Món giả cầy ngoài lá mơ lông phải ăn với những loại rau này mới bật lên vị ngon thần thánh ai ăn cũng thích mê
Ai cũng biết món chân giò nấu giả cầy bắc xuống cho thêm chút hành hoa, rau răm thái nhỏ mới dậy sực hương vị. Nhưng các cụ xưa sành lắm, thường ăn kèm với các loại rau ghém dưới đây mới bật lên vị ngon thần thánh ai ăn cũng thích mê.
Chân giò giả cầy nấu măng
Theo Chuyên gia ẩm thực Vũ Thị Tuyết Nhung, một số người cho rằng việc cho măng vào nấu giả cầy là cách ăn độn thời bao cấp nửa thế kỷ trước. Nhưng ngày nay ở nhiều vùng quê, dân phố, và cả những nhà giàu có cũng hay cho thêm măng củ thái con chì vào nấu món giả cầy cho ngon, lại chống ngán - bởi cho măng củ tươi vào nồi giả cầy có thêm chất rau củ, dễ tiêu hóa và đỡ ngấy.
Cách nấu chân giò giả cầy không có công thức chuẩn, tùy khẩu vị của mỗi người mà điều chỉnh gia vị cho phù hợp. Và măng củ cho vào món chân giò nấu giả cầy nhất thiết phải là măng củ tươi (không phải là loại măng nứa, măng giang, măng vầu, măng áo tơi vì sẽ không ngon).
Tùy nhà mà cho nhiều hay ít măng vào thịt chân giò giả cầy. Nhưng ở quê thường ướp nhiều thịt, ít măng. Ví như ướp độ dăm cân thịt và móng, thì mua độ 1kg măng củ tươi.
Theo Chuyên gia ẩm thực Vũ Thị Tuyết Nhung hướng dẫn thì sau khi măng củ tươi được thái hình móng lợn, rửa sạch, luộc qua thì cũng ướp các gia vị như ướp thịt và móng lợn. Có lưu ý là măng nấu giả cầy phải được ướp kỹ, nếu không sẽ ăn chậm chuội, nhạt nhẽo.
Đổ măng vào xào cùng thịt và móng lợn một lúc thì đổ nước xâm xấp mặt chân giò và măng đã xào kĩ. Đun sôi tất cả lên bằng lửa to, rồi hạ lửa ninh khoảng 20 phút nữa là được.
Khi nào gần ăn thì bắc nồi giả cầy nấu măng lên bếp đun lửa to lại thêm ít phút nữa - thì món ăn sẽ giòn sần sật.
Nếu thích ăn món giả cầy nấu nhừ thì ninh thêm khoảng 15 phút nữa là được. Và chỉ ninh thế thôi, chứ không ninh quá nữa bởi thịt nhừ tơi thì mất ngon.
Món giả cầy ăn rau gì mới ngon
Món chân giò nấu giả cầy bắc xuống cho thêm chút hành hoa, rau răm thái nhỏ là dậy mùi, sực hương vị., nhưng các cụ xưa sành lắm, thường ăn kèm với các loại rau ghém để ngon miệng mà không bị ngấy.
Các loại rau ghém ngoài lá mơ lông ai cũng biết, còn cần có xà lách, ngò gai (mùi tàu), tía tô, kinh giới, rau thơm, rau mùi, rau húng quế, ngò om (rau ngổ), rau răm, hành lá vừa hợp vị, vừa đỡ ngấy.
Mùa này các loại rau ghém không thiếu. Đơm một mảnh bún rối, hay dăm thìa cơm gạo mới thổi khô vào bát, lại rưới thêm mấy thìa nước giả cầy thì người yếu cũng ăn hết veo vài bát.
Nhin bát cơm/bún có miếng thịt giả cầy vàng rộm, béo ngậy nổi lấp lánh mấy nhánh hành răm xanh ngắt, ngửi mùi thôi đã kích thích cái lưỡi và dạ dày - dân nhậu xơi món này rất nhanh và ngon miệng. Dân nhậu có cái thú ngồi gặm xương xẩu, mỗi miếng lại tợp thêm ngụm rượu là ngon tuyệt vời.
Món giả cầy thơm mềm, nóng hổi rất hấp dẫn. Món giả cầy ăn nóng với cơm hay bún đều ngon và hấp dẫn.
Cách nấu giả cầy thường không có một công thức chuẩn, tùy vào khẩu vị của mỗi người mà điều chỉnh gia vị cho phù hợp.
Cách nấu giả cầy với măng
Nguyên liệunấu giả cầy với măng
– Chân giò heo: 1 cái.
- Măng tươi - chọn mua được những củ măng le thì ngon tuyệt.
– Riềng tươi: 5 củ lớn, sả tươi: 5 cây, bột nghệ, mẻ, mắm tôm.
– Gia vị: Muối ăn, đường cát, nước mắm.
Cách làm chân giò giả cầy nấu măng
– Măng tươi lột bỏ lớp vỏ ngứa bên ngoài (nên đeo bao tay nilon chống ngứa). xắt nhỏ măng thành từng lát mỏng vừa ăn.
– Đun sôi nước thì cho nhúm muối rồi đổ măng vào luộc kỹ - nhằm loại bỏ các độc tố có trong củ măng.
– Chân giò heo nên nhờ người bán thui giúp - họ có kinh nghiệm nên thui đủ độ. Nếu không thì dùng rơm khô, bếp gas, máy khò, giấy báo thui cho da heo vàng, giòn thơm ngon hơn khi nấu.
Thui xong thì cạo rửa sạch, để ráo nước thì dùng dao phay to chặt thành miếng nhỏ vừa ăn.
– Củ riềng rửa sạch, giã nhuyễn.
- Sả bóc bớt vỏ ngoài, rửa sạch, băm nhỏ, bỏ bát riêng.
Ướp chân giò với:
1 chén nhỏ riềng giã nát,
1/2 chỗ sả băm nhỏ,
1 muỗng canh mẻ,
3 muỗng nhỏ mắm tôm,
1 muỗng canh nước mắm thơm ngon.
Tất cả trộn đều cho thấm vào thịt.
- Sau 1 giờ ướp thì đổ chân giò đã ướp vào nồi. Đổ thêm 1 muỗng canh dầu ăn vào xào cùng.
Vừa xào vừa đổ thêm 1 thìa bột nghệ vào đảo cùng để có màu sắc đẹp. Khi thịt chân giò săn lại thì đổ măng luộc vào xào chung.
– Khi chân giò và măng luộc săn lại thì đổ lượng nước sâm sấp bề mặt chân giò và măng (nếu dùng nồi áp suất thì cho vào ninh sẽ tiết kiệm đáng kể thời gian).
Khi nào thịt chín nhừ, xương mềm nục, tỏa hương thơm đặc trưng của món giả cầy thì mở vung, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi tắt bếp.
Thành phẩm: Món chân giò giả cầy nấu măng hương vị rất thơm ngon đặc trưng.
Măng nấu giả cầy thường được nhiều người thích ăn hơn cả miếng thịt - vì miếng măng ngấm vị ngọt, vị béo của thịt xương, còn giòn sần sật, chua dìu dịu, ăn chỉ biết no mà không biết chán.
Những ngày mưa bão, hay trở trời se se lạnh, mùa đông giá buốt cả nhà quây quần bên nồi chân giò giả cầy nóng hổi thơm phức sẽ thấy rất gần gũi, ấm áp.
Mẹo nấu chân giò giả cầy thơm, béo:
- Dùng nước dừa tươi thay cho nước lọc.
- Phải thui chân giò cho vàng thơm trước khi nấu.
– Măng tươi nhất định phải luộc thật kỹ trước khi mang đi nấu để tránh bị ngộ độc bởi củ măng.
– Lưu ý sơ chế và ướp thật kỹ để món ăn đậm đà gia vị hơn.
Món chân giò giả cầy thực hiện đúng công thức là thành công.
*Thông tin có tham khảo từ Monngon.