Mong niềm vui thêm trọn vẹn!

Mới sáng sớm 3-7, nghe chuông báo 'tinh tinh', tôi mở điện thoại và dẫu đã biết trước mức lương mới, tôi vẫn không khỏi vui mừng, xúc động: lương hưu của tôi tăng hơn một triệu đồng so với tháng trước! Đáng nói, lần này mức tăng cao hơn và lương 'đến' sớm hơn nên các 'cụ' hưu trí rất phấn khởi. Niềm vui, sự phấn khởi khi ví tiền tăng thêm một triệu đồng/tháng dường như lấn át sự lo lắng bởi thực tế giá cả các mặt hàng tiêu dùng đã tăng ngay từ khi Quốc hội cùng các bộ, ngành liên quan đang bàn xem tăng lương kỳ này thế nào cho hợp lý!

Lý do vì sao lương cơ sở lần này tăng 30% mà lương hưu chỉ tăng 15% đã được Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong trả lời tại cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Đại ý là tuy lương hưu chỉ tăng 15%, song nếu cộng dồn các chỉ số giá CPI qua các năm, thì tương đương với mức tăng trên 30% của cán bộ, công chức. Đây là quan điểm hết sức nhân văn đối với những người hưởng lương hưu! Quả thực khi nghe lời giải thích này, chắc nhiều người không hiểu rõ lắm, nhưng như đã nêu trên, khi ví tiền hiện diện thêm một triệu đồng mỗi tháng, ai cũng có cảm giác phấn khởi, tự tin hơn!

20 năm qua, chúng ta đã 14 lần tăng mức lương cơ sở. Thông thường, những người sống nhờ vào đồng lương, khi được tăng lương sẽ rất mừng, nhưng lần nào cũng thế, kèm theo niềm vui là nỗi lo. Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng đã qua nhiều kỳ tăng lương, đời sống của cán bộ, công chức vẫn chưa được cải thiện do tình trạng “té nước theo mưa” về giá cả. Vừa có thông tin tăng lương thì giá các mặt hàng đã tăng trước đó vài tháng. Và giá đã lên thì rất khó xuống. Bên cạnh đó, khi lương tăng thì các chính sách thuế, phí, bảo hiểm cũng tăng theo. Chính vì vậy, tăng lương không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với việc cải thiện điều kiện sống của những người làm công ăn lương.

Chuẩn bị cho lần tăng lương này, ngay từ đầu năm Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra. Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá phối hợp với các bộ, ngành cùng vào cuộc triển khai đồng bộ các giải pháp để bình ổn giá cả thị trường nhằm đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với các mặt hàng chiến lược; đồng thời chuẩn bị phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường… Tuy Quốc hội và các bộ, ngành liên quan đã có lộ trình cải cách tiền lương thận trọng, hiệu quả, nhưng cứ như “luật bất thành văn”, lương chưa tăng thì giá đã tăng.

Tiền lương liên quan trực tiếp đến đời sống người lao động và câu chuyện về tiền lương chưa bao giờ hết nóng. Dường như năm nào cũng có vài cuộc họp bàn về lương và mỗi lần tăng lương là một cuộc vật lộn, “cân não” giữa cơ quan bảo vệ người lao động với người làm chính sách, chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời nào cũng thế, chỉ khi đồng lương được trả xứng đáng với công sức, đáp ứng được các điều kiện sống cơ bản của người lao động thì mới kích thích được khả năng sáng tạo trong công việc, kích thích sự cống hiến. Chỉ có như thế thì mỗi kỳ tăng lương, niềm vui của người ăn lương mới thật sự trọn vẹn!.

Thảo Linh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/159769/mong-niem-vui-them-tron-ven