Mong ước nhỏ của người dân Đồng Ké

Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp Quốc khánh, bà con dân tộc Mường ở thôn Đồng Ké (xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ) lại rộn ràng đón Tết Độc lập, cùng nhau gìn giữ, phát huy phong tục truyền thống tốt đẹp.

Người Mường ở thôn Đồng Ké treo cờ Tổ quốc đón Tết Độc lập. Ảnh: Bảo Châu

Người Mường ở thôn Đồng Ké treo cờ Tổ quốc đón Tết Độc lập. Ảnh: Bảo Châu

Rộn ràng Tết Độc lập

Đến thôn Đồng Ké những ngày này rợp bóng cờ hoa. Đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, nhộn nhịp người đi lại.

Là người có uy tín trong cộng đồng thôn Đồng Ké, ông Nguyễn Văn Bắc cho biết, thôn có 142 hộ dân với 664 nhân khẩu là người dân tộc Mường, chiếm hơn 78% dân số của thôn. Tết Độc lập là tết lớn thứ hai của người Mường sau Tết Nguyên đán, được duy trì kể từ khi thành lập nước (2-9-1945) đến nay. Đây là dịp để người Mường tưởng nhớ cha ông, thể hiện lòng ơn Đảng, ơn Bác Hồ...

Dù khá giả hay khó khăn, cứ vào dịp này, các gia đình trong thôn đều tự giác quét dọn nhà cửa, đường làng ngõ xóm sạch sẽ và treo cờ Tổ quốc. Các gia đình đều làm mâm cỗ, trước là để thắp hương tưởng nhớ các cụ, sau là để sum vầy con cháu dòng tộc, giao lưu làng xóm, bạn bè…

Trước kia, dù đời sống người dân ở đây còn vất vả, thiếu thốn nhưng nhà nào cũng cố gắng làm một cái Tết Độc lập tươm tất. Giờ đây, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cuộc sống đã khấm khá, người dân ăn Tết Độc lập cũng đủ đầy và vui hơn.

“Gia đình tôi có 2 cháu đều làm ăn, sinh sống xa quê hương. Để vừa giữ gìn phong tục, vừa để con cháu có thêm thời gian du lịch, vui chơi, năm nay gia đình tôi ăn Tết Độc lập từ ngày 1-9”, ông Nguyễn Văn Bắc chia sẻ.

Tương tự, nhiều hộ dân ở Đồng Ké có con cháu làm ăn, sinh sống xa quê cũng linh hoạt trong việc chọn ngày ăn Tết Độc lập. Những gia đình khác tổ chức chính ngày 2-9.

Đặc biệt trong dịp này, con cháu người Mường ở Đồng Ké vẫn duy trì phong tục lễ tết bố mẹ. Nếu bố mẹ qua đời, con cháu sẽ mang lễ tới nhà gánh trưởng. Phong tục của người Mường là con nào trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc và thờ cúng bố mẹ thì sẽ là gánh trưởng. Tết bố, tết mẹ của người Mường ở Đồng Ké thường gồm rượu, gạo nếp và cặp gà hoặc đôi giò lợn...

Người Mường ở Đồng Ké kiểm tra chiêng trước khi sử dụng trong các dịp lễ, tết, hội làng. Ảnh: Bảo Châu

Người Mường ở Đồng Ké kiểm tra chiêng trước khi sử dụng trong các dịp lễ, tết, hội làng. Ảnh: Bảo Châu

Nỗi niềm bảo tồn, phát huy

Trò chuyện với phóng viên, người dân Đồng Ké cho hay, trước đây, thôn thường giao trách nhiệm cho một gia đình chăn nuôi giỏi việc nuôi trâu, lợn, cá để thịt trong ngày Tết Độc lập. Gia đình nào đi ăn sẽ góp rượu và gạo. Việc ăn uống, múa hát được tổ chức tại nhà sàn của làng từ sáng sớm đến đêm khuya...

Hiện nay, do người Mường quen dần với nếp sống mới; nhiều lao động chính đi làm và lập nghiệp xa quê hương… nên thôn không giao nuôi, thịt trâu, lợn và không tổ chức ăn Tết Độc lập cộng đồng. Các gia đình tự làm tết. Hơn nữa, không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Mường dần thu hẹp do dân số tăng, nhà sàn bị hư hỏng, nhà văn hóa liền kề vừa nhỏ hẹp, vừa xuống cấp…

Trưởng thôn Đồng Ké Trần Minh Công cho biết, năm 2006, Nhà nước cấp kinh phí xây dựng ngôi nhà sàn để người Mường lưu giữ, diễn xướng nhạc cụ chiêng, cò ke ống sáo, vật dụng sinh hoạt đặc trưng là vò rượu, cung nỏ, súng kíp… Nhưng vì mua nhà cũ, dựng lại, nên hiện nay, hạng mục cột đã bị mọt gần hết, các dầm, xà đã mục ruỗng, ván bưng, ván sàn bị mối xông…

“Để bảo đảm an toàn tính mạng, chúng tôi để người dân tụ tập tại nhà sàn này, chuyển sinh hoạt cộng đồng sang nhà văn hóa. Tuy nhiên, nhà văn hóa có kết cấu bằng bê tông, cốt thép, quy mô nhỏ hẹp không đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân…", ông Trần Minh Công thông tin thêm.

Liên quan nội dung này, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận Tổ quốc thôn Đồng Ké Nguyễn Viết Đăng chia sẻ: Từ lúc nhà sàn xuống cấp, thôn đã nhiều lần chuyển ý kiến của người dân tới cơ quan thẩm quyền mong muốn các cấp, các ngành quan tâm, đầu tư kinh phí để khôi phục lại ngôi nhà sàn…

Trao đổi với phóng viên, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Chương Mỹ Đặng Thị Nam cho biết, năm 2021, huyện đã phê duyệt báo cáo kinh tế, kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới nhà sàn sinh hoạt cộng đồng; cải tạo, chỉnh trang nhà văn hóa và các hạng mục phụ trợ khác ở Đồng Ké với tổng mức đầu tư gần 12 tỷ đồng bằng nguồn vốn của huyện. Nhưng do nguồn ngân sách huyện còn khó khăn nên đến nay chưa triển khai được dự án.

Về ý kiến người dân Đồng Ké đề nghị mở rộng không gian sinh hoạt cộng đồng từ nhà sàn về phía điểm trường mầm non (vốn do người dân hiến đất) đang bỏ hoang, bà Đặng Thị Nam đề nghị xã Trần Phú sớm báo cáo nội dung này để huyện kiểm tra, xem xét. Bên cạnh đó, xã Trần Phú cần chủ động bố trí kinh phí truyền dạy kỹ thuật đánh chiêng, mua sắm bổ sung trang phục diễn xướng, nhạc cụ cho đồng bào…

Thực tiễn cho thấy, để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thì việc bảo tồn những mái nhà sàn sinh hoạt cộng đồng là một trong những việc quan trọng cần được cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân quan tâm. Hy vọng, tới đây, khi được chỉnh trang, tu sửa, người dân Đồng Ké sẽ được đón những Tết Độc lập nói riêng và dịp lễ, tết cổ truyền nói chung trong không gian tốt hơn, bà con nơi đây sẽ vui hơn...

Kim Nhuệ

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/mong-uoc-nho-cua-nguoi-dan-dong-ke-676621.html