Cơ chế đột phá để hộ kinh doanh thành doanh nghiệp
Hình thức thuế khoán, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho hộ kinh doanh phát triển lên doanh nghiệp nhận được nhiều sự quan tâm, tranh luận của các đại biểu trước khi bấm nút thông qua nghị quyết vào sáng 17/5.
Khu chợ Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm có 2.000 hộ kinh doanh đang hoạt động. Ban quản lý chợ cho biết, hưởng ứng chính sách kêu gọi các hộ lên làm doanh nghiệp, ban quản lý đã thường xuyên tuyên truyền, vận động. Tuy nhiên, cả chợ đến nay cũng chỉ chỉ có ba hộ kinh doanh chuyển đổi lên thành doanh nghiệp.
Bà Lê Thị Kim Dung, hộ kinh doanh tại chợ Đồng Xuân cho biết: "Tôi chưa có suy nghĩ đó vì vấn đề thuế khóa, sổ sách giấy tờ tôi chưa theo kịp".
Ông Vũ Hà Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần chợ Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho rằng: "Bà con kinh doanh có nhiều ý kiến trái chiều. Đa phần ở đây là hộ kinh doanh nhỏ lẻ, mang tính chất gia đình. Do vậy, khi chuyển đổi lên doanh nghiệp có nhiều cái khó khăn. Thứ nhất về con người. Thứ hai về nguồn vốn. Rồi hiểu biết của các hộ về hóa đơn, thuế cũng rất đơn giản".
Nguyên nhân chính cản trở các hộ kinh doanh lên doanh nghiệp là chính sách thuế khoán. Để tạo động lực cho hộ kinh doanh, Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân quyết định bỏ thuế khoán. Đồng thời bổ sung cơ chế ưu đãi “miễn thuế thu nhập doanh nghiệp nhỏ và vừa ba năm đầu thành lập kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập”.
Tuy nhiên, cơ chế đột phá này mang đến không ít băn khoăn cho các đại biểu quốc hội. Một trong số đó là liệu có xảy ra tình trạng các doanh nghiệp dễ dàng được “khai sinh” rồi nhanh chóng “khai tử” để trục lợi chính sách hay không.
Thảo luận tại nghị trường, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn Quảng Nam nêu quan điểm rằng, doanh nghiệp muốn phát triển được, chính sách phải cần ổn định, lâu dài. Đặc biệt, chính sách không nên thay đổi trong ít nhất 10-15 năm. Theo đại biểu, nên chăng, việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho hộ kéo dài hơn con số ba năm này?
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu thực trạng, doanh nghiệp không muốn lớn, không chịu lớn thời gian qua. Vì vậy, khi chắp bút cho Dự thảo Nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân, cơ quan soạn thảo nghiên cứu rất kỹ chính sách để làm sao năm triệu hộ kinh doanh có động lực lên làm doanh nghiệp. Do vậy, lần này sẽ bỏ thuế khoán, bỏ lệ phí môn bài đồng thời tăng ưu đãi để hộ kinh doanh có động lực lên làm doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu: "Việc bãi bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh là chủ trương rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm đảm bảo minh bạch hóa hoạt động của hộ kinh doanh, tạo sự bình đẳng về chế độ thuế giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp; khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp. Qua thực tiễn cho thấy, chính sách này rất hiệu quả và cần phải được triển khai chính thức trong thời gian sớm nhất. Hiện nay, Bộ Tài chính đang chuẩn bị các điều kiện, nhất là về cơ sở về công nghệ thông tin và cơ sở vật chất cũng như các quy định để sớm triển khai".
Sau nhiều thảo luận, cân nhắc, sáng ngày 17/5, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết có hiệu lực thi hành ngay từ ngày 17/5/2025 và được xem là dấu mốc quan trọng trong tiến trình thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng về phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.