Một cái tết an lành đúng nghĩa
- Chưa năm nào tôi được hưởng trọn không khí tết như năm nay ông ạ!
- Thần thái ông rất vượng, báo hiệu những điều tốt lành trong năm mới đây!
- Ôi dào, là do tết năm nay không phải uống như hà mã thôi!
- Uống hay không là tùy mình, sao lại “phải” uống?
- Ông biết thừa còn hỏi! Những năm trước, tôi chìm ngập trong những cơn say kể từ ngày ông Táo về trời. Mấy ngày tết càng tệ, tới đâu cũng bị ép uống từ rượu thuốc đến rượu tây, rượu nút lá chuối cùng các loại bia trộn lẫn nên rất đuối sức. Tỉnh rượu lại phải nghe vợ con càm ràm, trách móc. Chẳng ai hiểu giùm là tôi cũng rất mệt và không hề muốn uống nhiều như thế.
Đó là đoạn đối thoại giữa chồng tôi với anh bạn thân vào sáng mồng ba tết. Vui lây cùng hai người, tôi nói chen vào:
- Bệnh đau dạ dày của ảnh (chồng tôi) cũng đỡ hẳn do hạn chế uống bia, rượu. Năm ngoái mới mồng năm tết đã phải nhập viện vì chảy máu dạ dày anh ạ!
Thế là cả ba người, vợ chồng tôi và bạn của chồng tôi đều thấy vui vì tết năm nay không phải trần mình với bia rượu.
Đã từ lâu, rượu bia là thức uống không thể thiếu trong cuộc sống của người Việt. Đã có những ví von rất thú vị: “Vô tửu bất thành lễ” (không có rượu lễ nghi sẽ không thành) hay “Nam vô tửu như kỳ vô phong” (đàn ông thiếu rượu như cờ thiếu gió)... Không thể chối bỏ trong nhiều trường hợp, cuộc sống thăng hoa hơn nhờ có bia rượu. Trong các dịp liên hoan, lễ hội, cưới hỏi, khai trương… không thể thiếu chất “xúc tác” quan trọng này. Ngày tết, bia, rượu càng không thể thiếu. Nhưng rồi sự lạm dụng rượu, bia đã gây nên những hậu quả khôn lường, nhiều gia đình rơi vào cảnh bi đát do có người thân ham uống hoặc nghiện rượu, bia rồi bị tai nạn khi chạy xe, khi lao động hoặc gây tai nạn cho người khác. Tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông tại Việt Nam cao nhất thế giới mà nguyên nhân chủ yếu do bia, rượu... Đó là lý do để Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm nồng độ cồn đối với người sử dụng phương tiện khi tham gia giao thông.
Ban đầu, việc thực hiện Nghị định số 100 không được một bộ phận người dân (chủ yếu là nhóm nam giới độ tuổi trung niên) đồng tình. Họ viện rất nhiều lý do, rằng “văn hóa rượu, bia” của người Việt đã có từ lâu đời, không thể nói bỏ là bỏ; rằng tửu lượng mỗi người mỗi khác nên không thể sử dụng chung một mức đo nồng độ cồn; rằng Nghị định số 100 gây nên suy thoái kinh tế khi ngành bia, rượu và ngành kinh doanh ăn uống không còn đất sống, kéo theo các dịch vụ khác cũng “chết” theo... Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện quyết liệt, đồng bộ, tình trạng sử dụng rượu, bia quá đà đã giảm rõ rệt, nhất là dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn. Lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của việc giảm tiêu thụ rượu, bia đã được người dân đón nhận và thích nghi. Thói quen “lai rai” ở nhiều người đã giảm hẳn. Những buổi họp mặt của nhóm bạn, hội lớp, hội khóa, hội đồng hương... cuối năm với bia, rượu cũng thưa dần. Trong các quán ăn, nhà hàng, việc từ chối uống rượu, bia đã trở nên bình thường, được cảm thông, không còn cảnh ép nhau uống như trước. Nhiều cơ quan, đơn vị chuyển số kinh phí dự kiến liên hoan cuối năm sang chăm lo tết cho nhân viên hoặc tham gia công tác từ thiện xã hội.
Uống rượu, bia ít, thậm chí không uống hoàn toàn không làm cho cuộc vui kém đi. Ngược lại, thời gian để quan tâm gia đình, bè bạn nhiều hơn; sức khỏe, tinh thần cũng tốt hơn... Đó là thừa nhận của chính người trong cuộc - những người thường xuyên phải uống bia, rượu do bị ép. Đáng mừng nhất là tỷ lệ tai nạn giao thông trong mấy ngày tết vừa qua đã giảm rất đáng kể so với trước. Và người dân đã đón một cái tết an lành thực sự. Nhiều năm trước, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP về việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi ngồi xe môtô, xe máy, đã có hàng ngàn lý do được trình bày. Bây giờ, bất cứ ai ngồi xe máy ra đường mà không đội mũ bảo hiểm sẽ thấy mình “chả giống ai”. Với tất cả những lợi ích mang lại, hy vọng Nghị định số 100/2019/NĐ-CP sẽ sớm được người dân đồng thuận và tự giác thực hiện!
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/154360/mot-cai-tet-an-lanh-dung-nghia