Một chặng đường thay đổi nhận thức người tiêu dùng

Không chỉ được người tiêu dùng (NTD) 'ưu tiên' vì xuất xứ trong nước, nhiều thương hiệu Việt đã chinh phục được thị trường nội địa bởi chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh. Cùng với đó, các chương trình quảng bá hàng Việt từng bước đi vào chiều sâu, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững.

Sau hơn 10 năm thực hiện, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (CVĐ) đã đi vào chiều sâu, tạo được sự lan tỏa đến người dân, doanh nghiệp (DN), địa phương, đạt kết quả khả quan thúc đẩy tỷ lệ hàng Việt Nam trong hệ thống phân phối hàng hóa trên cả nước.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, có 92% NTD bày tỏ sự quan tâm tới CVĐ; 63% NTD xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên lựa chọn hàng Việt. Hiện, hàng Việt chiếm tỷ lệ cao trên thị trường nội địa, từ 80 - 90% tại các kênh phân phối hiện đại và từ 60% trở lên tại các kênh bán lẻ truyền thống.

Người tiêu dùng từ “ưu tiên” đến “tự hào” sử dụng hàng Việt

Người tiêu dùng từ “ưu tiên” đến “tự hào” sử dụng hàng Việt

6 tháng đầu năm 2020, dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giảm 1,78% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa vẫn tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.

Qua đó cho thấy, nhận thức, hành vi sản xuất, kinh doanh và NTD Việt Nam đã có sự chuyển biến thành hành động, thành văn hóa sản xuất và tiêu dùng hàng Việt.

Hiện nay, trong bối cảnh Việt Nam tham gia hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, hướng đến một nền kinh tế mở, kéo theo sự cạnh tranh tăng cao tại thị trường trong nước, các chuyên gia nhận định, CVĐ cần thay đổi tâm thế để chuyển thành Cuộc vận động "Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam" hay "Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam".

Chính vì vậy, Bộ Công Thương đã và đang tăng cường các hoạt động kết nối, quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng Việt Nam tại thị trường trong nước, nhằm nâng cao vị thế cạnh tranh của hàng hóa Việt, đồng thời hỗ trợ NTD và DN ứng phó với ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Một trong những hoạt động trọng điểm đẩy mạnh Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ là Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi "Tự hào hàng Việt Nam" được tổ chức thường niên trên quy mô toàn quốc.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết: "Nếu như trước đây, chúng ta thường tuyên truyền, vận động NTD ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, thì chương trình năm nay chuyển sang một nội dung, hình thức làm mới, hướng tới NTD tự hào sử dụng hàng Việt Nam, các DN tự hào sản xuất cũng như cung ứng hàng Việt Nam".

Về phía DN, ông Phạm Bá Toàn - Giám đốc dự án Công ty CP Cơ điện Thủ Đức - nhận định: Chương trình của Bộ Công Thương đã tác động rất tích cực đến các DN nội địa khi tính liên kết, hợp tác giữa các DN đang ngày một phát triển. Hiện nay, Công ty Cơ điện Thủ Đức đã cho ra đời các sản phẩm đáp ứng được đầy đủ tiêu chí chất lượng, do vậy các DN trong nước không cần phải lựa chọn sản phẩm của các đối tác nước ngoài.

"Tỷ lệ nội địa hóa trong ngành điện hiện lên đến 70 - 80%, qua đó đẩy nhanh tiến độ công trình, dự án cũng như giá thành cạnh tranh hơn so với trước đây"- ông Toàn chia sẻ.

Để phát huy sức mạnh của hàng Việt trên thị trường nội địa, Bộ Công Thương sẽ triển khai các chương trình, hoạt động rộng khắp, nhằm tăng cường quảng bá các sản phẩm Việt, giúp NTD biết đến các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có uy tín, chất lượng tốt và yên tâm khi dùng hàng Việt.

Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm, Tuần lễ hàng Việt Nam sẽ được thực hiện với nhiều hoạt động trải nghiệm, kích cầu tiêu dùng tại 64 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Nguyễn Mai - Hoàng Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/mot-chang-duong-thay-doi-nhan-thuc-nguoi-tieu-dung-141595.html