Một chai nước ngọt chứa 30 thìa cà phê đường: Doanh nghiệp sản xuất lập lờ nhãn mác

Một chai nước ngọt có ga 1.500ml của một hãng nước ngọt nổi tiếng toàn cầu chứa tới 157g đường - khoảng 30 thìa cà phê đường, song thông tin trên sản phẩm lại ghi là: 100ml chứa 10,5g đường, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình).

Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình).

Góp ý về dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi), đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) nêu thực tế, đã có nhiều nghiên cứu chứng minh đường fructose gây tác hại đến các rối loạn chuyển hóa và bệnh không lây nhiễm. Tuy nhiên, việc ghi hàm lượng đường trên nhãn mác các sản phẩm nước uống giải khát rất lập lờ, né tránh, gây hiểu lầm. Nhiều doanh nghiệp "né" việc ghi hàm lượng đường bằng cách ghi như sau: xiro từ Ngô, HFCS, đường lỏng. Thậm chí, nhiều nhãn sản phẩm còn không ghi riêng hàm lượng đường, mà chỉ ghi chung trong carbohydrate tổng.

"Hiện nhiều loại nước ngọt có ga chỉ ghi hàm lượng đường trong 100ml trên nhãn thông tin về sản phẩm. Ví dụ, một chai nước ngọt có ga 1.500ml lại ghi thông tin trên sản phẩm là 100ml chứa 10,5g đường. Với cách ghi trên, nếu không đọc kỹ thì nhiều người sẽ nhầm là cả chai nước ngọt đó chỉ chứa hơn 10g đường. Tuy nhiên, nếu đọc và tính toán kỹ thì 1 chai nước ngọt có ga 1.500ml chứa tới 157g đường, tức khoảng 30 thìa cà phê đường. Đây là vấn đề hết sức nguy hiểm", đại biểu Trần Khánh Thu cảnh báo.

Xuất phát từ thực tế này, đại biểu đề nghị bỏ nội dung quy định Tại điểm b khoản 3 Điều 19 dự thảo Luật Quảng cáo (quy định: "Các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì sản phẩm theo quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng….” ) vì điều khoản này gây khó hiểu, có thể tạo ra cách hiểu là những nội dung này không chịu tác động của Luật quảng cáo. Trong khi đó, bản chất quy định ghi nhãn mác để minh bạch hóa sản phẩm nhưng là hình thức quảng cáo giới thiệu sản phẩm được nhanh nhất.

Cũng liên quan đến hàm lượng đường trong nước giải khát, trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, Chính phủ đề xuất bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Dự thảo trình Quốc hội kỳ này đã chỉnh lý theo hướng quy định lộ trình thực hiện, từ năm 2027 áp dụng thuế suất 8%, từ năm 2028 áp dụng thuế suất 10% (đề xuất ban đầu là 10% từ năm 2026).

Theo đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai), hơn 21 triệu người Việt trưởng thành mắc bệnh tim mạch tương đương một phần tư dân số nước ta, trong đó 200.000 người chết mỗi năm vì bệnh không lây nhiễm này. Ngoài ra, có hơn 5 triệu người Việt đang sống chung với tiểu đường. 40 % trẻ em thành thị bị thừa cân, béo phì và đồ uống có đường vốn không có giá trị dinh dưỡng đáng kể lại là một trong số ít thủ phạm chính. Việc tiêu thụ đồ uống có đường ngày càng nhiều còn có khả năng gia tăng nguy cơ ung thư. Tính đến năm 2024, Việt Nam có hơn 360.000 người đang mắc bệnh ung thư, mỗi năm có khoảng 180.000 ca mắc mới và hơn 120.000 ca tử vong,

Trong khi đó, mức tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam đã tăng phi mã từ 1,59 tỷ lít năm 2009 lên tới 6,67 tỷ lít năm 2023, tương đương mức tăng 420%. Trung bình mỗi người Việt tiêu thụ hơn 70 lít một năm, gấp đôi mức khuyến nghị để đảm bảo sức khỏe. Không kể sản xuất trong nước, giá trị nhập khẩu loại đồ uống này cũng tiếp tục tăng qua các năm. D

Với những con số đáng báo động này, đại biểu cho rằng, nếu không hành động ngay, trong tương lai Việt Nam sẽ phải trả giá bằng ngân sách y tế, bằng năng suất lao động và bằng chính sinh mệnh của người dân.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo Việt Nam, một trong số các quốc gia tiêu thụ nước ngọt ngày càng lớn, nguy cơ béo phì cao, cần "đánh thuế càng sớm, càng cao càng tốt với nước giải khát có đường".

Theo số liệu của WHO, mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 46,5% đường tự do một ngày, phần lớn trong số này đến từ nước giải khát có đường. Đây là nguyên nhân gây béo phì, thừa cân. Tổ chức này khuyến nghị Việt Nam áp thuế tối thiểu 20% với nước ngọt. Hiện 107 quốc gia trên thế giới, riêng khu vực ASEAN có 7 nước đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này - Bộ trưởng thông tin.

“Từ thực tiễn thế giới và thực trạng của Việt Nam, cá nhân tôi nghĩ rằng đáng lẽ phải đánh thuế sớm hơn, đến giờ phút này cũng đã muộn rồi, không thể để đến lúc thế hệ con em của chúng ta béo phì, bệnh tật rồi chúng ta mới bàn", Bộ trưởng Thắng nêu quan điểm.

T.L

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/mot-chai-nuoc-ngot-chua-30-thia-ca-phe-duong-doanh-nghiep-san-xuat-lap-lo-nhan-mac-d281751.html