Một bệnh nhân đột quỵ ở Ba Vì đã được cứu sống nhờ mô hình 'Bệnh viện chị - em'
Một bệnh nhân đột quỵ ở Ba Vì (Hà Nội) đã vượt qua lằn ranh sinh tử, nhờ được can thiệp kịp thời trong 'thời gian vàng' bằng cuộc điện thoại hội chẩn giữa 2 nhóm bác sĩ của 2 tuyến 'Bệnh viện chị - em'..
Mô hình “Bệnh viện chị - em” được Sở Y tế Hà Nội thực hiện thí điểm từ tháng 9/2023, đã nhanh chóng phát huy hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh ở các bệnh viện tuyến dưới, từ quản trị bệnh viện, đào tạo, hướng dẫn thực hành, phát triển chuyên môn kỹ thuật, hỗ trợ cấp cứu từ xa, cho đến ứng dụng công nghệ thông tin trong khám và điều trị cho bệnh nhân.
Đặc biệt, mô hình với 3 "Bệnh viện chị" gồm: Xanh Pôn, Tim Hà Nội và Phụ sản Hà Nội đã trực tiếp hỗ trợ toàn diện cho "Bệnh viện em" là huyện Ba Vì và Trung tâm Y tế huyện Ba Vì, đã cứu sống bệnh nhân đột quỵ đầu tiên, nhờ công tác phối hợp nhịp nhàng giữa 2 nhóm bác sĩ của 2 tuyến bệnh viện, chỉ sau một cuộc điện thoại "S.O.S" của tuyến dưới.
Bệnh nhân là ông L.H.N (65 tuổi, ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội). Trong khi đang phát biểu tại một cuộc họp ở xã thì ông N. đột nhiên cảm thấy ngón tay phải đau nhức, lan dần hết bàn tay rồi lên toàn bộ cánh tay phải. Ông cũng thấy phần nửa người phải mỏi dần, khó cử động, cầm nắm bàn tay.
Ngay lập tức ông N. được đưa đến một phòng khám tư nhân trong xã. Tại đây, bệnh nhân khai có tiền sử cao huyết áp nên được cho uống thuốc hạ huyết áp rồi về nhà theo dõi.
Sau khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ kể từ khi có dấu hiệu khởi phát đột quỵ, ông N. được đưa tới phòng cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Ba Vì. Các bác sĩ nhận định ông N. có dấu hiệu điển hình của cơn đột quỵ thể nhồi máu não.
“Vừa đẩy bệnh nhân lên phòng chụp cắt lớp vi tính (CT-Scanner), tôi vừa kết nối hội chẩn online tới các bác sĩ cấp cứu, hồi sức tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, cách bệnh viện hơn 50km. Chỉ định tiêm thuốc tiêu sợi huyết ngay tại phòng chụp CT nhanh chóng được đưa ra. Bệnh nhân sau đó ổn định, dấu hiệu đau, mỏi dần thoái lui, cảm giác bàn tay dần hồi phục” - bác sĩ Nguyễn Đức Đa - phụ trách đơn nguyên Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Ba Vì chia sẻ.
Sau khi được cấp cứu, bệnh nhân N. được đưa lên Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn chụp mạch, đánh giá tình trạng sau can thiệp, rồi đưa trở lại Bệnh viện Đa khoa Ba Vì theo dõi, phục hồi chức năng.
“Nhờ được cấp cứu kịp thời trong "thời gian vàng", chỉ sau 2 ngày điều trị, ông N. đã hồi phục hoàn toàn. Đây là bệnh nhân đột quỵ đầu tiên tại Ba Vì được can thiệp thành công ngay tại bệnh viện huyện.
"Nhiều người bệnh trong phòng cấp cứu nơi ông N. đang điều trị gọi chiếc xe đẩy có gắn màn hình máy tính, camera phục vụ hội chẩn trực tuyến ngay tại giường bệnh là "robot bác sĩ". Bởi thiết bị giản đơn này có thể giúp họ kết nối, trò chuyện với bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn ngay tại Ba Vì mà không phải di chuyển đường xa. Thầy thuốc ở Ba Vì cũng nhanh chóng gọi và báo cáo hội chẩn hàng giờ, hàng ngày với bác sĩ tuyến trên”- TS. Đỗ Đình Tùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn chia sẻ.
Cũng theo TS. Đỗ Đình Tùng, từ tháng 9/2023 đến nay, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã hỗ trợ, hướng dẫn Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì cải tiến quy trình khám, chữa bệnh; tư vấn thành lập đơn nguyên cấp cứu và đơn nguyên sơ sinh; triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; hàng ngày đọc kết quả online phim X-quang, phim chụp cắt lớp vi tính, phim chụp cộng hưởng từ (MRI); thiết lập phòng hội chẩn online; quản lý bệnh nhân mắc bệnh mãn tính không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường...
"Nhờ hệ thống khám bệnh từ xa được thiết lập từ một tháng nay, bác sĩ từ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn thường xuyên hội chẩn với các thầy thuốc Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì và các phòng khám khu vực ở Minh Quang, Tản Lĩnh và Bất Bạt. Trong các cuộc hội chẩn trực tuyến này, bệnh nhân được tham gia, nói chuyện cùng bác sĩ. Bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn được khám ra sao, kê đơn thuốc nào thì bệnh nhân ở các trạm y tế xã, bệnh viện huyện ở Ba Vì cũng vậy" - TS. Đỗ Đình Tùng nói.