Một bộ phận cán bộ có thể làm việc tại trụ sở tỉnh Quảng Trị hiện nay

Sau sáp nhập, một số cán bộ có thể làm việc tại trụ sở tỉnh Quảng Trị nhằm tận dụng cơ sở vật chất, tránh lãng phí và bảo đảm hoạt động thông suốt.

Một số cơ quan, trụ sở làm việc tại TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình cơ bản đáp ứng yêu cầu cho bộ máy hành chính sau hợp nhất, sáp nhập hai tỉnh - Ảnh Hoàng Phúc

Một số cơ quan, trụ sở làm việc tại TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình cơ bản đáp ứng yêu cầu cho bộ máy hành chính sau hợp nhất, sáp nhập hai tỉnh - Ảnh Hoàng Phúc

Ngày 27-5, Ban Chỉ đạo hợp nhất đơn vị hành chính hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị - cho biết ông Lê Ngọc Quang - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo - đã ký kết luận chỉ đạo nhiệm vụ cụ thể nhằm chuẩn bị cho giai đoạn sáp nhập quan trọng sắp tới.

Một trong những nội dung đáng chú ý là khả năng bố trí một phần cán bộ, công chức làm việc tại trụ sở hiện nay của tỉnh Quảng Trị, nhằm tận dụng tối đa hạ tầng, tránh lãng phí sau khi 2 tỉnh hợp nhất.

Ban Chỉ đạo yêu cầu Đảng ủy UBND tỉnh Quảng Bình chủ trì, phối hợp với Đảng ủy UBND tỉnh Quảng Trị, khẩn trương rà soát toàn bộ hệ thống trụ sở, tài sản công và nhu cầu sử dụng của các đơn vị trên địa bàn 2 tỉnh. Trên cơ sở đó, xây dựng phương án bố trí sử dụng tiếp hoặc xử lý trụ sở dôi dư, bảo đảm hiệu quả và tránh lãng phí nguồn lực.

Việc hoán đổi trụ sở hoặc sử dụng chung nhà, đất giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã... cũng được đề xuất để tận dụng tối đa cơ sở hiện có. Các trụ sở không còn nhu cầu sử dụng có thể chuyển đổi công năng phục vụ cộng đồng như: trường học, trạm y tế, thư viện, công viên, trung tâm văn hóa – thể thao

Với những cán bộ từ tỉnh Quảng Trị được điều động ra làm việc tại Đồng Hới (Quảng Bình), Ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ quan liên quan chuẩn bị nhà ở công vụ phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ yên tâm công tác.

Riêng về tổ chức bộ máy, Ban Chỉ đạo thống nhất cần rà soát kỹ mô hình các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, xã, số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức… để sau khi có nghị quyết chính thức của cấp có thẩm quyền, có thể tiến hành bố trí, sắp xếp nhân sự đồng bộ, phù hợp.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang giao thủ trưởng các cơ quan tỉnh Quảng Bình chủ trì phối hợp với thủ trưởng các cơ quan tương ứng của Quảng Trị, xây dựng phương án hợp nhất bộ máy, đồng thời lên kế hoạch bố trí trụ sở, trang thiết bị, cơ sở vật chất để đảm bảo hoạt động của cơ quan sau sáp nhập diễn ra thông suốt, không gián đoạn.

Đặc biệt, tùy tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ của bộ máy chính quyền sau hợp nhất, Ban Chỉ đạo nhấn mạnh có thể xem xét bố trí một số cơ quan, đơn vị tiếp tục làm việc tại trụ sở hành chính tỉnh Quảng Trị hiện nay, nhằm đảm bảo hiệu quả triển khai nhiệm vụ chung.

Riêng về lĩnh vực đối ngoại, Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị được giao chủ trì xây dựng phương án phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình. Trước đó, từ đầu năm 2025, Sở Ngoại vụ Quảng Bình đã kết thúc hoạt động, chuyển giao toàn bộ chức năng, nhiệm vụ và nhân sự về Văn phòng UBND tỉnh.

HOÀNG PHÚC

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mot-bo-phan-can-bo-co-the-lam-viec-tai-tru-so-tinh-quang-tri-hien-nay-196250527173406387.htm