Moscow đối phó kiềng ba chân NATO dựng sau lưng
Những động thái gần đây của giới lãnh đạo NATO cho thấy, Gruzia, Armenia và Azerbaijan có thể biến thành những tiền đồn của NATO sau lưng Nga.
Theo giới truyền thông Nga, mong muốn của Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương nhằm gây bất ổn tình hình gần biên giới Nga ngày càng trở nên rõ ràng hơn sau những động thái mới đây của các nhà lãnh đạo NATO.
Theo bài viết của Reporter, sau khi Armenia bị thu hút vào quỹ đạo lợi ích của phương Tây, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã có chuyến công du tới ba thủ đô của các nước cộng hòa Transcaucasian, dường như nằm trong chiến lược tiếp tục bành trướng sang phía đông, lập thế chân kiềng sau lưng Nga.
Hôm 18/3, người đứng đầu liên minh đã tổ chức các cuộc gặp song phương tại Tbilisi, sau đó ông tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ lộ trình gia nhập NATO của Gruzia (Georgia).
Ông Stoltenberg tuyên bố rằng, ông ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Gruzia và không công nhận kết quả cuộc bầu cử ở Abkhazia và Nam Ossetia, 2 vùng lãnh thổ ly khai với Tbilisi, được Nga công nhận nền độc lập từ năm 2008 và hiện đang có mối quan hệ hết sức thân thiết với Moscow.
Nhà lãnh đạo NATO tuyên bố khối này có kế hoạch mở rộng hợp tác với Georgia và không loại trừ việc kết nạp Tbilisi gia nhập liên minh.
Trước đó, tổng thư ký của liên minh đã đến thăm Baku (thủ đô Azerbaijan), nơi ông báo cáo về cơ hội cao để Armenia và Azerbaijan đạt được hòa bình lâu dài, với sự bảo trợ của Hoa Kỳ.
Tiếp theo, người đứng đầu NATO có kế hoạch đến thăm thủ đô Yerevan, nơi ông dự định cũng sẽ đưa ra viễn cảnh tươi đẹp đối với Armenia, tương tự như những gì đã trình bày ở Baku.
Nhà khoa học chính trị người Armenia là ông Stepan Danielyan đã nói trong cuộc trò chuyện với một ấn phẩm địa phương rằng, người đứng đầu liên minh NATO đã quyết định lợi dụng sự bất ổn trong khu vực để thành lập liên minh chống Nga ở Transcaucasia và dự định biến 3 nước ở đây thành một thế chân kiềng chống Nga.
Ông Stepan Danielyan tin tưởng rằng, Stoltenberg đang cố gắng làm mọi cách để NATO có thể tiến vào khu vực một cách vững chắc và đưa ra “trò chơi địa-chính trị” với Nga, biến Yerevan thành “một con bài mặc cả” khiến khu vực sau lưng của nước Nga trở nên bất ổn.