Mòn mỏi chờ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cấp bằng tiến sĩ
Nhiều nghiên cứu sinh có Quyết định công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ từ 2022, 2023 nhưng đến nay vẫn chưa được Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cấp bằng.
Vừa qua, một số nghiên cứu sinh đã bảo vệ luận án, có quyết định công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam biết, họ đã có quyết định công nhận từ năm 2022, 2023 nhưng đến nay, nhà trường vẫn chưa cấp bằng cho nghiên cứu sinh.
Có quyết định công nhận học vị từ 2022,2023 nhưng đến nay vẫn chưa được cấp bằng tiến sĩ
Trong khi đó, Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 28/6/2021 về ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ quy định quy định rất rõ thời gian cơ sở đào tạo phải cấp bằng cho nghiên cứu sinh.
Theo khoản 5, Điều 19 về việc đánh giá luận án và cấp bằng tiến sĩ, Thông tư 18 nêu rõ: "Cơ sở đào tạo thực hiện việc cấp bằng tiến sĩ cho nghiên cứu sinh trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày quyết định công nhận trình độ tiến sĩ có hiệu lực".
Nghiên cứu sinh cho biết, việc chậm trễ trong khâu cấp bằng tiến sĩ của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã khiến cho không ít người rơi vào tình huống khó xử khi họ đang cần văn bằng để bổ nhiệm hoặc để bố trí việc làm trong các cơ quan nhà nước.
Nhiều nghiên cứu sinh có quyết định về việc công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ từ năm 2022, 2023 do Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn ký.
Tính từ thời điểm có quyết định của Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đến nay đã qua 30 ngày theo quy định từ lâu, nhưng hiện tại nhiều nghiên cứu sinh vẫn chưa hề được nhận bằng tiến sĩ.
"Khóa của tôi phải chờ như vậy là thời gian còn ngắn, có người có quyết định công nhận học vị trước tôi gần một năm (khoảng năm 2022 - PV) nhưng đến nay cũng đã nhận được bằng tiến sĩ đâu", vị này cho biết thêm.
Phóng viên có đặt câu hỏi với một người học rằng, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cấp bằng tiến sĩ chậm trễ như vậy thì người học có phản ứng gì không.
Vị này thở dài cho biết: "Chúng tôi cũng đã hỏi nhà trường nhiều lần về việc này, nhưng họ hứa hết đợt này sang đợt khác. Bây giờ thì chúng tôi mất niềm tin vào những lời hứa đó, cũng như không thể biết chắc chắn đến khi nào mình mới được nhận bằng.
Vào tháng 11/2023, nhà trường tổ chức trao bằng tiến sĩ "tượng trưng" cho chúng tôi nhưng tên không đúng với tên người được cấp bằng. Sau đó nhà trường thu lại.
Khi chúng tôi hỏi về nguyên nhân tại sao nhà trường không phát bằng luôn cho học viên mà lại phát bằng "tượng trưng" như vậy thì nhà trường trả lời là do trời nồm, ẩm ướt chưa kịp in bằng. Khi nào nắng ráo, trường sẽ in lại và phát cho nghiên cứu sinh. Còn chính xác khi nào có, chúng tôi cũng chưa biết".
Việc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam chậm trễ trong cấp bằng tiến sĩ khiến nhiều người học gặp không ít rắc rối ở nơi công tác.
"Trên nguyên tắc, tại cơ quan tôi đang làm việc đã gọi là tiến sĩ, người đó cần minh chứng là tấm bằng tiến sĩ. Quan ngại nhất là cơ quan tôi cũng đang sắp vào đợt thanh tra, trong trường hợp đơn vị kê khai tôi là tiến sĩ nhưng nếu rà soát mà tôi không cung cấp được minh chứng là bằng tiến sĩ thì quả thật rất phiền phức.
Theo quy định, với thời gian có quyết định công nhận học vị tiến sĩ của tôi là từ tháng 9/2023, đúng ra là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam phải cấp bằng cho chúng tôi từ lâu rồi. Nhà trường thì cứ khất lần vậy nếu chúng tôi cũng đưa lý do như trường thì nhà quản lý họ cũng đâu hài lòng", vị này cho biết.
Vụ Đào tạo sẽ yêu cầu Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam báo cáo
Để có thêm thông tin khách quan, ngày 29/3, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với Tiến sĩ Đỗ Quốc Hưng - Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, phụ trách mảng đào tạo.
Tiến sĩ Đỗ Quốc Hưng cho biết: "Về việc này thì phía Ban Giám đốc học viện, Hội đồng trường cũng đã họp và chỉ đạo cho Phòng Khảo thí in ấn bằng để cấp".
Tiến sĩ Hưng cũng thừa nhận: "Bên Phòng Khảo thí cũng đang khá chậm trễ, Giám đốc học viện cũng đã nhắc nhở. Trong thời gian sớm thôi nhà trường sẽ tổ chức trao bằng cho các em ấy".
Phóng viên đề cập đến nguyên nhân của việc chậm trễ nói trên, Tiến sĩ Đỗ Quốc Hưng cho rằng, do mới được tiếp nhận phụ trách nên toàn bộ công tác sau đại học là do Giám đốc Học viện chịu trách nhiệm và ký các quyết định công nhận văn bằng.
Tiến sĩ Hưng cho phóng viên số điện thoại liên lạc của Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn.
Phóng viên tiếp tục liên hệ với Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn - Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam để nắm thêm thông tin. Thầy Tuấn lại nhắn phóng viên gọi cho Tiến sĩ Đỗ Quốc Hưng, Phó Giám đốc phụ trách đào tạo.
Theo thông tin từ website của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, vào tháng 5/2023, Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Đỗ Quốc Hưng được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. [1]
Ngày 31/3, phóng viên đã liên lạc với ông Lê Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỏi về việc đơn vị có nắm được thông tin vụ việc này không?. Ông Tuấn cho biết: "Chúng tôi đang cho rà soát. Nhà trường phải báo cáo. Việc này thuộc thẩm quyền nhà trường".
Tài liệu tham khảo:
[1]https://www.vnam.edu.vn/NewsDetail.aspx?lang=&ItemID=1779