Một chính sách kịp thời đáp ứng nhu cầu mùa khô hạn
Nhằm đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững, trong đó chính sách về phát triển thủy lợi được tỉnh quan tâm nhất trong điều kiện tỉnh nằm trong vùng khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên bị hạn hán. Thực hiện Nghị quyết số 69/2022/NQ-HĐND, ngày 18/10/2022 của HĐND tỉnh kịp thời hỗ trợ cho các địa phương phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh.
Sau nhiều năm thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương (KCHKM) theo Nghị quyết số 27/2016/NQHĐND ngày 14/12/2016 của HĐND tỉnh về Chương trình KCHKM tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025, đến năm 2021, toàn tỉnh đã đảm bảo cấp nước tưới cho khoảng 85% diện tích đất trồng lúa nước. Trong giai đoạn này, tổng chiều dài kênh mương được KCH là hơn 280 km. Chương trình KCHKM góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng thủy lợi đảm bảo phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp đến năm 2021 là: Tăng diện tích tưới vụ đông xuân lên 25.800 ha lúa, vụ hè thu là 23.300 ha; cung cấp nước nuôi trồng thủy sản tăng lên 1.978 ha; bổ sung nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Hệ thống kênh mương sau khi được KCH đã rút ngắn thời gian tưới, hạn chế rò rỉ; tiết kiệm nước, công quản lý tưới trở nên thuận lợi; giảm chi phí trong sản xuất (giảm 30% tiền điện đối với các trạm bơm điện; giảm 20% chi phí sửa chữa thường xuyên công trình). Hệ thống tưới được nâng cấp, từng bước hoàn chỉnh, là hạ tầng quan trọng hỗ trợ triển khai hiệu quả ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho cây trồng cạn.
Năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 2.530 ha đất nông nghiệp được áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước, trong đó hơn 230 ha cây trồng cạn được áp dụng các biện pháp tưới phun mưa, tưới rảnh, tưới nhỏ giọt; giảm thời gian tưới luân phiên giữa các đợt tưới (từ 20-22 ngày/phiên tưới, xuống còn 15-17 ngày/phiên tưới); tạo tiền đề đưa giống lúa mới có chất lượng cao vào sản xuất; rút ngắn thời vụ nên lách tránh và giảm thiệt hại do úng lụt gây ra, đảm bảo mùa vụ ăn chắc.
Thực hiện chương trình KCHKM cũng tạo được phong trào toàn dân tích cực tham gia làm thủy lợi, vệ sinh đồng ruộng, phát huy sức mạnh cộng đồng trong quản lý, bảo vệ và khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi; huy động các nguồn vốn hưởng ứng triển khai thực hiện chương trình.
Ngoài những hiệu quả mang lại trong sản xuất, chương trình KCHKM còn góp phần chỉnh trang bộ mặt nông thôn như: hệ thống kênh mương sau khi điều chỉnh gắn với quy hoạch, sắp xếp lại vùng sản xuất, do kết hợp bờ kênh với các trục giao thông nội đồng, liên vùng thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, tiết kiệm hàng chục héc ta đất xây dựng công trình, góp phần hoàn thiện tiêu chí thủy lợi trong chương trình xây dựng NTM...
Tuy nhiên, công tác KCHKM giai đoạn 2016-2021 mới chỉ đạt tỉ lệ 44,55% so với kế hoạch đề ra. Thực tế đó cho thấy việc bố trí nguồn vốn thực hiện KCHKM trong giai đoạn này rất thấp, chủ yếu là nguồn vốn các dự án ODA, kinh phí hỗ trợ giá dịch vụ thủy lợi, đất trồng lúa và đóng góp của Nhân dân, các nguồn vốn khác không có hoặc chưa được bố trí, vốn vay ưu đãi hằng năm không có. Các tuyến kênh nội đồng chưa được KCH còn lớn.
Trong khi đó, thiên tai xảy ra thường xuyên và bất thường dẫn đến tình trạng xuống cấp do công trình sử dụng lâu năm càng trở nên hư hỏng nghiêm trọng. Việc xây dựng hệ thống kênh mương chưa đồng bộ so với quy hoạch chỉnh trang đồng ruộng; kênh mương chủ yếu đi theo tuyến cũ thiếu tính tổng thể và không hợp lý. Bên cạnh đó, một số đồng ruộng bán sơn địa, manh mún, việc sắp xếp, bố trí khu vực, vùng sản xuất thiếu tính tập trung, khoa học gây khó khăn trong việc phát triển hệ thống tưới đồng bộ...
Trước những khó khăn đó, chính sách mới được HĐND tỉnh ban hành theo Nghị quyết số 69 tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để phát triển chương trình KCHKM, thủy lợi nhỏ, tưới tiết kiệm. Theo đó, các hạng mục được tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng là: công trình tích trữ nước thủy lợi; công trình cống và KCHKM; hỗ trợ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Mức hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình tích trữ nước cụ thể là: tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình tích trữ nước được miễn tiền thuê đất khi nhà nước cho thuê đất xây dựng công trình; hỗ trợ 100% chi phí thiết kế và chi phí máy thi công đối với các tổ chức thủy lợi cơ sở đầu tư xây dựng công trình tích trữ nước ở các xã khu vực I, II, III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi theo quy định; hỗ trợ 70% chi phí thiết kế và chi phí máy thi công đầu tư xây dựng công trình tích trữ nước ở các xã vùng đồng bằng, gò đồi.
Hỗ trợ 90% tổng giá trị đầu tư xây dựng công trình đối với các tổ chức thủy lợi cơ sở ở các xã khu vực I, II, III thuộc vùng DTTS và miền núi; hỗ trợ 70% đối với các tổ chức thủy lợi cơ sở ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển theo quy định; hỗ trợ 50% tổng giá trị đầu tư xây dựng công trình đối với các tổ chức thủy lợi cơ sở ở các xã vùng đồng bằng.
Đối với tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn được hỗ trợ 50% chi phí vật liệu, máy thi công và thiết bị để đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, mức hỗ trợ tối đa không quá 40 triệu đồng/ha và hỗ trợ 50% chi phí để san phẳng đồng ruộng, mức hỗ trợ tối đa không quá 10 triệu đồng/ha.
Nguồn vốn triển khai chương trình này được thực hiện từ ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương thông qua chương trình, dự án trực tiếp hoặc lồng ghép các chương trình, dự án có liên quan; nguồn vốn chương trình xây dựng NTM; nguồn vốn từ ngân sách tỉnh, ngân sách cấp huyện và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Chính sách hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn theo Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh là một chính sách đúng đắn, phù hợp, đáp ứng kịp thời nhu cầu phục vụ nước sản xuất và sinh hoạt cho nông dân trong mùa nắng nóng.
Ngay sau khi ban hành chính sách, các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện và được Nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần vào việc nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng - vật nuôi, cải thiện đời sống Nhân dân vùng nông thôn.