Mong sớm điều chỉnh tăng phụ cấp cho nhân viên y tế

Bộ Y tế đang lấy ý kiến nhân dân và các đơn vị liên quan về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch theo hướng điều chỉnh tăng.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh chuẩn bị thực hiện ca phẫu thuật. Ảnh:H.Dung

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh chuẩn bị thực hiện ca phẫu thuật. Ảnh:H.Dung

Điều này có cơ sở và cần thiết, nhận được sự đồng tình của dư luận.

Đề xuất tăng phụ cấp 2-3 lần

Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Bình cho biết, hiện nay, các mức phụ cấp như: phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, phụ cấp chống dịch và mức hỗ trợ tiền ăn đối với nhân viên y tế được áp dụng theo Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28-12-2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phòng, chống dịch. Như vậy, các mức phụ cấp này đã được thực hiện cách đây 13 năm, khi mức lương cơ sở là 830 ngàn đồng/tháng. Đến nay, lương cơ sở đã điều chỉnh 8 lần, tăng lên 2,34 triệu đồng/tháng, trong khi các mức phụ cấp vẫn giữ nguyên là không hợp lý.

Cộng tác viên, tình nguyện viên, nhân viên đảm bảo thiết bị, hóa chất, thành viên ban chỉ đạo tham gia chống dịch nhóm A trong thời gian có dịch được đề xuất hưởng mức bồi dưỡng từ 170 ngàn đồng đến 285 ngàn đồng/ngày/người, tùy công việc cụ thể.

Lãnh đạo Sở Y tế đưa ra dẫn chứng cụ thể: “13 năm trước, một tô phở có giá 10 ngàn đồng, nhưng đến nay đã lên đến 40-50 ngàn đồng, tức là giá cả thị trường đã tăng gấp 4-5 lần. Một nhân viên của trạm y tế trực 24 giờ được 25 ngàn đồng, chưa đủ tiền một tô phở. Việc điều chỉnh mức phụ cấp cần phải làm sớm hơn để đảm bảo công bằng cho y, bác sĩ, phù hợp với công sức lao động mà họ bỏ ra”.

Bộ Y tế đề xuất điều chỉnh phụ cấp đối với người lao động trực 24/24 giờ từ 115 ngàn đồng/người/phiên trực lên 325 ngàn đồng đối với bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt, Viện Pháp y tâm thần Trung ương.

Điều chỉnh từ 90 ngàn đồng/người/phiên trực lên 255 ngàn đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng II, Viện Pháp y quốc gia, Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (đối với trực điều phối lấy, ghép, vận chuyển, bảo quản mô, bộ phận cơ thể người).

Điều chỉnh từ 65 ngàn đồng/người/phiên trực lên 185 ngàn đồng/người/phiên trực đối với các bệnh viện còn lại và các cơ sở khác tương đương; Trung tâm Pháp y cấp tỉnh; Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (đối với trực tư vấn, vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người).

Điều chỉnh mức tiền từ 25 ngàn đồng/người/phiên trực lên 75 ngàn đồng/người/phiên trực đối với trạm y tế xã, trạm y tế quân dân y.

Bộ Y tế cũng đề xuất người lao động trực thường trú được hưởng mức phụ cấp từ 40 ngàn đồng đến 165 ngàn đồng/người/phiên trực đối với các cơ sở y tế từ tuyến trạm đến bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt.

Mức phụ cấp chống dịch với người đi giám sát, điều tra, xét nghiệm, xác minh dịch; tham gia chống dịch; trực tiếp tham gia khám, chẩn đoán, điều trị người mắc bệnh dịch, bệnh truyền nhiễm tại cơ sở y tế và cộng đồng được Bộ Y tế đề xuất điều chỉnh tăng gần 3 lần so với mức cũ hiện nay.

Cụ thể, đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A tăng từ 150 ngàn đồng/người/phiên trực lên 425 ngàn đồng; bệnh truyền nhiễm nhóm B tăng từ 100 ngàn đồng lên 285 ngàn đồng; bệnh truyền nhiễm nhóm C tăng từ 75 ngàn đồng lên 215 ngàn đồng.

Mức phụ cấp thường trực chống dịch 24/24 giờ vào ngày thường được đề xuất điều chỉnh từ 100 ngàn đồng/ngày/người lên 285 ngàn đồng; nếu trực vào ngày nghỉ thì tăng 1,3 lần so với ngày thường; vào ngày lễ, tết tăng 1,8 lần so với ngày thường. Người tham gia chống dịch, trực chống dịch 24/24 giờ được hỗ trợ tiền ăn là 45 ngàn đồng/người/phiên trực.

Mức phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật của phẫu thuật viên, người phụ mổ, gây mê hồi sức... cũng được đề xuất tăng hơn 2 lần so với quy định hiện hành.

Cần thiết tăng phụ cấp

Một bác sĩ ngoại khoa đang làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chia sẻ, mặc dù đề xuất của Bộ Y tế khá trễ nhưng trễ còn hơn không, bởi các quy định về mức phụ cấp hiện hành đã quá lạc hậu và không tương xứng với công sức mà nhân viên y tế bỏ ra.

“Hiện nay, một phẫu thuật viên chính khi thực hiện một ca mổ được phụ cấp 285 ngàn đồng đối với loại đặc biệt, còn loại 1, loại 2, loại 3 lần lượt từ 125 ngàn đồng đến 50 ngàn đồng/ca mổ. Một ca mổ có thể kéo dài vài tiếng đồng hồ, thậm chí có những ca mổ rất khó, kéo dài đến 10 tiếng đồng hồ, bác sĩ cũng như cả ê-kíp phải tập trung tối đa, không được phép lơ là nhưng mức phụ cấp quá thấp, không tạo được động lực và tính động viên cho nhân viên y tế” - bác sĩ này chia sẻ.

Giám đốc Trung tâm y tế huyện Cẩm Mỹ Lưu Văn Tường kiến nghị, cần sớm có sự điều chỉnh không chỉ phụ cấp mà cả tiền lương khởi điểm của bác sĩ để đảm bảo công bằng.

Bác sĩ Tường cho rằng, từ trước đến nay, gần như năm nào các trường đại học y dược cũng lấy điểm tuyển sinh đầu vào thuộc loại cao nhất. Để được cấp chứng chỉ hành nghề, một bác sĩ phải trải qua 6 năm học đại học y khoa và ít nhất 12 tháng thực hành. Thế nhưng, tiền lương khởi điểm của một bác sĩ mới ra trường không khác gì so với những ngành nghề khác được đào tạo 4 năm.

“Việc tăng chế độ đãi ngộ đối với nhân viên y tế là rất cần thiết và cần thực hiện sớm. Bên cạnh đó cũng phải sớm thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám, chữa bệnh” - bác sĩ Tường kiến nghị.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/y-te/202410/mong-som-dieu-chinh-tang-phu-cap-cho-nhan-vien-y-te-d1b592e/