", New York Times đưa tin ngày 19/1.
Theo San Jose Spotlight, cộng đồng người Việt ở San Jose tổ chức lễ hội lớn để chào đón Tết Nguyên đán. Các nhà lãnh đạo cộng đồng cho biết đây là cơ hội để các thành viên kết nối cùng nhau.
Jessica Dang, 29 tuổi, cho biết cô tham dự lễ hội với bộ áo dài tím mua trong chuyến trở về Việt Nam trước đó. Dang nói từ nay, cô sẽ hòa mình nhiều hơn vào các phong tục của người Việt.
"Tôi muốn học nhiều hơn về văn hóa của người Việt Nam", Dang nói.