Mong ước từ một cuộc thi
Mới đây, một sự kiện làm những người yêu sách, quan tâm đến văn hóa đọc cảm thấy phấn chấn. Đó là Lễ trao giải cho cuộc thi 'Viết về cuốn sách yêu thích của em' năm 2019 do báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức.
Vẫn như những năm trước, cuộc thi đã thu hút đông đảo các em học sinh phổ thông tham gia. Số lượng gần một vạn bài dự thi của các em học sinh khắp mọi miền đất nước và cả các em đang học tập ở nước ngoài gửi về tham dự trong thời gian 5 tháng đã nói lên sự thành công của cuộc thi.
"Mỗi cuốn sách đến với mỗi độc giả là đem đến một sự thay đổi. Chúng tôi vui mừng vì các em đã liên tục tìm đọc những cuốn sách mới, mở rộng văn hóa đọc của mình và tìm được những niềm tin yêu, hy vọng đẹp vào cuộc sống, nhờ sách các em nhận ra được bản thân mình cần cố gắng vươn lên ra sao trong quá trình học tập.
Lan tỏa tình yêu đọc sách, nâng cao tri thức và hướng thế hệ trẻ vươn tới lối sống tốt đẹp là điều mà suốt 9 năm qua cuộc thi đã hướng tới" - bà Lê Quỳnh Trang Tổng Biên tập báo Phụ nữ Thủ Đô chia sẻ.
“Cuốn sách “Trường Sa nơi ta đến” đã giúp em thay đổi suy nghĩ, không phải cái gì cũng lấp lánh cũng chứa đựng những màu sắc thú vị, đôi khi giản dị lại mang tới hương vị tuyệt vời. Nhờ cuốn sách này mà em hiểu về Trường Sa, thấy tự hào và yêu đất nước mình hơn, trân trọng giá trị hòa bình hơn.
Cũng nhờ thói quen đọc sách mà em biết không nên vòi vĩnh cha mẹ hay giảm bớt thời gian sử dụng điện thoại”. Cảm nhận nói trên của Tạ Ngân An đã nói lên hiệu quả của cuộc thi cũng như của thói quen đọc sách.
Phấn khởi trước sự thành công của cuộc thi, những người yêu sách, quan tâm đến việc chấn hưng văn hóa đọc, vẫn còn chút băn khoăn về một câu chuyện dường như không mấy liên quan đến cuộc thi. Ở cuộc thi lần thứ 9 này, trong gần 1 vạn bài gửi về, Ban Giám khảo đã chọn được 70 bài viết vào chung khảo và có 22 bài dự thi xuất sắc được trao giải. Em Tạ Ngân An (trường Tiểu học Lý Thường Kiệt - Hà Nội), giành Giải Nhất với bài viết về cuốn Trường Sa nơi tôi đến của tác giả Nguyễn Mỹ Hào.
Ban tổ chức cũng trao 2 giải Nhì cho em Nguyễn Quỳnh Hương (lớp 8A1, trường THCS Lương Yên, Hai Bà Trưng, Hà Nội) viết về cuốn “Không gia đình” Hecto Malor và em Nguyễn Thục Vi (lớp 12A8, trường THPT Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) viết về cuốn “Hà Nội băm sáu phố phường” (Thạch Lam) cùng 3 giải Ba, 10 giải Khuyến khích.
Nhìn vào danh mục những cuốn sách mà các em đọc, rung động viết bài dự thi, đặc biệt là những bài được giải cao, có thể thấy sự vắng bóng của những tác phẩm đương đại dành cho lứa tuổi học trò, đặc biệt là dành cho lứa tuổi thiếu nhi.
Nếu có sách cho thiếu nhi thì cũng là những tác phẩm của thời kì trước như Lá cờ thêu sáu chữ vàng, hoặc của nước ngoài như Không gia đình…Trường Sa nơi tôi đến, Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Những ngôi sao xa xôi, Bạch Thái Bưởi - Khẳng định doanh tài nước Việt… là những cuốn sách hay, nhưng ở lứa tuổi tiểu học như Tạ Ngân An và các bạn của em, xem ra các em đã phải lớn trước tuổi một chút dể có thể cảm nhận, yêu thích.
Chia sẻ đôi điều cảm nhận để nói rằng, trong khi khẳng định tác dụng to lớn của các cuộc thi nói trên trong việc phát hiện, bồi dưỡng các tài năng nhỏ tuổi trên nhiều lĩnh vực cũng như hun đúc cho các em tình yêu cái đẹp, những giá trị cao đẹp của cuộc sống, vẫn có một ước mong: Giá như các em có thể đến với cuộc thi, đến với cái đẹp, bày tỏ tình yêu cuộc sống bằng những rung động qua những tác phẩm văn học nghệ thuật phù hợp với lứa tuổi của mình thì hay biết bao nhiêu.
Cũng cần nhắc lại rằng cái mong ước này, các thế hệ học trò cách nay chừng nửa thế kỷ từng có được với những bài hát thiếu nhi, những cuốn sách của nhà xuất bản Kim Đồng.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/mong-uoc-tu-mot-cuoc-thi-352989.html