Món ốc ngon, nhiều chất nhưng một số người cần tránh xa
Món ốc chứa nhiều chất lượng dinh dưỡng nhưng lượng purin, natri cao và có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng.
Không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Pháp, Đức và Bồ Đào Nha, ốc được sử dụng làm thực phẩm chế biến nhiều món ngon.
Giá trị dinh dưỡng
Theo Webmd, trong 100g ốc sống có 102 calo, 2g chất béo, 57mg cholesterol, 79g natri, 2g carbohydrate và 18g protein.
Hàm lượng protein trong ốc tương tự như protein trong thịt lợn và thịt bò, nhưng ốc ít chất béo hơn nhiều. Ngoài ra, ốc còn là nguồn cung cấp sắt, canxi, vitamin A và một số khoáng chất khác.
Vitamin A trong ốc giúp hệ miễn dịch chống lại bệnh tật, tăng cường sức khỏe cho đôi mắt, giúp các tế bào trong cơ thể bạn phát triển. Canxi giúp xương chắc khỏe và giảm nguy cơ phát triển các vấn đề liên quan đến xương như loãng xương. Sắt giúp các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy đến tất cả bộ phận trong cơ thể, cũng như giữ cho tóc, móng tay và làn da khỏe mạnh.
Tác dụng tiềm năng
Thời xa xưa, ốc được cho có thể chữa nhiều loại bệnh từ ho thông thường đến bệnh lao. Ngày nay, ốc chủ yếu được dùng để chế biến món ăn chứ không phải dược liệu chữa bệnh. Tuy nhiên, món ốc vẫn có một số lợi ích sức khỏe nhất định.
Cải thiện tình trạng thiếu máu
Thiếu máu do thiếu sắt có thể gây ra các triệu chứng bao gồm mệt mỏi, suy nhược, da nhợt nhạt, đau ngực, nhức đầu, chóng mặt và khó thở. Ăn ốc có thể giúp giảm một số triệu chứng này do ốc là nguồn cung cấp sắt phong phú. 100g ốc có thể cung cấp 22% lượng sắt được khuyến nghị hằng ngày.
Hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Không chỉ cá mà ốc cũng là nguồn cung cấp axit béo Omega-3 dồi dào. Omega-3 được chứng minh có tác dụng cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ tử vong vì bệnh tim. Omega-3 cũng có thể hỗ trợ hạ huyết áp, giảm đông máu và giữ nhịp tim ổn định.
Rủi ro tiềm ẩn
Trong một số trường hợp, ăn ốc sống hoặc nấu chưa chín kỹ có thể dẫn đến tình trạng nhiễm ký sinh trùng. Bạn có thể bị nhức đầu, sốt, buồn nôn, nôn mửa. Những ký sinh trùng này làm tổn thương các cơ quan nội tạng như phổi, gan, thận, dẫn đến phản ứng miễn dịch hoạt động quá mức.
Ốc nước ngọt là vật chủ của ký sinh trùng nguy hiểm gây bệnh sán máng. Mỗi năm, hàng triệu người trên thế giới nhiễm ký sinh trùng này qua nguồn nước bẩn.
Bạn có thể ngăn ngừa nguy cơ trên bằng cách nấu ốc chín thật kỹ trước khi ăn.
Ngoài ra, một số nhóm người không nên ăn ốc để tránh gây hại cho sức khỏe. Người mắc bệnh gút nên tránh các món từ ốc do hàm lượng purin cao, hấp thụ quá nhiều sẽ khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Không ít người bị dị ứng với hải sản bao gồm ốc dẫn tới nổi mề đay, ngứa, phù nề mặt, đau bụng, tiêu chảy, khó thở. Các bệnh nhân cần đi cấp cứu và tuyệt đối tránh ăn ốc sau này.
Do trong ốc có nhiều natri, nếu hấp thu nhiều sẽ khiến người mắc bệnh tiểu đường, thận, huyết áp cao nặng thêm. Ngoài ra, bà bầu cũng nên tránh món ăn này do ốc sống trong môi trường ao hồ, dễ nhiễm ký sinh trùng, ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và thai nhi.