Mong đợi chính sách rõ ràng để 'dám nghĩ, dám làm'

Trong hội thảo mới đây về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, vấn đề hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước lại được đặt ra. Và một trong những điều các doanh nghiệp này mong đợi là thiết kế chính sách phải rõ ràng hơn để họ 'dám nghĩ dám làm' - yếu tố góp phần quyết định hiệu quả hoạt động.

Khó tách rời hiệu quả kinh tế với trách nhiệm chính trị xã hội

Theo Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2022, Việt Nam còn khoảng 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Các doanh nghiệp chiếm 100% vốn nhà nước dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế (chưa đến 0,1% số doanh nghiệp hoạt động) nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế (chiếm khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường).

Dù vậy, hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước được đánh giá là vẫn chưa tương xứng nguồn lực nắm giữ. TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng, doanh nghiệp nhà nước khó hoạt động hiệu quả bởi xung đột lợi ích giữa cá nhân và lý tưởng chung của doanh nghiệp; giữa doanh nghiệp và ý đồ chung của Chính phủ, quốc gia. Doanh nghiệp đặt vào cơ chế thị trường sẽ ưu tiên lợi nhuận, cạnh tranh, nhưng với doanh nghiệp nhà nước và Nhà nước thì lại muốn vì lợi ích chung và họ phải thực hiện cả trách nhiệm chính trị - xã hội.

Cũng chính bởi phải gắn liền trách nhiệm kinh tế với trách nhiệm chính trị xã hội nên “việc phân tách hiệu quả về kinh tế và hiệu quả mang tính chất bổ trợ cho nền kinh tế là không dễ dàng”, PhóChủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng phát biểu. Theo ông Hùng, hoạt động của doanh nghiệp phải mang tính thích ứng với thị trường, do đó khi thị trường tốt thì doanh nghiệp tận dụng cơ hội, có hiệu quả tốt và ngược lại.

Thực tế, trong giai đoạn vừa qua đã có một số doanh nghiệp “tận dụng tốt cơ hội, thích ứng linh hoạt”, trong đó có Tập đoàn Hóa chất Việt Nam khi trong năm 2022 doanh thu đạt mức cao nhất với trên 62.000 tỷ đồng, xuất khẩu lần đầu tiên vượt 500 triệu USD… Tính chung các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu, năm 2022, lãi hợp nhất trên 100.000 tỷ đồng, so với tổng tài sản vốn chủ sở hữu khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng thì mức này không thấp (khoảng 9%) vì còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, ông Hùng đánh giá.

Phân công, phân cấp hơn nữa cho doanh nghiệp

Để phát huy hơn nữa hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng cần phải có cơ chế! Cơ chế này không chỉ dừng ở việc sửa đổi Nghị định số 131/2018/NĐ-CP như cho phép Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được điều chuyển vốn giữa các tập đoàn, tổng công ty, mà còn phải "tổng động viên" doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp “dám nghĩ dám làm”.

Với quy định buộc phải bảo tồn, phát triển nguồn vốn cũng đang khiến có những doanh nghiệp sẵn sàng gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng để lấy lãi, thay vì mang đi đầu tư mà không dám chắc kết quả như thế nào, ông Kiên phát biểu. Về giải pháp, vị chuyên gia này cho rằng, cần phân tách được trong cách xử lý vấn đề thua lỗ của doanh nghiệp nhà nước, xem có yếu tố nào là bất khả kháng, từ đó rõ giải pháp cụ thể.

Chia sẻ với ý kiến trên, ông Hồ Sỹ Hùng cho biết, khi đề cập đến vấn đề “dám nghĩ dám làm”, không chỉ lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước đều “hoàn toàn ủng hộ và mong muốn có được điều đó”. “Nhưng tại sao khó vậy?”, ông Hùng đặt câu hỏi và cho rằng, chúng ta đang thiếu cơ sở để doanh nghiệp được dám làm, rõ trách nhiệm. “Để làm Phó Tổng Giám đốc hay được bầu vào Hội đồng thành viên của các tập đoàn, tổng công ty đều là những người có bản lĩnh, được rèn luyện. Họ cũng rất muốn làm, rất muốn xây dựng tổ chức doanh nghiệp cho tốt, nhưng làm trên cơ sở nào? Do đó, mong các cơ quan nhà nước thiết kế chính sách cần làm rõ ra để doanh nghiệp dám làm, dám chịu trách nhiệm”, ông Hùng đề xuất.

Cũng theo ông Hùng, để doanh nghiệp nhà nước phát huy hiệu quả hoạt động hơn nữa, vấn đề quan trọng là phải phân công, phân cấp nhiều hơn; phải trao quyền nhiều hơn cho các Hội đồng thành viên của doanh nghiệp, của người đại diện doanh nghiệp ra quyết định. Đối với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước có trách nhiệm kiểm tra, giám sát với tư cách chủ sở hữu; cơ quan quản lý tăng cường thanh tra để doanh nghiệp hoạt động theo pháp luật. Về dài hạn sẽ theo xu hướng là càng ngày càng phân cấp nhiều hơn cho doanh nghiệp, qua đó tăng tính chủ động; hạn chế kiểm soát đầu tư cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

TS. Võ Trí Thành bổ sung, để tăng hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, giảm bớt những xung đột lợi ích, cần phải dựa vào nguyên tắc thông lệ của Tổ chức Hợp tác quốc tế (OECD) mà Việt Nam là thành viên, đồng thời phải áp dụng nguyên tắc giám sát. Song, giám sát cần phải bảo đảm vừa không bị chặt quá giống như vòng kim cô kiềm chế tính năng động của doanh nghiệp, nhưng cũng không thể lỏng quá bởi sẽ vướng vào xung đột lợi ích như đã nói ở trên. Do đó, quan trọng nhất là mức độ giám sát đến đâu, phân cấp trong giám sát thế nào để phát huy hiệu quả nhất.

Kiến nghị giải pháp cụ thể, vị chuyên gia này cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần đẩy nhanh thí điểm mô hình sandbox, trong đó chọn ra một số tập đoàn và cho phép họ cơ chế tự chủ đầu tư, tự quyết lương thưởng... để đem lại lợi nhuận cao hơn cho mỗi đồng vốn bỏ ra. Cùng với dám làm dám chịu, phải tạo động lực để doanh nghiệp nhà nước không chỉ nghĩ đến tiêu cực, đến phòng thủ mà phải là đổi mới sáng tạo, là tấn công. Về phía Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải hoạt động trên nguyên tắc là nhà đầu tư, có thể tương tự mô hình công ty quản lý quỹ như kinh nghiệm của Singapore, ông Thành đề xuất.

Minh Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/mong-doi-chinh-sach-ro-rang-de-dam-nghi-dam-lam-i344890/