Môn Văn ở đâu trong thời 4.0?
Người trẻ thời 4.0 - Uy quyền lộng lẫy là tập hợp nhiều bài viết ghi lại những trải nghiệm của bạn trẻ về những khía cạnh đa dạng của đời sống trong thời công nghệ 4.0.Thời đại thay đổi nên dù muốn hay không thì chúng tôi cũng phải chấp nhận một thực tế là vị thế của môn Văn đã không còn được coi trọng như thời xưa nữa.
Trong một buổi dạy chuyên đề cho các em lớp chuyên Văn, một em học sinh đã đứng lên hỏi tôi: “Cô ơi, môn học chúng ta đang học giúp ích gì cho chúng em trong thời đại 4.0?”.
Câu hỏi của em làm tôi lúng túng. Không phải vì tôi không có câu trả lời cho em mà vì tôi không biết phải nói câu trả lời của mình như thế nào để em yên tâm với lựa chọn của mình.
Nỗi băn khoăn của phụ huynh
Học Văn - đó luôn là môn học nhận được sự ưu tiên sau cùng của các em học sinh và cũng là lựa chọn cuối cùng của các bậc phụ huynh khi quyết định cho con em của mình thi vào một trường chuyên nào đó.
Thực tế ấy không chỉ khiến những giáo viên dạy Văn chúng tôi thấy đau lòng mà còn khiến cho những gia đình có con lỡ “dính nợ” với văn chương, chữ nghĩa phải đau đầu.
Hàng năm, sau mỗi kỳ thi chuyển cấp từ trung học cơ sở lên trung học phổ thông, tôi lại có cơ hội tiếp xúc với những phụ huynh có con “lỡ” đậu lớp chuyên Văn vào các trường để hiểu được những nỗi niềm, sự băn khoăn và lo âu của họ.
Có vô số lý do để các bậc phụ huynh không muốn cho con theo học lớp chuyên Văn nhưng lý do nổi bật nhất là học lớp chuyên Văn sau này không biết sẽ lựa chọn nghề nghiệp ra sao?
Tôi biết, không phải các bậc phụ huynh không hiểu về những giá trị của văn chương nghệ thuật, nhưng giữa cơn bão phát triển của khoa học kỹ thuật trong thời đại công nghiệp 4.0, thì những giá trị của văn chương như thanh lọc và bồi đắp tâm hồn con người, đã trở nên quá mơ hồ và xa xôi.
Trong một tương lai không xa, khi thời đại 4.0 phát triển đến đỉnh cao của nó, nhất là khi công nghệ robot đã thâm nhập vào nhiều lĩnh vực của đời sống và dần thay thế con người thì cuộc cạnh tranh giữa con người với con người và con người với máy móc để có việc làm sẽ trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.
Lúc đó, cái mà con người quan tâm không phải là vẻ đẹp của một câu văn, sự rung động trước một câu thơ nữa mà là làm thế nào để có được một công việc, một chỗ đứng trong xã hội?
Những giá trị rất “thực dụng”
Trước sự băn khoăn rất chính đáng của các bậc phụ huynh, sự lo âu của các em học sinh, tôi không thể dùng những lý thuyết nói về những giá trị lớn lao và cao cả mà văn chương đem lại để thuyết phục họ.
Tôi chỉ có thể thuyết phục họ bằng những giá trị rất “thực dụng” mà môn Văn mang lại bằng việc dẫn ra những học sinh của mình đã thành công như thế nào trong cuộc sống nhờ một phần không nhỏ từ việc học Văn.
Đó là tin nhắn báo tin vui của một em học sinh chuyên Hóa đạt được học bổng 100% của trường đại học danh tiếng của Mỹ nhờ việc biết đưa những kiến thức về văn chương nghệ thuật vào bài luận để tạo ấn tượng: “Con cảm ơn cô rất nhiều vì nhờ vào thư giới thiệu của cô và nhờ vào những kiến thức cô đã dạy để con được như ngày hôm nay.
Trong thư giới thiệu, con đã phân tích đôi nét về hình ảnh người con gái Việt Nam qua hai tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du và Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ mà cô đã dạy con từ hồi lớp 9 nên ban tuyển sinh đọc thấy lạ nên mời con phỏng vấn với trường để lấy thêm học bổng”.
Đó là lời cảm ơn của những phụ huynh khi con họ đạt được những thành tựu trong cuộc sống nhờ vào một phần không nhỏ từ những giờ học văn.
Tất cả những điều này để cho thấy học văn không phải chỉ để trả bài, không chỉ để chúng ta chìm đắm vào những điều chúng ta vẫn tưởng là mộng mơ, lãng mạn và xa rời với thực tế của cuộc sống.
Thay đổi để thích nghi
Xác định được những vấn đề như thế, và để đáp ứng với những yêu cầu của thời đại, mỗi giáo viên chúng tôi khi đứng lớp cũng cần phải có những thay đổi để phù hợp.
Đó là, khi đứng lớp chúng tôi phải làm sao để vừa đảm bảo được những kiến thức mang tính bắt buộc của chương trình lại vừa biết “vượt thoát” ra khỏi những yêu cầu đó để đưa vào bài giảng những vấn đề mang tính thực tiễn.
Chúng tôi phải làm sao để trong mỗi giờ học, học sinh được nói, được viết, được tranh luận, trao đổi thậm chí phản biện một cách bình đẳng với thầy.
Thế hệ học sinh ngày nay không còn là những người học thụ động chỉ biết tiếp nhận kiến thức một chiều mà đầy chủ động khi tiếp cận với kho tri thức mênh mông trên Internet.
Chính vì vậy, người dạy ngoài việc phải cập nhật kiến thức liên tục, phải học rộng biết nhiều, bắt kịp hệ thống tri thức không chỉ môn học của mình mà còn phải “biết” đặt mình ngang hàng, bình đẳng với các em.
Bên cạnh đó, người dạy cần phải biết lắng nghe, biết chấp nhận mình không còn là trung tâm của giờ học, mình không còn là người độc quyền truyền thụ kiến thức mà đang cùng các em khám phá, tìm hiểu thế giới mênh mông đầy bí ẩn và quyến rũ của văn chương.
Thời đại thay đổi nên nhiều thứ cũng đổi thay vì thế dù muốn hay không thì chúng tôi ngoài việc phải thích nghi còn phải chấp nhận một thực tế: vị thế của môn Văn đã không còn được coi trọng như thời xưa nữa.
Đó cũng là lý do để chúng tôi hiểu không thể yêu cầu quá cao vào các học sinh của mình và cũng không nên kỳ vọng các em sẽ theo đuổi con đường văn chương.
Chúng tôi chỉ cố gắng để các em thấy được càng là thời đại công nghệ thì sự cần thiết của phát triển toàn diện của một con người càng cần thiết và quan trọng. Trong đó, môn Văn và việc học Văn đóng một vai trò không hề nhỏ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-tre-thoi-40-uy-quyen-long-lay-post1121464.html