Morgan Stanley: 'Kinh tế toàn cầu tăng trưởng năm 2022 bất chấp lạm phát'
Theo bản Dự báo kinh tế toàn cầu năm 2022 của Morgan Stanley cho thấy, tình hình lạm phát vẫn đang gia tăng nhưng sẽ sớm được hạ nhiệt, nhường chỗ cho tăng trưởng GDP toàn cầu 4,7% vào năm 2022.
Không thể nói về triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2022 mà không đề cập đến rủi ro lớn nhất là lạm phát. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng kéo dài và tình trạng thiếu lao động trên các thị trường càng khiến giá cả tăng phi mã.
Có thể nói, lạm phát ở các nước phát triển có thể đạt mức 4,7% vào cuối năm nay. Mặc dù đây là một con số không đáng kể trong chu trình kinh tế, nhưng sẽ là một tín hiệu rõ ràng để các ngân hàng trung ương sớm tăng lãi suất và kìm hãm lạm phát.
Rủi ro lớn nhất của tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 là lạm phát. (Ảnh minh họa)
Nhận định của các chuyên gia kinh tế tại Morgan Stanley cho thấy, động lực lạm phát sẽ thay đổi theo từng quốc gia khi chuỗi cung ứng và thị trường lao động ổn định. Đồng thời đưa ra dự báo rằng, lạm phát ở các thị trường lớn sẽ “đạt đỉnh rồi hạ nhiệt” ở mức hơn 2% trong suốt năm 2022.
Về tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 được kỳ vọng lạc quan ở mức 4,7%, nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, chính sách tiền tệ được cân đối, chuỗi cung ứng được cải thiện.
Vấn đề lạm phát toàn cầu sẽ sớm đạt đỉnh và hạ nhiệt
Theo Seth Carpenter, Trưởng nhóm Kinh tế Toàn cầu tại Morgan Stanley cho biết, sự gián đoạn chuỗi cung ứng là nguyên nhân chính gây ra lạm phát gần đây. “Dựa trên các cuộc khảo sát và phản hồi từ các nhà phân tích vốn chủ sở hữu, chúng tôi tin rằng kinh tế thế giới hiện đang ở hoặc rất gần đỉnh của sự gián đoạn chuỗi cung ứng”.
Riêng ở Mỹ, nhà Kinh tế trưởng Ellen Zentner nhận định rằng, chuỗi cung ứng của Mỹ đang trên đà phục hồi và mức tăng giá hàng hóa cũng sẽ giảm dần. Các chuyên gia kinh tế Mỹ cho biết, chu kỳ đầu tư mạnh mẽ, lượng hàng tồn kho tăng lên và nhu cầu hoãn nợ sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Mỹ ở mức 4,6% vào năm 2022.Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là lạm phát các ngành đều giảm.
Zentner nói: “Giá cả tại một số hạng mục ở Mỹ (bao gồm giá nhà ở) dự kiến sẽ tiếp tục tăng để phản ánh các động lực bình thường theo chu kỳ kinh tế”.
Về nhu cầu hàng hóa tăng vọt, những hạn chế về nguồn cung và tốc độ lạm phát đang ảnh hưởng khác nhau đến từng thị trường trên toàn cầu. Tại châu Âu, ảnh hưởng của lạm phát được ví như “đang thoáng qua”. Theo các chuyên gia của Morgan Stanley, lạm phát ở châu Âu sẽ giảm từ 4,1% vào cuối năm 2021 xuống 3,1% vào quý đầu tiên của năm 2022 và cuối cùng giảm xuống dưới tỷ lệ lạm phát mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là 2%.
Jacob Nell, nhà kinh tế châu Âu cho biết: “Kinh tế châu Âu sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm tới bất chấp thị trường lao động thắt chặt. Chúng tôi kỳ vọng lạm phát lõi sẽ thấp hơn mục tiêu của ECB vào năm 2023”.
Điều này cho thấy, nền kinh tế châu Âu đang trên đà phục hồi trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm nay và sẵn sàng tăng trưởng GDP 4,6% vào năm 2022. Thị trường lao động tại khu vực này sẽ sớm sôi động trở lại và cải thiện mức chi tiêu của người tiêu dùng.
Chính sách tiền tệ được kiểm soát ở mức vừa phải
Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu giảm bớt việc mua tài sản của mình, các nhà kinh tế của Morgan Stanley cho biết Fed có thể sẽ đợi đến tháng 9/2022 để tăng lãi suất và ECB có thể giữ nguyên cho đến cuối năm 2023. Tại một số quốc gia khác trên thế giới, nhiều ngân hàng trung ương đã bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ.
“Nhưng chúng tôi không nghĩ rằng các ngân hàng sẽ đột ngột đưa lãi suất trở lại mức trung lập, chứ chưa nói đến lập trường hạn chế”, ông Carpenter nói.
Mặt khác, tốc độ đầu tư kinh doanh trên thế giới đã phục hồi nhanh hơn cả tăng trưởng kinh tế và đáng kể hơn so với những đợt suy thoái gần đây. Ông cho biết thêm: “Các khoản thu hồi do chi tiêu đầu tư thúc đẩy có thể lâu bền. Nếu đầu tư vốn mới tạo ra tiến bộ công nghệ cao hơn, thì năng suất cũng có thể được tăng cường, giảm bớt áp lực lạm phát và cho phép tăng trưởng mạnh mẽ tiếp tục”. Nếu các yếu tố này được ổn định. GDP toàn cầu sẽ vững vàng trước làn sóng dịch Covid-19.
Thị trường mới nổi ở châu Á đang “rục rịch” trở lại
Các nhà kinh tế của Morgan Stanley tin rằng, tăng trưởng thị trường mới nổi sẽ vẫn mạnh mẽ trong năm tới với GDP tăng 4,9% cho tất cả các nền kinh tế thị trường mới nổi (EM), mặc dù tốc độ tăng trưởng chậm ở Brazil (0,5%) và Nga (2,7%) đã kéo mức trung bình đi xuống.
Thực tế cho thấy, các chuyên gia kinh tế đang thấy sự lạc quan đáng kể tại các thị trường mới nổi ở châu Á, với tốc độ tăng trưởng GDP ở khu vực châu Á (không bao gồm Nhật Bản) vượt trội ở mức 5,7%. Ấn Độ và Indonesia đang phục hồi mạnh mẽ nhờ biện pháp cải cách cơ cấu, thân thiện với doanh nghiệp, thu hút đầu tư vốn mạnh mẽ và tỷ lệ tiêm chủng tăng.
“Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng một sự phục hồi tăng trưởng hoàn toàn chính thức tại châu Á. Tất cả các động lực kích hoạt và các chỉ số ổn định vĩ mô vẫn được giới hạn trong phạm vi cho phép”, ông Chetan Ahya, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của Morgan Stanley cho biết.
Ông Chetan Ahya cũng đưa ra mức dự báo tăng trưởng GDP 7,5% cho Ấn Độ vào năm 2022. Ở các nền kinh tế Bắc Á như Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), triển vọng tăng trưởng càng được củng cố hơn bởi làn sóng phát triển thương mại nội địa cùng với sự dồi dào trong nguồn cung chất bán dẫn.
Trung Quốc chạm đỉnh tăng trưởng mới
Hiện Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nước này đang gần chạm đỉnh tăng trưởng mới. Vào năm 2021, việc chính quyền Trung Quốc rút lại các chính sách hỗ trợ và thắt chặt quy định đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài sản, bất động sản, công nghệ và mục tiêu giảm khí phát thải đã làm chậm lại quá trình tăng trưởng của kinh tế đất nước tỷ dân này.
Ông Robin Xing, nhà kinh tế học tại Trung Quốc của Morgan Stanley tin rằng, tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc sẽ phục hồi lên mức 5,5% trong năm 2022. Con số này cao hơn dự báo trước đó, nhưng thấp hơn đáng kể so với thời kỳ kinh tế trước đại dịch của Trung Quốc. Sau đó, tăng trưởng GDP của quốc gia tỷ dân này có thể sẽ giảm tốc xuống mức 4,8% vào năm 2023 và duy trì ở mức trên 4% trong tương lai gần.
Ông Xing nhận định: “Triển vọng kinh tế Trung Quốc trong năm 2022 vẫn đang bị ảnh hưởng bởi nguyên nhân từ việc thắt chặt các chính sách. Nhưng chúng tôi kỳ vọng các chính sách nới lỏng trong thời gian tới sẽ khiến tốc độ phục hồi kinh tế đáng kể hơn”.