Mong ước chốn nương thân của người đàn bà nghèo và đứa trẻ bị bỏ rơi

Gia đình khó khăn lại thường xuyên đau ốm, thế nhưng khi thấy đứa trẻ bị bỏ rơi bà Y Thảo chẳng đành lòng.

Dù đã trải qua nhiều khó khăn, nhưng mẹ con bà Y Thảo luôn lạc quan và hạnh phúc.

Dù đã trải qua nhiều khó khăn, nhưng mẹ con bà Y Thảo luôn lạc quan và hạnh phúc.

Người phụ nữ nghèo đưa bé gái về nuôi dưỡng và lo cho con ăn học suốt 12 năm qua.

Đứa trẻ bất hạnh

12 năm trước, vào một ngày đông, bà Y Thảo (thôn 8, xã Đăk La, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) hay tin có cháu bé sơ sinh bị bỏ rơi vì gia đình quá khó khăn. Không chồng, khao khát có con nên người phụ nữ Rơ Ngao tìm đến để nhận nuôi đứa trẻ. Khi đó, đứa bé được khoảng 1 tháng tuổi, chỉ to hơn bàn tay thô ráp của người phụ nữ.

Lúc bấy giờ, bà Y Thảo đau ốm triền miên nên gia đình, hàng xóm một mực khuyên ngăn. Bởi sức khỏe của bà yếu nên việc tự lo cho bản thân còn khó, huống hồ là nhận nuôi thêm một đứa trẻ sơ sinh. Thế nhưng, khi ôm sinh linh bé nhỏ vào lòng, người phụ nữ cảm nhận có sợi dây vô hình kết nối.

Bỏ ngoài tai những lời ngăn cấm, bà Thảo quyết đưa bé gái về nuôi. Bà đặt tên con là Y Thương với mong muốn cháu bé sẽ được mọi người yêu thương, bù đắp lại những thiệt thòi, bất hạnh.

“Từ nhỏ mình đã đau ốm triền miên nên chẳng mong cầu lập gia đình vì sợ làm người ta khổ. Thế nhưng, mình luôn ước căn nhà sẽ thêm thành viên để bớt trống trải và có người bên cạnh khi về già. Cháu đến với mình như một món quà mà cuộc sống này ban tặng”, bà Y Thảo tâm sự.

Ở tuổi 35, chưa một lần làm mẹ, người phụ nữ loay hoay chăm đứa trẻ sơ sinh. Không có sữa mẹ, Y Thương quấy khóc cả đêm. Có lúc bà Y Thảo nghĩ rằng con chẳng thể sống nổi vì suy dinh dưỡng rồi đau ốm triền miên. Khi được vài tháng tuổi, thời gian Y Thương ở bệnh viện có lẽ nhiều hơn ở nhà.

Có lần bà Thảo đưa con đi khám, Y Thương khóc ngằn ngặt đòi sữa. Các y bác sĩ kêu bà cho con bú, thế nhưng ở tuổi 35 bà Thảo vẫn còn là con gái nên chẳng biết phải làm sao. Khi nghe câu chuyện của hai mẹ con, cô y tá đã biếu bà Thảo chút tiền để mua sữa cho con uống.

Sức khỏe yếu, con lại hay đau ốm nên số tiền ít ỏi mà bà Y Thảo làm thuê chẳng mấy chốc cạn kiệt. Con bò mà trước khi cha mất để lại, bà Thảo đành phải bán đi lấy 11 triệu đồng lo ăn uống và cho Thương chữa bệnh.

“Thương ốm, mình chẳng đi làm được nên tiền bán bò sau 1 tháng đã hết. Thương hai mẹ con nên đôi lúc gia đình, hàng xóm cho 5.000 - 10.000 đồng để mua sữa cho bé Thương uống. Khi Thương đỡ bệnh, mình địu con theo đi làm cỏ, hái cà phê thuê cho người ta. Thời điểm đó khổ lắm, mình thương con nhiều… may mắn hai mẹ con cũng đã vượt qua”, bà Y Thảo bộc bạch.

Bà Y Thảo chia sẻ về hành trình chăm sóc và nuôi dưỡng Y Thương trong suốt 12 năm qua.

Bà Y Thảo chia sẻ về hành trình chăm sóc và nuôi dưỡng Y Thương trong suốt 12 năm qua.

Mong có căn nhà che nắng, mưa

Năm Thương lên lớp 4, sau buổi học cô bé bị bạn bè trêu chọc là đứa trẻ không cha và được nhặt từ hố rác. Òa khóc chạy về nhà, cô bé liền hỏi mẹ: “Người ta nói con là con rơi, không cha… có phải không mẹ?”. Câu hỏi của đứa trẻ ngây thơ khiến người mẹ chạnh lòng, thương cho số phận bất hạnh của cô con gái nhỏ. Thời gian đầu sợ con buồn nên bà Thảo giấu, bảo cha đi làm ăn xa. Thế nhưng qua thời gian dài, biết chẳng thể giấu con mãi nên người phụ nữ đành nói sự thật. Hai mẹ con cứ thế ôm nhau khóc cả đêm.

Có lẽ thấu hiểu được sự vất vả của mẹ, từ nhỏ Thương đã biết phụ giúp công việc gia đình và đi làm thuê. Khi được 7 tuổi, vào vụ mùa Thương lại xin đi mót cà phê, có khi là nhặt phân bò để bán. Mỗi ngày Thương kiếm được khoảng 20.000 đồng, số tiền tuy chẳng nhiều nhưng em luôn đưa về cho mẹ để mua thuốc chữa bệnh. Lâu lâu, Thương lại cùng chúng bạn đi bắt cua, cá suối để cải thiện bữa ăn…

Khi cha mất, ngoài con bò để lại, bà Thảo còn được cho một mảnh đất nhỏ. Thế nhưng, chẳng có tiền nên hai mẹ con bà Thảo ở nhờ nhà mẹ ruột và vợ chồng em gái. 6 người trong gia đình chen chúc trong căn nhà nhỏ cuối thôn suốt mấy năm qua.

“Mình ước có sức khỏe để làm lụng kiếm tiền dựng một căn nhà nhỏ cho hai mẹ con che mưa, che nắng. Thế nhưng, mơ ước này có lẽ chẳng bao giờ thành hiện thực. Vì giờ đây, hai mẹ con đau ốm triền miên. Số tiền đi làm thuê kiếm được cũng chẳng đủ ăn uống, thuốc men và lo cho con học tập...”, bà Thảo bỏ lửng câu.

Còn Thương, nói về ước mơ của mình, cô bé lặng một hồi rồi thỏ thẻ: “Con mong mẹ sẽ luôn khỏe mạnh. Bản thân con thì hy vọng mình tiếp tục được đến trường…”.

Ông Trần Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk La, cho biết, mặc dù thường xuyên đau ốm, hoàn cảnh còn nhiều thiếu thốn nhưng bà Y Thảo đã nhận nuôi và lo cho cháu Y Thương ăn học suốt 12 năm nay. Thấu hiểu được sự khó khăn của hai mẹ con, chính quyền địa phương luôn động viên, quan tâm và giới thiệu để các mạnh thường hỗ trợ giúp cho cuộc sống gia đình bớt vất vả hơn.

Theo ông Tâm, việc làm của bà Y Thảo hết sức ý nghĩa, đây là hành động đẹp, nhân văn và đáng được tuyên dương.

Dung Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/mong-uoc-chon-nuong-than-cua-nguoi-dan-ba-ngheo-va-dua-tre-bi-bo-roi-post617324.html