Mong chờ một triển lãm ảnh về Trường Sa

12 ngày lênh đênh trên biển, gặp gỡ biết bao con người với rất nhiều câu chuyện, đó là hạnh phúc, sự may mắn mà nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Lê Công Bình có được trong hải trình chuyến công tác số 12/2024 đến với huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa).

NSNA Lê Công Bình.

NSNA Lê Công Bình.

Trong hải trình gần 2.000km của Đoàn công tác số 12/2024 ra thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ quần đảo Trường Sa vừa qua, có một người đến trước, ra sau, quan sát, bấm máy từng cảnh vật, con người trên từng hòn đảo. Anh tự nhận mình quá may mắn khi có mặt ở Trường Sa. Đó là NSNA Lê Công Bình.

NSNA Lê Công Bình, Trưởng Ban nhiếp ảnh, Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa, hoạt động nhiếp ảnh từ rất lâu, đoạt rất nhiều giải thưởng của tỉnh, Trung ương và giải quốc tế. Có được điều đó anh phải có mặt trên các cung đường, “lăn lê bò toài” ở các địa điểm có phong cảnh đẹp.

Nhưng, lần đầu tiên đến Trường Sa là cảm giác mới mẻ mà gần gũi. Với anh, Trường Sa là điều thiêng liêng, chưa đi Trường Sa nhưng chỉ cần nghe các ca khúc về Trường Sa, đọc những bài báo về Trường Sa là anh đã rưng rưng một tình cảm thật đặc biệt.

Trên các đảo, điểm đảo đã đi qua là Sinh Tồn, Cô Lin, Núi Le B, Tốc Tan C, Đá Tây B, Trường Sa và nhà giàn DK1/17 Phúc Tần, đoàn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như: dâng hoa, dâng hương, thả lễ vật tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa, nhà giàn DK1; thăm, tặng quà, động viên quân và dân trên các đảo; tổ chức giao lưu, biểu diễn văn nghệ; tổ chức cho cha mẹ chiến sĩ trẻ phục vụ trên các đảo là người TP Hồ Chí Minh thăm con...

Anh Thái Văn Vũ tặng con trai - Trung sĩ Thái Gia Bảo đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tại đảo Tốc Tan C món quà là con gấu bông.

Anh Thái Văn Vũ tặng con trai - Trung sĩ Thái Gia Bảo đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tại đảo Tốc Tan C món quà là con gấu bông.

Trong chuyến đi này, NSNA Lê Công Bình được gặp những người thân của các chiến sĩ Trường Sa. Đó là chị Nguyễn Thị Lành (50 tuổi, ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) vui mừng khi gặp con trai - Trung sĩ Huỳnh Thế Sơn (19 tuổi). Sơn thì ngượng nghịu, không dám ôm mẹ chỗ đông người, còn chị Lành vui mừng ra mặt, vừa nắm tay vừa ôm con thật chặt. Chị Lành kể, trước đây con trai chị không biết làm gì, giờ thì vững vàng, đảm trách vai “anh nuôi” cho toàn đội. Và trò chuyện với anh Thái Văn Vũ (49 tuổi, ở huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) ra Trường Sa thăm con trai là Trung sĩ Thái Gia Bảo (20 tuổi) đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tại đảo Tốc Tan C. Anh mang mấy chai nước ngọt, 100 trứng vịt ra đảo. Mọi người trêu đùa, phải kiểm tra thường xuyên không có ra tới đảo là nở thành vịt con đấy; thằng nhỏ nuôi đàn vịt chứ ăn gì. “Đem nhiều để nó với đồng đội ăn. Thằng nhỏ hồi ở nhà thích trứng vịt lắm”. Trước khi ra về anh còn tặng con trai con gấu bông vì nó ở nhà chỉ thích ôm gấu bông đi ngủ.

Đặc biệt, thật xúc động trước câu chuyện của chị Trần Thị Liên, con gái của chiến sĩ Trường Sa đã hy sinh. “Bố mất 4 ngày, mẹ sinh tôi. Mẹ kể, bố bảo đi Trường Sa công tác ráng về kịp để cùng đón tôi chào đời. Vậy mà, bố đi, đi mãi... dẫu khi đó đất nước hòa bình rồi”. 47 tuổi, chị mới lần đầu được đến nơi bố chị - liệt sĩ Trần Quang Triết hòa vào lòng biển.

- “Tôi không bỏ sót một sự kiện nào, tâm lý thừa còn hơn bỏ sót là thật đấy. Bởi, khi đặt chân đến đây, chính mắt nhìn thấy nơi phên dậu của Tổ quốc, tôi thực sự vững tin mọi điều. Tôi cảm nhận rõ tình cảm của các đơn vị đứng ra tài trợ, ủng hộ xây dựng thêm những công trình thiết thực hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ và người dân trên các đảo, điểm đảo, nhà giàn có cuộc sống vật chất đầy đủ hơn, tinh thần phong phú hơn”.

- Anh có được bao nhiêu bức ảnh qua chuyến đi ấy?

- Khoảng 5.000 bức ảnh thôi.

Tất cả các hoạt động từ trong bờ cho đến khi ra biển cả và quay về, kể cả các hoạt động kiểm ngư đều được anh “ghi” lại. Bởi anh chưa biết liệu mình có còn được trở lại Trường Sa, bờ biển thân yêu của Tổ quốc thêm lần nào nữa không?

Sau chuyến đi ấy, anh chia thành các file ảnh rất cẩn thận. Một số thì gửi triển lãm thường kỳ của Hội NSNA Việt Nam. Một phần thì cung cấp tư liệu cho các cơ quan báo chí. Và những bức ảnh đẹp nhất anh để dành... tham gia dự thi. Tính đến thời điểm này anh đã gửi một bộ ảnh tham gia Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, giai đoạn 2020-2025 của tỉnh. Bộ ảnh “Giai điệu của sóng” gửi tham gia Giải ảnh báo chí “Khoảnh khắc vàng” do Thông tấn xã Việt Nam tổ chức trên quy mô toàn quốc. Ngoài ra, anh đang tập hợp một số bức ảnh phù hợp để tham gia Cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp quốc gia với chủ đề “Tổ quốc bên bờ sóng” do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì tổ chức.

Anh cho biết, mỗi năm có nhiều đoàn công tác ra Trường Sa nhưng không nhiều đoàn được dự lễ mít tinh kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1975 - 29/4/2024). “Được đứng chào cờ tại thị trấn Trường Sa là điều chưa bao giờ tôi có thể tưởng tượng được. Cái khoảnh khắc ấy khiến tôi quá xúc động”, NSNA Lê Công Bình chia sẻ.

Nói về thu hoạch của mình, NSNA Lê Công Bình khẳng định, đó không phải là số lượng những bức ảnh anh có được, mà hơn hết là củng cố được niềm tin của mình với biển đảo quê hương. Trước đây nghe đủ các thông tin nhưng tận mắt chứng kiến những thay đổi từng ngày từng giờ của biển đảo quê hương, anh vững một niềm tin là Quân đội và Nhân dân Việt Nam, trong đó có các chiến sĩ Trường Sa luôn sẵn sàng bảo vệ thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

“Nhưng, tôi còn nhiều điều cảm thấy tiếc nuối. Đơn giản là lần đầu tiên đặt chân lên quần đảo thân yêu, thực sự cảm xúc rất mãnh liệt, vì thế nhiều bức ảnh còn chưa đúng ý. Nếu được đi lần 2 tôi chắc chắn sẽ có thêm nhiều bộ ảnh đẹp”.

Sau 12 ngày trên hải trình đến với Trường Sa là biết bao thương nhớ, NSNA Lê Công Bình có thêm những người bạn mới, thêm nhiều câu chuyện để nói với đồng nghiệp mình. Đặc biệt là anh có thêm nhiều kế hoạch. Dường như anh mong muốn và đã nhen nhóm suy nghĩ về một cuộc triển lãm ảnh cá nhân về Trường Sa.

Trường Sa nói riêng và biển đảo của Việt Nam nói chung đã và đang là nguồn cảm hứng vô tận cho các nghệ sĩ. Với cá nhân NSNA Lê Công Bình, Trường Sa là nguồn cảm hứng lớn nhưng hơn hết là động lực để anh tìm tòi những góc ảnh đẹp, để anh giữ mãi một niềm tự hào về biển đảo Việt Nam. Những cánh chim có thể chao liệng trên bầu trời, nhưng tình yêu của anh với biển đảo thì vẫn vẹn nguyên.

Bài và ảnh: Kiều HUYỀN

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/mong-cho-nbsp-mot-trien-lam-anh-ve-truong-sa-34704.htm