Moody's hạ bậc tín nhiệm Mỹ, nhà đầu tư lo ngại về triển vọng tài khóa

Việc Moody's hạ bậc tín nhiệm, sau các động thái tương tự của Fitch vào năm 2023 và Standard & Poor's vào năm 2011, sẽ dẫn đến chi phí vay cao hơn cho cả khu vực công và tư nhân ở Mỹ.

Quyết định hạ bậc tín nhiệm của Mỹ từ Moody’s đang làm gia tăng lo ngại của giới đầu tư về một “quả bom nợ” đang tích tụ và có thể kích hoạt phản ứng từ thị trường trái phiếu – nơi các nhà đầu tư có thể buộc Washington phải có trách nhiệm hơn.
Hôm 17/5, Moody’s đã hạ một bậc tín nhiệm quốc gia của Mỹ, trở thành hãng xếp hạng lớn cuối cùng thực hiện động thái này, viện dẫn lo ngại về khoản nợ quốc gia ngày càng tăng, hiện đã lên tới 36.000 tỷ USD.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh đảng Cộng hòa, hiện kiểm soát Hạ viện và Thượng viện, đang tìm cách thông qua một gói cắt giảm thuế, tăng chi tiêu và giảm các chương trình an sinh xã hội, có thể khiến nợ của Mỹ tăng thêm hàng nghìn tỷ USD.
Sự không chắc chắn về hình thức cuối cùng của dự luật, được gọi là "Big Beautiful Bill", khiến các nhà đầu tư lo lắng. Dự luật đã không vượt qua một rào cản quan trọng vào thứ Sáu, mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi sự đoàn kết xung quanh luật này.

Việc Moody’s hạ bậc tín nhiệm, sau các động thái tương tự của Fitch vào năm 2023 và Standard & Poor’s vào năm 2011, sẽ "dẫn đến chi phí vay cao hơn cho cả khu vực công và tư nhân ở Mỹ", Spencer Hakimian, người sáng lập Tolou Capital Management tại New York, cho biết.
Tuy nhiên, việc hạ bậc tín nhiệm khó có khả năng kích hoạt làn sóng bán tháo bắt buộc từ các quỹ chỉ được phép đầu tư vào chứng khoán được xếp hạng cao nhất, Gennadiy Goldberg, trưởng bộ phận chiến lược lãi suất Mỹ tại TD Securities, cho biết. Nguyên nhân là do hầu hết các quỹ đã điều chỉnh sau khi S&P hạ bậc tín nhiệm của Mỹ.
"Nhưng chúng tôi kỳ vọng nó sẽ khiến thị trường tập trung vào chính sách tài khóa và dự luật hiện đang được đàm phán tại Quốc hội", chuyên gia Goldberg chia sẻ.
Một câu hỏi đặt ra là Quốc hội sẽ phản ứng như thế nào trước việc các nguyên tắc tài khóa có thể bị phớt lờ - Scott Clemons, chiến lược gia đầu tư chính tại Brown Brothers Harriman, cho biết. Cũng theo chuyên gia này, một dự luật về chi tiêu hoang phí có thể là yếu tố khiến các nhà đầu tư không muốn mua trái phiếu Kho bạc dài hạn.
Ủy ban Ngân sách Liên bang Có trách nhiệm, một tổ chức tư vấn phi đảng phái, ước tính dự luật có thể cộng thêm khoảng 3.300 tỷ USD vào khoản nợ của đất nước đến năm 2034 hoặc khoảng 5.200 tỷ USD nếu các nhà hoạch định chính sách gia hạn các điều khoản tạm thời.
Moody’s nhận định các chính quyền kế tiếp của Mỹ đã không ưu tiên đảo ngược xu hướng gia tăng thâm hụt ngân sách và chi phí lãi vay. Hãng xếp hạng này cũng không tin rằng các đề xuất tài khóa hiện tại có thể tạo ra sự cải thiện đáng kể trong việc cắt giảm thâm hụt.
Những lo ngại tài khóa đã phần nào phản ánh vào thị trường. Anthony Woodside, Trưởng bộ phận chiến lược thu nhập cố định tại Legal & General Investment Management America, cho biết phần bù rủi ro kỳ hạn 10 năm – chỉ số đo mức lợi suất nhà đầu tư yêu cầu để nắm giữ trái phiếu dài hạn – đang gia tăng, cho thấy mối lo ngại tiềm ẩn về tình hình tài khóa. “Thị trường hiện không đặt nhiều niềm tin vào khả năng giảm thâm hụt một cách đáng kể”, ông nhận định.
Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho biết chính quyền đang nỗ lực kiểm soát lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm – hiện ghi nhận ở mức 4,44%, thấp hơn khoảng 17 điểm cơ bản so với thời điểm trước khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1.
“Chắc chắn lợi suất sẽ phản ứng nếu thâm hụt tăng vọt, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đã duy trì mức thâm hụt lớn”, Garrett Melson, chiến lược gia danh mục tại Natixis Investment Managers Solutions, bình luận.
Dù vậy, phát ngôn viên Nhà Trắng bác bỏ những lo ngại về dự luật.
Sự cấp bách gia tăng khi các thời hạn quan trọng đến gần. Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson muốn Hạ viện thông qua dự luật trước kỳ nghỉ Lễ Chiến sĩ Trận vong (26/5), trong khi Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent kêu gọi nâng trần nợ trước giữa tháng Bảy.
Chính phủ Mỹ đã chạm trần nợ vào tháng Giêng và đang sử dụng “các biện pháp đặc biệt” để tránh vỡ nợ. Ông Bessent cảnh báo ngày “X” – thời điểm Mỹ cạn tiền để hoàn trả các nghĩa vụ – có thể rơi vào tháng Tám.
Lo ngại của nhà đầu tư đã phản ánh vào thị trường: lợi suất trung bình của tín phiếu Kho bạc đáo hạn tháng Tám hiện cao hơn các kỳ hạn liền kề – dấu hiệu rõ ràng về rủi ro trần nợ.
Theo chuyên gia Michael Zezas từ Morgan Stanley, một gói tài khóa chỉ khả thi về mặt chính trị sẽ làm thâm hụt tăng thêm trong ngắn hạn và không mang lại cú hích thật sự cho nền kinh tế.
Anne Walsh, Giám đốc đầu tư tại Guggenheim Partners Investment Management, cảnh báo rằng nếu Mỹ không có kế hoạch thực chất để tái cấu trúc chi tiêu, con đường tài khóa hiện tại là không bền vững.

Phương Nga (Theo Reuters)/BNEWS/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/moody-s-ha-bac-tin-nhiem-my-nha-dau-tu-lo-ngai-ve-trien-vong-tai-khoa/373994.html