Mong Trung thu mãi ấm

Với trẻ em nông thôn xưa, tết Trung thu là dịp để các em cùng nhau phá cỗ, rước đèn, cùng nhau quây quần bên những trò chơi, nhận những món quà từ cây nhà lá vườn. Từ ngày mồng 10 tháng Tám âm lịch, trẻ con trong thôn đã háo hức tụ tập trước sân hợp tác xã nông nghiệp hay các khoảng đất đầu xóm để chơi trò múa lân. Tất cả đều làm từ những thứ có sẵn trong vườn, trong thiên nhiên.

Giữa bãi đất trống, dưới ánh trăng sáng mùa thu, 3 đội múa lân của 3 xóm tụ tập thi nhảy lân; rồi chia nhau đến các nhà để múa. Tiếng cười nói rôm rả, tiếng trống tưng bừng náo nhiệt. Món quà treo cho đoàn lân của mỗi hộ gia đình chủ yếu là trái cây có sẵn trong vườn như ổi, như xoài hoặc dăm ba đồng gọi là. Vậy mà các đoàn lân vẫn nhảy múa say sưa, không hề biết mệt. Khoảng từ đêm mồng 10 đến rằm tháng Tám âm lịch, không khí làng quê nghèo sôi nổi hẳn lên. Trẻ con trong xóm đi chăn trâu về sớm hơn mọi khi, ra sông, ra giếng nước tắm rửa sạch sẽ, í ới gọi nhau đi múa lân, xem hội trăng rằm.

Hằng năm cứ đến dịp tết Trung thu, nghệ nhân ở các làng quê bận rộn làm những thứ đồ chơi thủ công cho trẻ. Đèn ông sao, con tò he, mặt nạ đủ sắc màu… Những đêm trăng sáng, tuổi thơ nông thôn chơi đủ các trò chơi dân gian như rồng rắn lên mây; bịt mắt bắt dê; kéo co…Những bài hát đồng dao hồn nhiên, vui nhộn vang lên giữa đất trời trong lành, thoáng đãng.

Cuộc sống phát triển, ngày nay vui cùng Trung thu của tuổi thơ ít nhiều thay đổi. Các loại đồ chơi truyền thống phần lớn được thay bằng hàng hóa đắt tiền, hiện đại. Mệ Trương Thị Hường (80 tuổi) ở phường Đông Ba, người còn lại duy nhất trên đất Huế vẫn âm thầm giữ nghề làm đồ chơi trống lùng tung và con vè ve cho trẻ em. Mệ tâm sự: “Thời trước, mỗi dịp Trung thu, nhiều chỗ đặt mua, mệ bán được rất nhiều. Mấy năm lại đây mệ bán không được bao nhiêu”.

Dù có nhiều thay đổi, song tết Trung thu vẫn giữ được giá trị nhân văn cao quý. Vui Trung thu, nhiều trường học tổ chức thi làm mâm cỗ, rước đèn, múa lân tạo sân chơi bổ ích cho học sinh. Trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đáng thương được sưởi ấm bằng những nghĩa cử cao đẹp. Đoàn thanh niên, hội sinh viên, các câu lạc bộ, đội nhóm đã tổ chức tết Trung thu cho trẻ ở các vùng sâu, vùng cao; các trung tâm, nhà tình thương nuôi dạy trẻ có hoàn cảnh bất hạnh.

Thầy giáo Trần Văn Anh ở Phong Điền, năm nào dịp tết Trung thu cũng lên vùng cao A Lưới để tặng quà, tổ chức đêm hội trăng rằm cho các em dân tộc ở các bản làng xa xôi. Vào dịp Trung thu hằng năm, Chi đoàn Thanh niên thôn Trạch Phổ (Phong Hòa) đã duy trì đều đặn đêm hội trăng rằm cho các em nhỏ trong thôn. Anh Nguyễn Như Thuần, Bí thư Chi đoàn thôn cho biết: “Tại nhà văn hóa thôn, chi đoàn thanh niên tổ chức cho các em tham gia những trò chơi dân gian, trả lời câu hỏi đố vui có thưởng; tặng quà cho 200 em nhỏ và vận động các nhà hảo tâm tặng học bổng cho các em mầm non, tiểu học khó khăn”.

Sinh thời, Bác Hồ kính yêu luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho các cháu thiếu niên và nhi đồng trên cả nước. Hằng năm, cứ vào dịp Trung thu, Bác thường đi thăm hoặc gửi quà cho thiếu nhi. Rồi Bác viết thư khen hoặc làm thơ tặng các cháu với tất cả tấm lòng của người ông, người cha có tình yêu thương mênh mông, vô hạn.

Bằng nhiều hình thức khác nhau, mong rằng, tết Trung thu mãi ấm áp, trong lành. Đó là cái Tết thực sự của trẻ em, cho trẻ em.

VĂN TOẢN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/mong-trung-thu-mai-am-146033.html