Mong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có đột phá sau hội nghị của Bộ GD
Quảng Trị kỳ vọng vào sự đột phá của ngành giáo dục và đào tạo khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ sau hội nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
LTS: Trong giai đoạn 2010 đến nay, thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, XII, XIII của Đảng và Thông báo số 108-TB/TW ngày 01/10/2012 của Bộ Chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự hỗ trợ của Trung ương và phát huy bản lĩnh, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị, ngành Giáo dục Quảng Trị đã có những bước phát triển vượt bậc.
Ngày 14/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ tại Quảng Trị.
Để có góc nhìn toàn diện về giáo dục và đào tạo của tỉnh Quảng Trị trong giai đoạn 2011 – 2022 cũng như mục tiêu phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Thị Hương – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Phóng viên: Ngày 14/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ tại Quảng Trị. Bà đánh giá thế nào về Hội nghị này?
Tiến sĩ Lê Thị Hương: Là địa phương được Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn để tổ chức một trong các Hội nghị phát triển giáo dục các vùng kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quảng Trị cảm nhận được trọng trách và có sự kỳ vọng rất lớn.
Đây là cơ hội để tỉnh Quảng Trị được gắn kết, trao đổi với các địa phương khác thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ về kinh nghiệm phát triển giáo dục và đào tạo đồng thời có những kiến nghị phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Quảng Trị tin rằng sau hội nghị này, ngành giáo dục và đào tạo vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ sẽ có bước đột phá và phát triển, đóng góp chung vào thành tựu của giáo dục và đào tạo của cả nước.
Phóng viên: Thưa bà, giai đoạn 2011 - 2022, ngành giáo dục và đào tạo tại địa phương đã và đang có những thuận lợi và khó khăn như thế nào?
Tiến sĩ Lê Thị Hương: Tỉnh Quảng Trị đã tập trung thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đáp ứng theo nhu cầu học tập gắn với vị trí việc làm và chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp tinh gọn bộ máy các trường công lập. Chất lượng đào tạo các cấp tiếp tục cải thiện, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên, giảng viên được nâng lên, đáp ứng cơ bản yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Mạng lưới trường lớp học không ngừng hoàn thiện, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ngày càng tăng.
Công tác đào tạo nghề cho người lao động, giải quyết việc làm đạt nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật tăng nhanh; gắn kết đào tạo nghề nghiệp với giải quyết việc làm, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp luôn được thực hiện với nhiều giải pháp nhằm gắn kết hơn nữa đào tạo với giải quyết việc làm cho người lao động.
Công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, bảo vệ trẻ em, các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội được ban hành, thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Các hoạt động ký kết, triển khai chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, thiết lập quan hệ với các tỉnh, tổ chức trong và ngoài nước, các hoạt động liên kết vùng tiếp tục được củng cố, đẩy mạnh và từng bước đi vào chiều sâu, góp phần quảng bá sâu rộng về thành tựu, tiềm năng kinh tế, truyền thống văn hóa, xã hội, con người tỉnh Quảng Trị; thúc đẩy liên kết hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh.
Ngành Giáo dục cũng đã chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo, các chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả, tạo hành lang pháp lý trong quá trình chỉ đạo tổ chức, thực hiện.
Từ năm học 2010-2011 đến nay, ngành Giáo dục Quảng Trị cũng đã ban hành hàng trăm văn bản lãnh đạo, chỉ đạo liên quan đến giáo dục đào tạo.
Hiện nay, mạng lưới cơ sở giáo dục của tỉnh đa dạng, có đủ các loại hình, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, được sắp xếp theo hướng tinh gọn, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư.
Hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, giáo dục đại học được đầu tư phát triển hợp lý, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập, đào tạo nguồn nhân lực trong và ngoài tỉnh.
Chất lượng giáo dục các bậc học có bước chuyển biến tích cực, số lượng học sinh giỏi, học sinh đạt điểm cao trong các kỳ thi tuyển sinh vào đại học ngày càng tăng. Công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông triển khai có hiệu quả.
Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đạt kết quả ngày càng vững chắc. Mạng lưới trường lớp được rà soát, sắp xếp ngày càng hợp lý, phù hợp thực tiễn.
Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú được quy hoạch, đầu tư xây dựng, phát triển. Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học từng bước đầu tư theo hướng kiên cố và đạt chuẩn. Việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm.
Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tăng 53,13%.
Triển khai việc đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; đổi mới kiểm tra và đánh giá kết quả học tập bảo đảm trung thực, khách quan; kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hằng năm tại tỉnh được tổ chức an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Công tác xã hội hóa giáo dục, xây dựng xã hội học tập tiếp tục được đẩy mạnh và đạt được những kết quả tích cực.
Các hoạt động hợp tác quốc tế được tăng cường. Giáo dục và đào tạo tỉnh nhà đã có những bước phát triển toàn diện và vững chắc, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2011 - 2022.
Phóng viên: Bên cạnh những thành tựu nổi bật, ngành giáo dục và đào tạo Quảng Trị đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc như thế nào, thưa bà?
Tiến sĩ Lê Thị Hương: Trong quá trình triển khai việc sáp nhập trường lớp, một số địa phương sáp nhập nhiều trường vào một trường với quy mô lớn, nhưng vẫn duy trì các điểm trường lẻ, khoảng cách giữa các điểm trường khá xa, gây khó khăn trong công tác quản lý, bố trí giáo viên, nhân viên và tổ chức các hoạt động chung.
Chất lượng giáo dục không đồng đều giữa các vùng miền và các môn học, trong đó chất lượng học tập của học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh dân tộc thiểu số còn chênh lệch với học sinh vùng thuận lợi.
Chất lượng giáo dục đại trà của một số môn học còn thấp. Công tác phân luồng học sinh sau trung học trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Hoạt động của nhiều trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên hiện nay gặp nhiều khó khăn, kém hiệu quả.
Một bộ phận học sinh chưa chăm học, thiếu ý thức tu dưỡng rèn luyện; công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để quản lý giáo dục học sinh còn thiếu chặt chẽ.
Tình trạng học sinh vi phạm nền nếp, vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra. Một số địa bàn vùng biên giới và đô thị có nguy cơ ma túy xâm nhập vào học đường…
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc dạy và học ngoại ngữ còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Nguồn kinh phí để thực hiện biên soạn chương trình giáo dục địa phương bố trí chưa kịp thời. Tài liệu thu thập để biên soạn chương trình chưa phong phú.
Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học chưa đáp ứng đủ nhu cầu; nhiều cơ sở giáo dục thiếu phòng học, phòng bộ môn, thư viện, thiết bị dạy học tối thiểu, thiết bị phòng học bộ môn; tỷ lệ nhà vệ sinh và nước sạch chưa đạt chuẩn còn cao.
Đội ngũ giáo viên ở một số nơi chưa đồng bộ về cơ cấu và vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ.
Hiện nay, các nhà trường phải thực hiện nhiều hoạt động giáo dục, thêm nhiều quy định phải tính định mức lao động, nên việc giảm định mức giáo viên/lớp, nhân viên/trường của tỉnh ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giáo dục; hầu hết các trường mầm non trong toàn tỉnh đều không có giáo viên dạy thay khi giáo viên bận công việc.
Ở một số trường, công tác bồi dưỡng thường xuyên chưa thực sự hiệu quả, chưa thể hiện rõ việc áp dụng các nội dung bồi dưỡng vào trong các hoạt động dạy học; một số đơn vị lựa chọn chuyên đề và tổ chức sinh hoạt chưa phù hợp và chưa thực sự hỗ trợ giáo viên tháo gỡ khó khăn trong dạy học.
Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tuy có nâng lên nhưng chất lượng giáo dục ở một số đơn vị chưa xứng tầm, khai thác chưa hiệu quả cơ sở vật chất, thiếu quan tâm bổ sung trang thiết bị và đầu tư chuyên môn để nâng cao chất lượng giáo dục.
Nhiều trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia đến thời điểm công nhận lại không đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định
Phóng viên: Từ những khó khăn, hạn chế đã và đang hiện hữu, Quảng Trị có kiến nghị, đề xuất gì để tạo đột phá cho sự phát triển của giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới?
Tiến sĩ Lê Thị Hương: Để tạo sự đột phá cho sự phát triển của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới, kiến nghị Chính phủ một số vấn đề cụ thể sau:
Thứ nhất: Kiến nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; phân bổ kinh phí để triển khai thực hiện Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và phổ thông giai đoạn 2017 - 2025 phê duyệt tại Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình thực hiện chính sách. Tuy nhiên, điểm trường chính của trường mầm non ở vùng đặc biệt khó khăn hầu hết là con em người dân tộc thiểu số, giáo viên mầm non dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân dân tộc thiểu số không thuộc đối tượng được hỗ trợ chính sách.
Vì vậy, đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh mở rộng thêm đối tượng giáo viên mầm non dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số ở điểm trường chính của trường mầm non công lập ở thôn đặc biệt khó khăn, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Thứ hai: Kiến nghị Chính phủ xây dựng chế độ cải cách tiền lương cho giáo viên mầm non theo đặc thù công việc của giáo viên mầm non là nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
Giáo viên mầm non thực hiện 03 nhiệm vụ: nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ với thời gian 40 giờ/tuần và mức lương giáo viên mầm non thấp so với cấp học khác.
Các bộ, ngành sớm tham mưu cho Chính phủ nâng mức lương khởi điểm khi tuyển dụng đối với viên chức phục vụ giảng dạy trong trường học.
Bởi hiện tại, khởi điểm lương của viên chức phục vụ giảng dạy trong trường học là rất thấp (1.86 hoặc 2.10), thấp hơn so với mức lương của lao động làm việc theo hợp đồng tại các doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Thứ ba: Kiến nghị Chính phủ tăng cường nguồn lực từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đầu tư cơ sở vật chất theo các chương trình, dự án để thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp theo hướng đạt chuẩn về cơ sở vật chất; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học cho các huyện miền núi, vùng biên giới, hải đảo, đảm bảo đáp ứng các điều kiện để triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Đề án tăng cường dạy học tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 và Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 - 2025.
Thứ tư: Kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 120/2020/NĐ-CP theo hướng giữ nguyên số lượng cấp phó tại các cơ sở giáo dục như định mức tại Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT. Bởi theo Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo điểm c, khoản 2, Điều 5: “…Đơn vị quy định tại điểm b, c, d, đ khoản 1, khoản 3, điểm b, c, d khoản 4 và khoản 5 Điều 2 Nghị định này được bố trí không quá 02 cấp phó…”.
Như vậy đối với các cơ sở giáo dục được bố trí không quá 02 cấp phó. Tuy nhiên hiện nay Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập quy định cấp phó đối với trường THPT có từ 28 lớp trở lên được bố trí 03 cấp phó (chưa điều chỉnh kịp thời theo Nghị định số 120/2020/NĐ-CP).
Về phía bộ, ngành Quảng Trị cũng kiến nghị với các bộ, ngành tăng cường đầu tư ngân sách phát triển giáo dục mầm non đúng với vị trí “Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, nhận thức, tình cảm xã hội và thẩm mỹ”; giao chỉ tiêu biên chế cho ngành Giáo dục đủ theo định mức đã quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, để đảm bảo đủ giáo viên/lớp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc và giáo dục trẻ tại địa phương.
Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đào tạo giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, làm cơ sở để các Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chiến lược phát triển giáo dục đào tạo địa phương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, đề nghị Ủy ban Dân tộc sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 47, Tiểu mục 2, nội dung số 2 “Đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học” tại Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Ủy ban Dân tộc: Đào tạo đại học theo hướng mở rộng đối tượng sinh viên là người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn học tại các cơ sở giáo dục đại học, để tạo điều kiện thuận lợi cho các em sinh viên là người dân tộc thiểu số không tham gia lớp đào tạo dự bị đại học nhưng trúng tuyển và theo học tại các cơ sở giáo dục đại học được hưởng chính sách của chương trình mục tiêu.
Tại khoản 3, điều 11, Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tiêu chuẩn Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng thì người được bổ nhiệm chức danh Phó Hiệu trưởng đối với trường tiểu học và trung học cơ sở phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên cấp trung học cơ sở theo quy định của Luật Giáo dục 2019 và có thời gian giảng dạy ở cấp trung học cơ sở từ 05 năm (hoặc 04 năm đối với miền núi, hải đảo, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) trở lên.
Như vậy, đối với các trường tiểu học và trung học cơ sở có 02 Phó Hiệu trưởng không thể bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng có chuyên môn đào tạo cấp tiểu học, điều này gây ra nhiều khó khăn cho công tác chỉ đạo chuyên môn đối với cấp tiểu học trong các trường tiểu học và trung học cơ sở, đặc biệt trường có trên 10 lớp thuộc tiểu học, là mô hình trường phổ biến hiện nay.
Vì vậy, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học theo hướng có cán bộ quản lý cấp tiểu học để chỉ đạo chuyên môn cấp học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các văn bản quy định tiêu chí đánh giá việc thực hiện giáo dục hướng nghiệp trong cơ sở giáo dục phổ thông; tiêu chuẩn lựa chọn người làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp trong trường phổ thông; tiêu chuẩn, tiêu chí kỹ thuật về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông; cơ chế phối hợp giữa cơ sở giáo dục phổ thông với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong định hướng nghề nghiệp và huy động nguồn lực cho giáo dục hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông.
Quan tâm đầu tư và kêu gọi các nguồn lực xã hội để sớm triển khai thực hiện chương trình kết nối nguồn lực xã hội xây dựng trường học an toàn, thân thiện giai đoạn 2021 - 2025 tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Ngân sách của địa phương còn hạn chế, chưa đảm bảo nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đáp ứng mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, đề nghị các bộ, ngành trung ương quan tâm ưu tiên phân bổ các nguồn chương trình, dự án đầu tư cho ngành giáo dục tỉnh Quảng Trị.