Mong nhiều người được 'dạo chơi' như An Na

Có thể nói, 'Cuộc dạo chơi âm nhạc của tôi' (NXB Phụ nữ Việt Nam xuất bản năm 2024) là một cuốn sách 'hiếm', mặc dù tác giả chưa phải là một tên tuổi được các nhà xuất bản 'săn đón'. Trước đó, Trương Thị An Na chỉ mới cho in một số cuốn sách về triết học và văn học Pháp dịch ra tiếng Việt.

1. Nói là hiếm, vì bạn đọc đã quen với rất nhiều tập ký (hồi ký, ký sự, ghi chép…) của lớp người từng trải qua các biến động lịch sử, cũng không lạ với thể loại du ký kể chuyện đi Tây đi Tàu; còn sách viết về những cuộc “dạo chơi âm nhạc”, lại là nhạc cổ điển, hình như còn rất ít

Trong Lời mở đầu, tác giả viết: “…cuốn sách chỉ đơn thuần là việc ghi lại tất cả những suy nghĩ giản đơn, những cảm nhận, những kỷ niệm ùa về trong các cuộc dạo chơi của tôi trong khu vườn âm nhạc với tư thế thong dong, thoải mái, vui vẻ và hạnh phúc của bản thân mình…”.

Cũng vì thế, xin phép cho tôi tạm gọi đây là tập Ghi chép cho phù hợp với tự bạch khiêm tốn của tác giả: “Là một người chưa bao giờ được học một giờ nào về âm nhạc […] nên tất cả những gì tôi viết trong cuốn sách này chỉ là những cảm nhận về âm nhạc của riêng tôi…”. Nhưng có lẽ cũng vì thế, độc giả càng thú vị trước nhiều điều bất ngờ khi mở các trang sách.

 Tác phẩm Cuộc dạo chơi âm nhạc của tôi của tác giả Trương Thị An Na

Tác phẩm Cuộc dạo chơi âm nhạc của tôi của tác giả Trương Thị An Na

Chúng ta từng biết một số người không học vẽ, học nhạc vẫn thành họa sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng; nhưng quả là bất ngờ, khi một người thuộc hàng “ngoại đạo” với âm nhạc như

Trương Thị An Na lại có thể viết một cuốn sách giàu lượng thông tin về hầu hết những tác gia âm nhạc cổ điển nổi tiếng thế giới, từ Chopin, Tchaikovsky, Beethoven, Bach, Mozart đến Schumann, Schubert… và nhiều tên tuổi khác nữa. 15 tài danh âm nhạc trong cuốn sách gần 350 trang; với mỗi người, qua hơn hai chục trang sách, tác giả không chỉ ghi lại những cảm nhận, những kỷ niệm riêng tư và giản đơn mà nhờ nếp quen của một người làm khoa học - tiến sĩ về Pháp ngữ, Trương Thị An Na đã giúp bạn đọc có được những thông tin về nhiều mặt - rất chi tiết và cụ thể - của những nhân vật đó, từ ngày tháng năm sinh, năm mất, các chuyện tình đồng nghiệp, tình yêu rất cảm động.

Trong đó, mối tình bộ ba Schumann - Clara - Brahams là tuyệt đẹp… Cả hàng trăm nhạc phẩm nổi tiếng cũng được tác giả liệt kê chi tiết, dù nhiều tên khá “rắc rối”! Như tên một nhạc phẩm được Schubert phổ lại từ bản Die Forelle, ông đã gọi nó là bản Quintette pour piano, violon, alto, violoncelle et contrebasse en la majeur, D.667 La Truite. Những thông tin kỹ lưỡng này rất có ích cho những ai muốn tìm hiểu sâu về nền âm nhạc cổ điển trên thế giới, trước hết là những sinh viên chuyên ngành nhạc.

2. Tuy vậy, điều thú vị hơn là qua những trải nghiệm riêng của cô giáo Pháp ngữ Trương Thị An Na, chúng ta ngộ ra rằng, mọi người đều có thể thưởng thức loại hình nghệ thuật thường được mệnh danh đỉnh cao này. Hình như cả cuốn sách, tác giả không một lần dùng từ đó.

Trương Thị An Na đã viết: “Tôi được biết, khi nghĩ về nhạc cổ điển thì nhiều người thường lưỡng lự, e ngại không biết mình có thưởng thức được loại âm nhạc hàn lâm này hay không, và sẽ có xu hướng không muốn tiếp cận loại hình âm nhạc này rồi sẽ bỏ qua luôn”.

Đây là một sự nhầm lẫn làm bao người thiệt thòi; cũng có nghĩa là xã hội đã bỏ phí, không sử dụng một tài sản vô giá. Một giá trị văn hóa được cả nhân loại tôn vinh, vượt qua mọi biên giới và thể chế, sống mãi với thời gian, nhưng để dựng được một tác phẩm như vở ballet Hồ Thiên Nga của Tchaikovsky, mà Trương Thị An Na được xem tại Paris năm 1994 với chiếc vé bố nhường cho, thì tiền chỉ là chuyện nhỏ (tiền bán vé chỉ mới đủ cho chi phí thuê nhà hát…), còn “những nỗ lực, những gian truân khổ luyện […] của người nghệ sĩ ballet lớn lao biết nhường nào!”.

Ba chục năm đã qua mà ấn tượng tuyệt đẹp của đêm diễn còn in đậm trong tâm hồn tác giả: “Tôi đã đắm chìm vào trong cảnh đẹp rực rỡ của sân khấu cùng những diễn viên múa ballet tài năng và dàn nhạc giao hưởng hoành tráng. Tất cả như một giấc mơ và phải đến một tuần sau, tôi mới thoát ra được cảm giác ngây ngất trước cái đẹp của âm nhạc Tchaikovsky…”.

Cũng rất thú vị khi hầu như toàn bộ danh sách các tác phẩm mà tác giả cung cấp đều lấy từ bộ tuyển chọn về nhạc cổ điển của báo Thế giới (Le Monde, Pháp) thực hiện đầu thế kỷ XXI. Và những tác phẩm này, bạn đọc đều có thể thưởng thức theo các đường dẫn trong sách.

Thú thật, là một ông già ngoài tám mươi tuổi như tôi, khi đọc sách của Trương Thị An Na đã mấy lần dừng lại, mở máy tính, để tự “bồi dưỡng” tưới tắm cho cái thân khô gầy của mình bằng cách lắng nghe những nhạc phẩm bất hủ như Eve Maria và Sérénade (Dạ khúc) của Schubert… Đây cũng là tác phẩm đưa Trương Thị An Na đến với âm nhạc cổ điển, đến mức cô đã xem vở Kép hạt dẻ 7 lần, kể từ khi vở ballet của Tchaikovsky này được dàn dựng tại TPHCM từ năm 2011.

3. Không phải ngẫu nhiên mà một tiến sĩ Pháp ngữ lại mê đắm nhạc cổ điển như thế. Cô chưa học âm nhạc với ai, nhưng lại có may mắn sinh trưởng trong một gia đình nhà giáo nổi tiếng - cha cô là chuyên gia Pháp ngữ Trương Quang Đệ, tác giả không chỉ của nhiều cuốn sách giáo khoa ngôn ngữ. Với vốn kiến thức Đông - Tây - Kim - Cổ uyên bác, trong nhiều cuốn đã xuất bản, tác giả không chỉ giúp bạn đọc hiểu thêm rất nhiều tác phẩm thuộc loại kinh điển, mà còn dẫn dụ chúng ta sống lại những ngày tháng… lãng mạn thuở thanh xuân.

Nhờ đó, từ bé Trương Thị An Na đã được sống trong môi trường giàu văn hóa, có điều kiện tiếp cận với những tác phẩm tinh hoa của nhân loại, trong đó có âm nhạc cổ điển. Đó là chưa kể thời gian học tập, giảng dạy tại Huế và TPHCM, rồi tu nghiệp, làm luận án tiến sĩ tại Pháp, cô luôn tìm đến với âm nhạc cổ điển…

Dù vậy, một người mê đắm âm nhạc cổ điển như Trương Thị An Na lại viết những dòng như sau: “Tôi thấy rằng các dạng thức nghệ thuật hoàn toàn không loại trừ lẫn nhau mà chúng luôn tồn tại song hành bên nhau […] Tôi mê nhạc cổ điển nhưng điều đó cũng không làm giảm tình yêu của mình với ban nhạc ABBA, The Beatles, Carpentier…”.

Đây cũng là điều bất ngờ thú vị khi đọc Cuộc dạo chơi âm nhạc của tôi. Mong sao có nhiều người, nhất là các bạn trẻ, được “dạo chơi” như Trương Thị An Na…

NGUYỄN KHẮC PHÊ

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mong-nhieu-nguoi-duoc-dao-choi-nhu-an-na-post752470.html