Món ngon những ngày cũ

Trong nhiều cuộc hành trình, ắt hẳn bạn đã từng thưởng thức những món ăn, có thể lần đầu ăn món đó, nhưng sẽ là ký ức không phai. Tôi đã có những món ăn lần đầu như thế và đôi khi ăn lại món đó nhưng không còn cảm giác như xưa. Đó là lần đầu tiên dừng chân ở Cà Mau, nơi đó là một cửa sông mênh mông nước. Những người dân ở đây mưu sinh bằng cách thả những miệng đáy (lưới đáy đánh bắt theo nguyên lý lọc nước bắt cá. Cá bị lùa vào lưới dưới tác dụng của dòng chảy và bị giữ lại ở đụt lưới). Tôi ghé nhà một người dân dựng lên bằng những cột chống trên mặt nước. Nước ở nơi này có hai màu, màu vàng gần bờ do phù sa đổ về, còn màu xanh ở giữa dòng. Chủ nhà mời ăn cơm, đó là bữa cơm với gạo tám thơm nấu bằng nồi đất, còn món chính là những con cua, con tôm còn tươi lấy từ miệng đáy, luộc chấm với nước mắm ngon dầm ớt. Cơm gạo ngon thơm phức, hải sản tươi luộc chấm mắm ngon thì không thể nào không ăn no bụng.

 Một quán nhỏ bên đường.

Một quán nhỏ bên đường.

Đó là tô mì Quảng lần đầu tiên tôi ăn ở một quán nhỏ ở sông Vệ (Quảng Ngãi). Bây giờ mì Quảng bán khắp nơi, nhưng ngày đó tô mì Quảng đúng là đặc sản, với cọng mì vàng và cọng mì trắng, bên trên có lát chả, thịt gà và thịt bò, nước dùng đặc sệt chỉ bỏ vừa đủ, đậu phộng rang rắc lên trên, ăn kèm rau thơm và chiếc bánh tráng nướng rất giòn. Sau này, đi nhiều vùng đất khác nhau, ăn nhiều tô mì Quảng khác nhau, nhưng với tôi đó là tô mì ngon nhất.

Ở Huế có trái vả rất được ưa chuộng, chế biến ra nhiều món ăn. Vào một buổi trưa khi đến Huế, tôi được mời ăn món vả trộn. Đó chỉ là trái vả luộc xắt nhỏ, trộn thịt heo, rau răm và đậu phộng với nước chấm ngon. Một món ăn nhớ đời, đến độ những lần sau ghé Huế, tôi thường kêu món vả trộn và mới biết vả có thể ăn sống, ngâm muối hoặc dùng để kho với thịt cá. Hay ghé Bắc Kạn, nơi đây bán bánh cuốn theo cách bỏ lòng đỏ trứng vào bánh, hấp chỉ vừa chín lớp ngoài, cuốn lại thả vào chén nước mắm pha cho khách. Đó là món bánh cuốn sau này đi Ninh Bình tôi mới bắt gặp trở lại. Hoặc ở Hà Giang, ghé chợ Đồng Văn trong buổi sáng mù sương, ở đó có hàng bán thắng cố, một món ăn nấu bằng nội tạng con ngựa; có món canh nấu bằng mầm bắp, nấu nước nhàn nhạt, chỉ thử qua cho biết chứ không thể nào tận hưởng. Có lần tôi ghé Trảng Bàng (Tây Ninh), ăn món thịt heo luộc cuốn bánh tráng phơi sương. Sự hấp dẫn chính là đĩa lá rau rừng để cuốn bánh tráng. Bánh tráng phơi sương bây giờ ở Tây Ninh vẫn có, nhưng đĩa rau rừng năm xưa nhiều nơi đã thay vào các loại rau đồng bằng. Kể chuyện rau rừng phải nhắc đến món bánh xèo ở Núi Cấm (Châu Đốc), ghé tới đây ăn bánh xèo cũng bởi sự hấp dẫn của các loại rau rừng. Thực vậy, bánh xèo là món ăn phổ biến và quen thuộc, nhưng lần ăn bánh xèo cuốn rau rừng ấy thật khó quên.

Những món ăn lần đầu ấy sau này thành quen hay không quen là điều vốn dĩ bình thường. Những món ăn ở những nơi mình đến, đúng thời điểm là những món ăn lưu lại trong ký ức và một ngày nào đó, ngẫu nhiên ăn trở lại, bỗng tặc lưỡi bởi nó không ngon như lần đầu tiên, vậy mới gọi là ký ức. Ở cầu Bình Sơn (Quảng Ngãi) có một quán ăn nhỏ, lần đầu tiên tôi ăn món cá bống sông Trà chấm đọt rau lang luộc. Cơm dẻo nóng, cá bống ngon chấm rau luộc, ăn đến độ không còn gì. Chúng ta rong ruổi trên những dặm đường, có những cơn mưa và những ngày nắng, bất chợt ăn một món quen hoặc lạ, lần đầu tiên ăn theo cách chế biến vùng miền. Những món ăn ấy lưu giữ trong ký ức.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/doi-song/am-thuc/202301/mon-ngon-nhung-ngay-cu-8275678/