Mong ước cháy bỏng lưu giữ văn hóa Pa Kô
Lão nghệ nhân Kray Sức lớn lên và đắm mình trong văn hóa Pa Kô. Như rừng xanh vang tiếng, ông nuôi nấng một mong ước cho văn hóa của dân tộc mình còn mãi, cho người già lưu luyến, cho người trẻ tự hào và tiếp nối.
Đăm đắm Ta lư
Chiều Vực Leng tĩnh lặng nghe rõ tiếng mây đang trườn qua núi, ôm lấy bản làng. Cuối bản vang lên tiếng đàn Ta lư hòa quyện cùng làn điệu Xiêng ngọt ngào, thiết tha nói lên nỗi nhớ nhung nồng nàn của người con gái Pa Kô với người yêu.
Pa Kô ư! Nó ở trên cái rừng cây khắp vùng Đakrông (Quảng Trị) này, trên cái rẫy mẹ trồng tỉa, trên cái khố người con trai đóng, trên cái váy người con gái mặc, trên mái nhà tỏa khói ấm mỗi chiều sương xuống, trong tiếng người bản gọi nhau và cả ở trong tim này. Lão nghệ nhân Kray Sức (sinh năm 1964) chỉ vào ngực trái của mình, nơi có trái tim bao nhiêu năm qua vẫn đau đáu một nỗi niềm Pa Kô. Từng đêm nghe tiếng mẹ hát ru, từng ngày nghe tiếng đàn Ta lư mà người cha để lại trước khi đi kháng chiến, cứ thế hơn 60 năm qua, Kray Sức vẫy vùng trong văn hóa Pa Kô. Nâng niu cây đàn Ta lư đã bóng màu thời gian, Kray Sức chỉ vào đàn bảo, đây là dây cha, đây là dây mẹ, đây là dây con, còn đây là Pa Kô mình. Có gia đình, có cộng đồng Pa Kô mới có văn hóa Pa Kô.
Cây đàn Ta lư lúc đầu vốn chỉ có 2 dây. Trải qua nhiều thế hệ nghệ nhân với bao suy tư, trăn trở đã chỉnh sửa, cải tiến để cây đàn dần hoàn thiện với 3 dây và có thể tấu lên hầu hết các làn điệu dân ca Pa Kô như Ka lơi, Cha chấp, Xiêng, A un, Caraun, Terate’k, Ra zok, Caracadoi, T’rel... Cây đàn Ta lư nguyên thủy được làm từ tre nứa thì nay được làm bằng gỗ mít. Nhưng rồi một dạo, người già chẳng còn mấy ai nhớ và làm đàn Ta lư, người trẻ chẳng mấy người hát được dân ca, trai gái Pa Kô chẳng còn mấy người mặc thổ cẩm múa điệu múa Pa Kô nữa. Xót xa quá, Kray Sức tìm đến già làng Kôn May đặt hàng làm 10 cây đàn Ta lư, đem phát cho 9 thôn ở xã Tà Rụt (huyện Đakrông), còn 1 cây đàn dành cho bản thân. Đó là năm 2000, chừng ấy cây đàn cũng là cả một gia tài với người Pa Kô nghèo như ông. Nhưng ông mặc kệ, mất tiếng đàn, tiếng hát thì Pa Kô còn lại gì nữa đâu.
Có đàn rồi, nhưng chẳng mấy người còn biết chơi đàn nữa, ông Kray Sức lại lặn lội đến từng bản làng dạy chơi đàn. Ông trở thành thầy dạy đàn không công từ đó. Người Pa Kô chẳng hiểu sao lại có một người đàn ông nhỏ bé, đôi mắt lúc nào cũng đăm đắm một nỗi niềm như thế cứ say mê với Ta lư, đêm ngày vật lộn với những rẻo rừng, mép núi để đến với bản làng dạy lại tiếng đàn, dạy lại dân ca. "Ta lư ư?! Nó ở trong máu thịt của mình, nó ở trong nỗi nhớ của mình, nó ở trong niềm mong ước của mình" - ông Kray Sức lý giải thế. Nhưng để vực dậy Ta lư và đàn hát dân ca cho người Pa Kô, một mình ông không đủ sức. Ông lại cất công đi khắp các bản làng, tìm những người biết thổi khèn, chơi cồng chiêng, biết hát dân ca, biết các điệu múa rồi quy tụ thành nhóm để cùng nhau truyền dạy.
Những Ka lơi (hát để khen nhau, hóa giải nỗi buồn), Cha chấp (lời mời gọi), Tăn y (hát ru), A dêng, A rơng... hòa vào tiếng đàn Ta lư, cùng những tiếng khèn và cồng chiêng phụ họa. Chỉ sau vài năm, Tà Rụt trở thành xã đầu tiên ở tỉnh Quảng Trị khôi phục được dân ca truyền thống dân tộc Pa Kô với gần 50 làn điệu. Lần lượt nhiều bản làng và các xã khác cũng hướng theo. Kray Sức cũng đi truyền dạy tại nhiều xã trong và ngoài tỉnh. Nơi nào người Pa Kô cần, Kray Sức đều có mặt, đem hết nhiệt huyết của mình truyền dạy văn hóa Pa Kô.
Nỗ lực không ngừng nghỉ
Có lẽ, khắp dải rừng Đakrông này, nếu không có ông Kray Sức, thì tiếng đàn Ta lư và văn hóa Pa Kô đã dần chìm vào quên lãng. Những người già dần mất đi, người trẻ chẳng còn mặn mà với thổ cẩm, với nhạc cụ truyền thống. Thấy văn hóa Pa Kô mình ngày càng nhạt dần, ông Kray Sức tâm tư lắm. Hơn 40 năm qua, dấu chân của ông lần hồi vào từng bản làng, gặp từng người già, người trẻ, ghi chép từng lời hát, thu âm từng đoạn dân ca. Hóa ra, trong những bản làng xa xôi và hẻo lánh, trong những người già tưởng chừng đã quên, trong cả những người trẻ dường như không mặn mà vẫn còn nhiều vốn liếng như thế.
Hơn 20 năm nay, ông Kray Sức với chiếc máy ảnh cũ kỹ, với mấy cuốn sổ nhỏ, vài bộ quần áo cũ không quản ngày đêm vượt suối băng đèo, leo dốc đi khắp các bản làng của người Pa Kô ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và sang cả các bản làng giáp biên ở nước bạn Lào để gặp các già làng, những người còn nhớ, hiểu biết lịch sử, văn hóa Pa Kô. Ông đã xây dựng được cuốn biên niên sử văn hóa Pa Kô với 300 bức ảnh, ghi chép cẩn thận các thông tin có được và tự bỏ kinh phí tổ chức triển lãm ảnh về văn hóa Pa Kô. Để từ đó, đồng bào Pa Kô thêm phần sửng sốt khi nhận ra văn hóa của dân tộc mình độc đáo và có chiều sâu đến thế. Niềm vui của Kray Sức, đó là những nỗ lực của ông đã không uổng công, khi những người trẻ quan tâm hơn tới văn hóa dân tộc. Quan trọng nhất là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội đã có những chính sách, tạo điều kiện cho văn hóa Pa Kô được phục hồi, lưu giữ.
Trên hành trình với văn hóa Pa Kô, lão nghệ nhân Kray Sức đã may mắn có được những người học trò tâm huyết. Những người con Pa Kô như Hồ Văn Hữu, Hồ Xuân Nam, Hồ Xuân Niên, Hồ Văn Việt, Hồ Văn Ngư, Hồ Thị Thôi hay Hồ Thị Sở giờ đây đã thấm hiểu niềm mong ước của thầy mình. Họ cũng đang miệt mài truyền lại những gì đã học được để giữ gìn cho Pa Kô một vốn văn hóa độc đáo, đặc sắc.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mong-uoc-chay-bong-luu-giu-van-hoa-pa-ko-post485484.html