'Mong Báo có thêm nhiều bài viết dân sinh, gần gũi'
Nhiều bạn đọc cho biết tờ báo đã và đang là cánh cửa hy vọng của họ.
Phản ánh những vướng mắc phát sinh từ đời sống nhân dân là một ưu tiên hàng đầu của Báo.
Cánh cửa hy vọng
Tháng 6-2020, nhận được tin báo nhiều tháng qua người dân ở hẻm 17 đường liên khu 5-6 (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM) phải sống trong cảnh ngập vì dự án xây cống Mương Lệ thi công chậm, PV tới hẻm 17 ghi nhận thực tế. Gặp PV, ông Nguyễn Văn Bảy (tổ trưởng tổ 130, phường Bình Hưng Hòa B) buồn bã: “Ngập là bởi từ khi dự án cống Mương Lệ thi công, đoạn giữa có một căn nhà chưa giải tỏa nên nước không thoát được”.
PV tìm gặp chủ căn nhà nằm giữa hẻm khiến cả xóm bị ngập. Chủ nhà lau nước mắt phân trần hoàn cảnh mình cũng khổ lắm nên chưa thể dời nhà. Mang những quy định của pháp luật chúng tôi phân tích cho chủ nhà biết không di dời là sai, gây ảnh hưởng đến nhiều người khác. Rất vui là nghe xong, chủ nhà gật đầu bảo “Tôi sẽ suy nghĩ thêm”.
Sau đó, chúng tôi mang nỗi niềm của chủ nhà và người dân hẻm 17 đến trình bày với chính quyền địa phương. Quận Bình Tân cho biết sẽ đưa ra phương án giải quyết dứt điểm.
Mới đây, ông Bảy vui mừng khoe với chúng tôi sau khi Báo đăng bài “1 hộ không giao mặt bằng, cả xóm bị ngập”, chính quyền địa phương đã quyết liệt vào cuộc. Chủ nhà chuyển đi nơi khác, dự án làm gần hoàn thiện. Trước khi chủ nhà đi, khu phố vận động mọi người quyên góp tặng chủ nhà 50 triệu đồng để ổn định cuộc sống.
“Giờ trời mưa to cũng không bị nước tràn vào nhà. Cám ơn Pháp Luật TP.HCM rất nhiều, nhờ Báo phản ánh mà sự việc được giải quyết nhanh hơn. Tờ báo là cánh cửa quan trọng để chúng tôi tìm đến và hy vọng. Tôi rất mong Báo có thêm những bài phản ánh dân sinh gần gũi như thế này, để người dân được tháo gỡ những khó khăn đang gặp phải” - ông Bảy nói.
Cùng ý kiến, ông Lê Xuân Khương (khu phố 12, phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM) kể kênh Chín Xiểng nơi đây từng là điểm đen về rác nhưng qua cuộc vận động của địa phương, người dân khu phố đã chung tay trồng cây, hoa tạo cảnh quan ven kênh. Mô hình bờ kè trồng hoa ở kênh Chín Xiểng là điểm sáng trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường đầy tâm huyết của cả người dân khu phố.
“PV Pháp Luật TP.HCM về tận nơi tìm hiểu. Báo đăng, dân chúng tôi càng thêm phấn khởi và ngày càng thay đổi ý thức bảo vệ môi trường. Tôi đọc thấy Báo còn có những bài viết dân sinh khác như về tiếng ồn từ loa karaoke khiến mọi người khó chịu, giá điện, nước bị tính sai, xây nhà làm nứt tường nhà hàng xóm… Mong thời gian tới, Báo ngày càng có nhiều bài viết gần gũi với người dân như vậy. Thông qua các bài báo, người dân hiểu thêm về pháp luật, cùng nhau ý thức hơn để tình làng nghĩa xóm thêm gắn kết” - ông Khương chia sẻ.
“Những tình huống thực tế từ báo rất có ích”
ThS tâm lý Lê Thị Minh Hoa, giảng viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng cùng chung mong mỏi như trên.
Chị tâm sự: “Trong gần 10 năm qua, ngày nào tôi cũng mua và đọc Báo Pháp Luật TP.HCM, vừa đọc vừa suy ngẫm và việc này đã dần trở thành thói quen.
Là bạn đọc, vừa là chuyên gia cộng tác với Báo nên với tôi, Pháp Luật TP.HCM như người bạn, một người đồng nghiệp thân thiết.
Báo giúp tôi thu nhận thông tin, định hướng và là nguồn tư liệu tổng hợp quý giá, chính thống, rất cần thiết.
Bằng những ký sự, phóng sự, những bài báo phản ánh đời sống thực tiễn của người dân, Pháp Luật TP.HCM đã tạo ra được những tiếng vang lớn, góp phần cải thiện những vấn đề tiêu cực của đời sống xã hội.
Trong thời gian cộng tác với Báo, tôi nhận thấy Pháp Luật TP.HCM là tờ báo mạnh, dám nói thẳng, nói thật nhiều vấn đề xã hội; nhiệt tình với mỗi tờ đơn, lá thư của người dân gửi đến...
Trong mỗi sự việc, Báo luôn có những bài phân tích sâu, rộng và đưa góc nhìn đa chiều. Tôi cũng hay lấy những vụ việc tình huống thực tiễn của Báo khi tư vấn tâm lý hoặc lấy làm tư liệu dạy học cho sinh viên.
Tôi rất mong Pháp Luật TP.HCM tiếp tục phát huy những thế mạnh đó của mình: Phản ánh những vấn đề dân sinh, dùng pháp luật để soi rọi vào từng sự việc cho bạn đọc hiểu thêm về thực tiễn áp dụng pháp luật”.
Mong Báo ghi nhận nhiều việc tốt của dân
Trong công tác triển khai và thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về cuộc vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, quận Gò Vấp nhận được sự hỗ trợ về công tác tuyên truyền từ Báo Pháp Luật TP.HCM rất nhiều.
Cụ thể, trước đây quận có một số điểm đen về rác, địa phương đã thực hiện những kế hoạch để biến những bãi rác thì vườn hoa dần dần thay đổi ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Thông qua những bài báo viết về những điểm sáng này mà các công trình xóa rác thải đã được lan tỏa. Từ đó, giúp cho người dân hiểu rằng chỉ với những ý thức và hành động nhỏ của mình đã góp phần bảo vệ môi trường như thế nào.
Ngoài những công trình tiêu biểu, Báo còn phát hiện, phản ánh kịp thời những điểm còn nhiều rác thải để từ đó địa phương kịp thời xử lý, mang lại không gian xanh sạch đẹp cho người dân trong khu vực.
Tôi nhận thấy Báo Pháp Luật TP.HCM đã và đang là chiếc cầu nối giúp người dân và chính quyền gần nhau hơn.
Hy vọng trong thời gian tới, Báo có nhiều bài viết về những gương làm tốt của người dân trong công tác giữ gìn và bảo vệ môi trường, giúp những hành động tốt đẹp được lan tỏa nhiều hơn.
Ông ĐỖ ANH KHANG, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp
Những năm qua Pháp Luật TP.HCM đã gần gũi với đời sống nhân dân để phát hiện và có phản ánh các vấn đề phát sinh từ thực tiễn.
Đơn cử Báo đã kịp thời phản ánh thực trạng trên địa bàn TP người dân làm gờ giảm tốc không theo quy chuẩn gây nguy hiểm cho người khi tham gia giao thông, nhờ đó mà các địa phương (trong đó có phường 5, quận Gò Vấp) đã kịp thời xử lý, đập bỏ các gờ này.
Trong thời gian tới, Báo nên phát huy thế mạnh này: Phát hiện những tình huống tốt, xấu ở cơ sở, trong đời sống người dân để phản ánh đến cơ quan chức năng các cấp.
Ông NGUYỄN KIÊN TRUNG,Phó Chủ tịch UBND phường 5, quận Gò Vấp
NGUYỄN HIỀN - HỮU ĐĂNG ghi
Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/mong-bao-co-them-nhieu-bai-viet-dan-sinh-gan-gui-938833.html