Mong có chính sách phù hợp để GV bản xứ tham gia giảng dạy tại các trường

Theo lãnh đạo một số trường ở huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), đưa giáo viên bản xứ vào giảng dạy có tác động tích cực đến việc học tiếng Anh của học sinh.

Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ thời gian tới là nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học.

Để thực hiện được nhiệm vụ này, các trường ở khu vực thành phố cũng là một khó khăn thử thách. Và đối với các trường tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì việc này đòi hỏi sự cố gắng, cách làm hiệu quả.

Dạy tiếng Anh tăng cường 2 tiết/tuần, khảo sát năng lực ngoại ngữ của học sinh phổ thông

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Hồng Lam - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) khẳng định: “Hiện nay, tiếng Anh được xem là công cụ giao tiếp toàn cầu, là "chìa khóa" để đến với khối lượng tri thức, kiến thức đồ sộ của nền văn minh thế giới.

Việc hiểu biết và sử dụng tiếng Anh thành thạo sẽ giúp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước. Vì vậy, vấn đề phổ cập tiếng Anh toàn dân, nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh là vấn đề đặc biệt quan trọng, cấp thiết đối với ngành giáo dục hiện nay”.

 Cô Nguyễn Thị Hồng Lam - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: NVCC.

Cô Nguyễn Thị Hồng Lam - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: NVCC.

Tại huyện Côn Đảo, việc giảng dạy tiếng Anh nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, sự lãnh đạo chuyên môn sâu sát của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; cơ sở vật chất hỗ trợ cho dạy, học tiếng Anh được trang bị đầy đủ, công tác bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên được duy trì thường xuyên, liên tục, nâng cao chất lượng đội ngũ.

Cụ thể, cô Hồng Lam cho biết, Phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu, chỉ đạo công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn đào tạo; tham gia đầy đủ các khóa tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp giảng dạy theo chuẩn Châu Âu do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Tham mưu công tác đầu tư cơ sở vật chất các phòng học tiếng Anh đầy đủ thiết bị; tăng cường các giải pháp hỗ trợ đội ngũ, tháo gỡ khó khăn trong tình hình thiếu biên chế, thiếu nguồn tuyển dụng giáo viên tiếng Anh (hợp đồng thỉnh giảng giáo viên có trình độ, đáp ứng tiêu chuẩn để thực hiện giảng dạy các tiết tăng cường theo Nghị quyết số 123/2019/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông từ lớp 3 đến lớp 12 từ năm học 2019-2020 đến năm học 2024-2025 trên địa bàn tỉnh).

Chỉ đạo 100% các trường phổ thông tiếp tục duy trì triển khai các câu lạc bộ tiếng Anh nhằm tăng cường xây dựng môi trường học và sử dụng tiếng Anh, tạo sân chơi lành mạnh để học sinh rèn luyện, phát triển các kỹ năng nghe, nói tiếng Anh thu hút đông đảo học sinh tham gia. Tiếp tục duy trì tổ chức có hiệu quả các cuộc thi Olympic tiếng Anh trên Internet cấp huyện, cấp tỉnh.

Đồng thời, phát động phong trào học ngoại ngữ sâu rộng trong các cơ sở giáo dục: Xây dựng, phát triển môi trường học tập, sử dụng tiếng Anh cho học sinh một cách thiết thực, thân thiện, tương tác và hiệu quả; khuyến khích đọc sách, truyện tiếng Anh; đa dạng các hình thức sinh hoạt, hoạt động trải nghiệm; tạo sân chơi, giao lưu tiếng Anh; kết hợp với tổ chức có người nước ngoài để học sinh tiếp xúc, tự tin trong quá trình giao tiếp… phát động phong trào cán bộ - giáo viên - nhân viên và học sinh cùng tham gia học tiếng Anh, khuyến khích các đơn vị thực hiện chuyên đề ngoại khóa cho học sinh.

Tham mưu Ủy ban nhân dân huyện ban hành Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 27/3/2023 về khảo sát năng lực ngoại ngữ đối với học sinh phổ thông trên địa bàn huyện Côn Đảo năm 2023. Kết quả như sau: Cấp tiểu học 110/184 học sinh đạt bậc 1 (A1), tỷ lệ 60%; cấp trung học cơ sở 51/135 học sinh đạt bậc 2 (A2), tỷ lệ 38%; cấp trung học phổ thông 90/175 học sinh đạt bậc 3 (B1), tỷ lệ 51%.

Đáng chú ý, có nhiều học sinh đạt trình độ cao hơn chuẩn đầu ra theo cấp học (Tiểu học có 1 học sinh đạt B1, 6 học sinh đạt A2; trung học cơ sở có 20 học sinh đạt B1). Năm 2023, có 4 học sinh thi đạt chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS (5.0-6.0); năm 2024 có 4 em đạt IELTS 6.0.

Cô Phạm Phương Mai - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết: "Hiện nay, nhà trường đang thực hiện giảng dạy 4 tiết tiếng Anh/tuần cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 (theo chương trình giáo dục phổ thông 2018); đồng thời, tăng cường 2 tiết tiếng Anh theo Nghị quyết số 123/2019/NQ-HĐND. Như vậy, học sinh được 6 tiết tiếng Anh/tuần giúp tăng cường thêm kỹ năng nghe, nói. Bên cạnh đó, đối với học sinh lớp 1, lớp 2, nhà trường thực hiện xã hội hóa để dạy 2 tiết tiếng Anh/tuần.

Ngoài ra, nhà trường giao lưu và tổ chức cho học sinh học trực tuyến với các thầy các cô tại một trường tiểu học ở thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, một số giáo viên tiếng Anh giảng dạy tốt của tỉnh cũng được phân công đến Côn Đảo dạy các tiết mẫu, để giáo viên nhà trường học hỏi. Nhà trường cũng chủ động liên hệ với người nước ngoài tới Côn Đảo du lịch dài ngày, mời đến trường để giao tiếp với học sinh, nhằm nâng cao kỹ năng nghe, nói cho các em".

Cô Mai chia sẻ, phong trào dạy, học tiếng Anh ở Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc đã có những bước tiến đáng kể. Từ phương pháp giảng dạy đến các hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh, đều đã có sự thay đổi. Học sinh được giao lưu, giao tiếp với người nước ngoài, thuyết trình, sinh hoạt câu lạc bộ tiếng Anh. Qua đó, tạo sự mạnh dạn và khơi dậy niềm yêu thích với tiếng Anh.

"Những năm gần đây, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Côn Đảo phối hợp với Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đánh giá tiếng Anh bậc A1 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam cho học sinh lớp 5 và cho thấy kết quả rõ ràng của việc đẩy mạnh giảng dạy tiếng Anh cho học sinh" - nữ Hiệu trưởng nhấn mạnh.

Thầy Lê Trúc Thanh Tùng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Hồng Phong (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, việc nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh, đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2, hướng tới phổ cập tiếng Anh toàn dân là điều vô cùng có ý nghĩa với học sinh, giáo viên ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Hiện tại, bên cạnh các tiết tiếng Anh theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh Trường Trung học cơ sở Lê Hồng Phong cũng được học thêm 2 tiết tăng cường/tuần theo Nghị quyết số 123/2019/NQ-HĐND.

"Sau 4 năm thực hiện dạy tiếng Anh tăng cường cho học sinh, năng lực ngoại ngữ của học sinh đã có tiến bộ. Minh chứng ở kết quả của kỳ thi đánh giá khung năng lực theo chuẩn A2, B1 được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Côn Đảo phối hợp với Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Ngoài ra, học sinh cũng mạnh dạn hơn khi tham gia các cuộc thi hùng biện, thi tiếng Anh trên mạng hay quay video thuyết trình bằng tiếng Anh" - thầy Tùng chia sẻ.

 Thầy Lê Trúc Thanh Tùng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Hồng Phong (huyện Côn Đảo). Ảnh: NVCC.

Thầy Lê Trúc Thanh Tùng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Hồng Phong (huyện Côn Đảo). Ảnh: NVCC.

Cần giải quyết khó khăn về đội ngũ và hạn chế trong việc giao lưu, học tập tiếng Anh

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc cho biết, ngoài những thuận lợi, việc giảng dạy tiếng Anh ở Côn Đảo cũng gặp khó khăn trong việc giao lưu, kết nối giữa học sinh nhà trường với các trường khác, do cản trở về điều kiện địa lý. Huyện chỉ có duy nhất một trường tiểu học, nên muốn học hỏi, dự giờ tiết học giữa các trường, đều không thuận lợi.

Cô Mai chia sẻ thêm: "Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp ngành, để thúc đẩy phong trào tiếng Anh ở địa phương.

Đặc biệt, duy trì tổ chức thi chuẩn đầu ra A1 cho học sinh tiểu học hằng năm. Từ đó, nhà trường có thể đánh giá chính xác hơn trình độ của học sinh và có sự điều chỉnh phương pháp giảng dạy.

Việc đưa giáo viên người nước ngoài vào trường học để học sinh được trực tiếp lắng nghe và giao tiếp với người bản xứ cũng là cách hiệu quả để nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh. Tuy nhiên, sẽ khó thực hiện nếu không có nguồn kinh phí để chi trả. Hiện tại, việc xã hội hóa để dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 1, lớp 2 đang được thu theo mức quy định tại Nghị quyết số 123/2019/NQ-HĐND, để chi trả cho giáo viên người nước ngoài, cần có thêm hướng dẫn cụ thể".

 Người nước ngoài đến dạy tiếng Anh cho học sinh Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc. Ảnh: NTCC.

Người nước ngoài đến dạy tiếng Anh cho học sinh Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc. Ảnh: NTCC.

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Hồng Phong cũng cho biết, khó khăn lớn nhất với nhà trường là vấn đề về đội ngũ chưa đáp ứng công tác giảng dạy. Việc dạy cả tiết chính khóa và tăng cường đang gây quá tải cho giáo viên.

Thầy Tùng bày tỏ: "Chúng tôi mong muốn có được nguồn tuyển giáo viên tiếng Anh, khuyến khích học sinh ở Côn Đảo sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, theo học ngành Sư phạm tiếng Anh để đảm bảo đội ngũ và chất lượng giảng dạy.

Bên cạnh đó, vì Côn Đảo xa đất liền, dù phương tiện giao thông đã có những điểm thuận lợi, nhưng khả năng để học sinh giao lưu, học tập vẫn còn hạn chế. Trên địa bàn huyện, thiếu trung tâm tiếng Anh để nâng cao kỹ năng cho các em ngoài giờ học trên lớp. Nếu được đầu tư thêm trung tâm ngoại ngữ hoặc các chương trình giảng dạy tiếng Anh, học sinh sẽ có thêm cơ hội rèn luyện.

Việc đưa giáo viên người nước ngoài vào giảng dạy ở trường sẽ có tác động tích cực đến quá trình học tập của học sinh, nâng cao toàn diện các kỹ năng ngôn ngữ. Mặc dù vậy, việc thực hiện đối với các trường ở Côn Đảo là điều không dễ dàng. Mức chi này thường cao hơn so với giáo viên người Việt Nam. Do đó, việc kêu gọi xã hội hóa từ phụ huynh với mức thu nhập không quá dư giả sẽ khó khăn.

Giải pháp trước mắt, có thể kêu gọi mạnh thường quân tài trợ, trường đại học hoặc các trung tâm tiếng Anh hợp tác với ngành giáo dục huyện, để cử giáo viên giỏi, giáo viên người nước ngoài ra Côn Đảo tham gia giảng dạy.

Bên cạnh đó, nên có chính sách, nguồn kinh phí để đầu tư cho nguồn nhân lực, đào tạo, nâng cao năng lực cho giáo viên, học sinh có mong muốn học ngành Sư phạm tiếng Anh hoặc có các chương trình tài trợ cho giáo viên người nước ngoài ra sinh sống và làm việc tại Côn Đảo trong thời gian ngắn, hỗ trợ công tác dạy học".

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Côn Đảo cho biết, một trong những khó khăn trong việc giảng dạy tiếng Anh ở địa phương là việc phụ huynh chưa có nhiều sự phối hợp, quan tâm.

Công tác xã hội hóa giáo dục còn hạn chế nên chưa thu hút được người đầu tư về trung tâm ngoại ngữ chất lượng cao, thiếu nguồn tuyển dụng giáo viên tiếng Anh có chất lượng.

Để giải quyết khó khăn cũng như phát huy thuận lợi, phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân huyện các giải pháp đồng bộ để thúc đẩy, nâng cao chất lượng dạy, học tiếng Anh theo các nghị quyết, kế hoạch của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đến năm 2025.

Hằng năm, xây dựng kế hoạch tổ chức sân chơi tiếng Anh cho học sinh phổ thông. Tiếp tục duy trì, phối hợp với Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ khảo sát năng lực tiếng Anh theo 4 chuẩn ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (duy trì mỗi năm tổ chức 1 lần, đến năm 2025).

Tham mưu, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, công tác xã hội hóa trong việc dạy, học tiếng Anh; vận động phụ huynh học sinh quan tâm, đồng hành cùng nhà trường, thầy cô giáo trong các hoạt động ngoại khóa, cuộc thi hùng biện bằng tiếng Anh, tổ chức khảo sát theo chuẩn ngoại ngữ 6 bậc; tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh có kế hoạch học, ôn luyện. Đồng thời, để học sinh mạnh dạn, tự tin về thành phố Hồ Chí Minh tham gia thi các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.

Xây dựng kế hoạch giảng dạy, ôn tập bám sát theo khung chương trình ngoại ngữ 6 bậc ngay từ đầu năm học, thực hiện tốt việc dạy tiếng Anh tăng cường, lồng ghép ôn luyện các dạng cấu trúc đề thi, phát triển đầy đủ các kỹ năng. Phấn đấu hằng năm, kết quả đầu ra đều đạt và vượt chỉ tiêu của tỉnh đề ra.

Các trường phổ thông trên địa bàn huyện tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích học sinh hướng đến các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế theo chủ trương khuyến khích của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Quyết định số 05/2013/QĐ-UBND ngày 15/01/2013 và văn bản số 6699/UBND-VP ngày 11/7/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về chế độ khuyến khích tài năng của học sinh trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://baochinhphu.vn/cac-doanh-nghiep-tu-nhan-hien-ke-chung-tay-phat-trien-kinh-te-dat-nuoc-102240921114544608.htm

Hồng Linh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/mong-co-chinh-sach-phu-hop-de-gv-ban-xu-tham-gia-giang-day-tai-cac-truong-post246268.gd