Moody's: Hiểu về rủi ro tín dụng để gia tăng lợi ích cho thị trường vốn Việt Nam

Người Việt nam có câu 'Trong Nguy có Cơ' với hàm ý thể hiện tính hai mặt của một vấn đề. Trong xu thế phát triển kinh tế đầy biến động và gia tăng liên kết toàn cầu, Moody's nhận thấy sự phát triển tích cực cùng nguy cơ gia tăng rủi ro diễn ra ngày càng phổ biến trong đó nền kinh tế Việt Nam cũng không ngoại lệ...

Ông Michael West, Chủ tịch Moody’s và bà Wendy Cheong, Giám đốc điều hành Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Moody’s tại hội nghị bàn tròn diễn ra tại Hà Nội.

Ông Michael West, Chủ tịch Moody’s và bà Wendy Cheong, Giám đốc điều hành Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Moody’s tại hội nghị bàn tròn diễn ra tại Hà Nội.

THỊ TRƯỜNG VỐN VIỆT NAM VÀ NHỮNG CƠ HỘI

Nền kinh tế phát triển đi cùng với hàng loạt rủi ro song cũng mở ra rất nhiều cơ hội. Moody’s Investors Service (Moody’s) - Tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm, nghiên cứu và phân tích tín dụng - dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,5% - 6,0% trong năm 2023 , khi chi tiêu hộ gia đình và hoạt động dịch vụ tiếp tục hồi phục. Moody’s kỳ vọng quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng sản xuất khu vực sẽ tiếp tục tạo lợi thế cho Việt Nam, giúp tăng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như thúc đẩy động lực thương mại.

Ông Michael West, Chủ tịch Moody's nhận định: "Thị trường vốn Việt Nam phát triển sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư. Dịch vụ xếp hạng tín nhiệm Moody's dựa trên những phương pháp đánh giá nghiêm ngặt và minh bạch, đã và đang đóng vai trò như một ngôn ngữ chung về xếp hạng tín nhiệm, góp phần cung cấp thông tin có chất lượng cho các thành viên tham gia thị trường để đưa ra quyết định phù hợp."

Dịch vụ xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã và đang cung cấp thông tin có chất lượng cho các thành viên tham gia thị trường đầu tư - Ông Michael West, Chủ tịch Moody’s nhận định.

Dịch vụ xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã và đang cung cấp thông tin có chất lượng cho các thành viên tham gia thị trường đầu tư - Ông Michael West, Chủ tịch Moody’s nhận định.

Với hơn 700 công ty niêm yết nhưng tới tháng 06/2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 13% GDP cho thấy tiềm năng tăng trưởng của thị trường nợ. Khả năng tăng trưởng dài hạn trong các ngành chủ lực như năng lượng, định chế tài chính, bất động sản,… kết hợp với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, là nền tảng vững chắc tạo điều kiện cho Việt Nam tận dụng cơ hội. Bà Wendy Cheong, Giám đốc điều hành Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Moody's cho biết: "Với hơn một trăm năm kinh nghiệm về đánh giá rủi ro tín nhiệm toàn cầu, cùng với sự hiểu biết sâu rộng về tiềm năng và động lực tăng trưởng của thị trường Việt Nam, Moody's có thể phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để chung tay xây dựng thị trường tài chính minh bạch và hiệu quả giúp gia tăng cơ hội phát triển cho thị trường vốn".

Bà Wendy Cheong, Giám đốc điều hành Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Moody’s.

Bà Wendy Cheong, Giám đốc điều hành Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Moody’s.

NHỮNG LỢI ÍCH ĐEM LẠI CHO NỀN KINH TẾ

Đồng hành với Việt Nam từ năm 1997 thông qua chương trình xếp hàng tín nhiệm quốc gia, Moody’s đã tham gia tích cực cả chiều rộng và chiều sâu trong lĩnh vực tín dụng của nhiều ngành nghề quan trọng như ngân hàng, bất động sản,... Đặc biệt, Moody’s tự hào cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho hầu hết các định chế tài chính và tổ chức phát hành trái phiếu quốc tế tại Việt Nam. Với bề dày kinh nghiệm và uy tín Moody’s đã trở thành tổ chức xếp hạng tín nhiệm được lựa chọn hàng đầu dành cho các nhà phát hành công cụ nợ Việt Nam khi muốn tiếp cận thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, sự phát triển của thị trường trái phiếu nội địa Việt Nam sẽ hỗ trợ nhu cầu vốn cho các dự án hạ tầng quy mô lớn, dự án phát triển bền vững và năng lượng xanh như năng lượng tái tạo. Nhờ am hiểu thị trường sâu sắc, Moody’s có thể cung cấp những đánh giá chuyên sâu dựa trên kiến thức chuyên môn và thông tin thực địa quan trọng, điển hình như công tác đánh giá sâu các thách thức và cơ hội tín dụng liên quan đến mục tiêu giảm phát thải carbon của Việt Nam, theo kế hoạch phát triển năng lượng của chính phủ (PDP 8) vừa qua.

Tại Việt Nam, Moody’s thực hiện nguyên tắc lắng nghe, trao đổi và đối thoại đa kênh và tiêu biểu nhất là hội thảo thường niên “Inside ASEAN” bắt đầu tổ chức từ năm 2018. Sự kiện tổ chức trong tháng 6 vừa qua đã mang đến nội dung sâu sắc đa chiều về triển vọng tăng trưởng kinh tế trước tình hình thắt chặt điều kiện tín dụng, căng thẳng chính trị quốc tế và rủi ro tiếp diễn trong ngành ngân hàng và bất động sản.

Tiếp nối sự kiện này, ông Michael West, Chủ tịch Moody's và bà Wendy Cheong, Giám đốc điều hành Khu vực Châu Á -Thái Bình Dương đã chủ trì hội nghị bàn tròn tại Hà Nội với sự tham gia của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và nhà đầu tư hàng đầu, cùng thảo luận xoay quanh những vấn đề phức tạp mà ngành ngân hàng, bất động sản và năng lượng tái tạo đang phải đối mặt.

Hoạt động xếp hạng tín nhiệm và nghiên cứu mang tính độc lập, nghiêm túc của Moody’s đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển dài hạn của Việt Nam. Các nhà phát hành trái phiếu có thể sử dụng đánh giá của Moody’s về khả năng thực hiện nghĩa vụ nợ theo nhiều cách khác nhau như tăng khả năng tiếp cận vốn thị trường quốc tế; khẳng định tính minh bạch; duy trì niềm tin nhà đầu tư đặc biệt trong thời điểm thị trường căng thẳng như hiện nay; hoặc giúp công ty xây dựng kế hoạch quản lý và tìm kiếm nguồn tài trợ vốn.

Khánh Huyền

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/moodys-hieu-ve-rui-ro-tin-dung-de-gia-tang-loi-ich-cho-thi-truong-von-viet-nam.htm