Mong có thêm chính sách đãi ngộ cho người bán vé số

Những người bán vé số (VS) đang hy vọng được trả lại những tờ vé bán không hết.

Cải thiện, gỡ khó cho những phận đời mưu sinh bằng cách rong ruổi trên đường bán từng tờ VS là việc làm mang tính nhân văn, khi công ty xổ số và hệ thống đại lý vận dụng cơ chế "thoáng" hơn cho người trực tiếp giúp tiêu thụ VS truyền thống. Nhiều người phấn khởi bày tỏ: "Từ nay trở đi, cứ nhân số tờ VS đã bán được với 1.000 đồng, chúng tôi sẽ yên tâm vì ngần ấy thu nhập đều thuộc về mình".

Đại lý VS dù đã bắt đầu "mở lối" cho lực lượng lao động của mình, nhưng cũng đưa ra những ràng buộc nhất định và cần thiết để hài hòa lợi ích hai bên. Theo đó, người bán VS dạo trả lại bao nhiêu tờ vé sẽ phải giảm đi đúng bấy nhiêu khi nhận số vé mới tiêu thụ cho kỳ mở thưởng liền kề.

Một phụ nữ lớn tuổi hay bán dạo VS gần cầu Thị Nghè (quận 1, TPHCM) chia sẻ với phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM: "Thường ngày nhận 300 tờ, nhưng hôm vừa rồi tôi trả lại 20 tờ nên chỉ được nhận 280 tờ của kỳ kế tiếp". Điều kiện này cũng hợp tình hợp lý, bởi tránh được việc một số người nhận quá nhiều VS do nghĩ rằng bán không hết thì đem trả lại, nhưng nếu trường hợp này xảy ra, đại lý sẽ thiệt thòi không ít.

Hài lòng với khâu phát hành VS, mong muốn tiếp theo nằm ở các quyền lợi lâu dài cho hàng triệu lao động phổ thông. Từ người mua phế liệu dạo đến thợ xây, bốc vác, chở hàng thuê, bán VS, phụ bán hàng và cả "thợ đụng" (ai thuê gì làm nấy)... đều rất cần sự hỗ trợ để giúp họ có được những nhu cầu thiết yếu khác, chẳng hạn mua các loại bảo hiểm như y tế, tai nạn, thất nghiệp... trong một số trường hợp.

Những phận đời vất vả mưu sinh

Những phận đời vất vả mưu sinh

Người viết bài này từng gặp một phụ nữ tại quán cà phê trên đường Trương Văn Thành (TP.Thủ Đức, TPHCM), đi bán VS bằng chiếc xe máy cũ nát đến mức khó thể tìm được chiếc thứ hai. Thấy chị vẫn để xe nổ máy khi bước vào quán, có vị khách nhắc: "Xăng vừa lên giá” và lời giải thích của chị khiến người nghe muốn rơi nước mắt: "Nếu tắt máy xe thì rất khó khởi động lại. Tôi đang dành dụm tiền để sửa xe. Hoa hồng từ việc bán VS chỉ mong đủ trả tiền phòng trọ, ăn uống, sinh hoạt là mừng lắm rồi!".

Trong hoàn cảnh rất nhiều công nhân mất việc phải về quê hoặc gia nhập lực lượng bán VS, nỗi lo cơm áo gạo tiền càng làm nặng đôi vai của những người trụ lại ở thành phố để tìm kế sinh nhai và nuôi con ăn học. Chính vì thế, khái niệm mua bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện với họ còn khá xa vời, dù luôn ao ước. Mỗi khi lâm bệnh nặng phải điều trị lâu dài, hỏi đến BHYT, đa phần đều chưa có!

Đem về nguồn thu khá lớn cho ngân sách, người trực tiếp mang VS đến tận tay khách hàng xứng đáng được quan tâm, thụ hưởng chính sách đãi ngộ phù hợp. Điều này có tác dụng tiếp thêm động lực để họ cố gắng nâng số lượng phát hành, người bán có thêm thu nhập sẽ đồng nghĩa với doanh thu của công ty xổ số và đại lý cũng khá hơn. Mới đây, có đơn vị đề xuất tăng lượng VS mỗi kỳ cũng đủ thấy việc "ăn nên làm ra" của loại hình kinh doanh này.

Chúng tôi tin rằng, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ sớm hiện thực hóa mong ước trên. Khai thác thị trường có nguồn khách hàng dồi dào này là điều khả thi và rất nên làm, giúp người lao động (NLĐ) tự do yên tâm có "của để dành" khi tuổi ngày càng cao đồng thời gia tăng số người tham gia BHXH tự nguyện.

Quốc hội vừa đồng ý với đề xuất người tham gia BHXH đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu - một tin vui cho NLĐ. Nhẩm tính cũng biết những người 45 tuổi nếu ngay từ bây giờ mua BHXH tự nguyện, đến khi 60 tuổi sẽ được hưởng chế độ hưu trí. Tuyên truyền mạnh hơn nữa, đưa BHXH sớm đến với những người còn "ngoài cuộc" là việc cần khẩn trương thực hiện.

Chính phủ cũng đã tính đến phương án "tiếp sức" những người có hoàn cảnh khó khăn đóng BHXH tự nguyện. Chủ trương mang đầy tính nhân văn này sẽ góp phần quan trọng, tăng phạm vi "phủ sóng" BHXH, từng bước giải quyết "khoảng trống" trong nỗ lực thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội...

AN HÒA - THANH BÌNH

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/mong-co-them-chinh-sach-dai-ngo-cho-nguoi-ban-ve-so_150839.html