Một chính sách mới về chăm lo người có công với cách mạng

Tại kỳ họp thứ 15 vừa qua, HĐND tỉnh khóa XV đã thông qua Nghị quyết quy định hỗ trợ điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung người có công với cách mạng và thân nhân liệt sỹ trên địa bàn tỉnh. Đây là một chính sách mới ra đời đúng thời điểm và hợp lòng dân.

Chăm sóc sức khỏe người có công tại Trung tâm điều dưỡng Người có công tỉnh.

Chăm sóc sức khỏe người có công tại Trung tâm điều dưỡng Người có công tỉnh.

Trong những năm qua, công tác giải quyết chính sách và chăm sóc người có công với cách mạng luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm đặc biệt. Ngoài việc giải quyết đúng, đủ chính sách theo quy định của Trung ương, tỉnh còn ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho người có công, điển hình là chính sách đặc thù để xóa hộ nghèo là người có công với cách mạng, vì thế đời sống của người có công và gia đình người có công trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện rõ nét.

Cùng với đó, tỉnh đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người có công, nhất là công tác điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung, vừa nhằm chăm sóc sức khỏe về thể chất và tinh thần cho người có công, vừa là dịp ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc.

Qua đó, người có công có điều kiện được giao lưu, gặp gỡ đồng đội, thăm lại chiến trường xưa, được thăm các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, các căn cứ kháng chiến cũ... Nhờ đó, sức khỏe tinh thần được tăng lên, giúp họ tiếp tục sống vui, sống khỏe, sống thọ, sống có ích, tiếp lửa cho thế hệ trẻ tiếp tục sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Qua sự quan tâm, chăm sóc ấy đã phần nào giúp họ bù đắp được những nỗi đau, mất mát do chiến tranh để lại, đồng thời thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc ta.

Hiện toàn tỉnh có 14.448 đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ được điều dưỡng phục hồi sức khỏe; hàng năm thực hiện điều dưỡng cho trên 7.000 đối tượng người có công với cách mạng với 2 hình thức do đối tượng tự chọn là điều dưỡng tại nhà và điều dưỡng tập trung.

Tuy nhiên người có công đi điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh còn thấp: Năm 2018 là 879 người, năm 2019 là 1.158 người, năm 2020 là 841 người, năm 2021 là 228 người, năm 2022 là 898 người.

Nguyên nhân chính là do trước đây việc thực hiện điều dưỡng tập trung được thực hiện ở các cơ sở điều dưỡng ngoài tỉnh do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đầu tư đã lâu nên cơ sở vật chất xuống cấp, số giường không đủ đáp ứg yêu cầu điều dưỡng, các hoạt động điều dưỡng không phong phú (không có hoạt động giao lưu, tham quan, chỉ ăn, nghỉ tại nơi điều dưỡng).

Từ năm 2019 đến nay, Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh Ninh Bình được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đầu tư với nguồn kinh phí trên 70 tỷ đồng, quy mô tiếp nhận đạt 3.600 lượt người/năm với đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ cán bộ tâm huyết, có chuyên môn; việc chăm sóc sức khỏe, điều kiện ăn, ngủ tại Trung tâm điều dưỡng Người có công tỉnh Ninh Bình được nâng lên.

Tuy nhiên, số lượng đối tượng tham gia điều dưỡng tập trung vẫn chưa cao, do còn thiếu những chính sách động viên, thu hút người có công với cách mạng đi điều dưỡng tập trung, như: không có quà tặng; chi phí tổ chức đi tham quan du lịch theo quy định của Trung ương thấp, không đủ để tổ chức đưa người có công đi tham quan tại những địa điểm danh lam, di tích có thu phí...

Các hoạt động thể dục thể thao được tổ chức vừa để nâng cao đời sống tinh thần vừa rèn luyện sức khỏe cho các đối tượng tham gia điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung.

Trước thực trạng trên, ngày 4/7/2023, UBND tỉnh đã có Tờ trình số 133/TTr-UBND về việc ban hành Nghị quyết Quy định hỗ trợ điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và đã được HĐND tỉnh khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 15.

Theo đó, người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ khi điều dưỡng tập trung, ngoài được hưởng mức hỗ trợ do ngân sách Trung ương đảm bảo, còn được tỉnh hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người/đợt điều dưỡng, gồm: Hỗ trợ tiền ăn ngày đầu tập trung điều dưỡng với mức 100.000 đồng/nguời/đợt; Hỗ trợ thêm tiền tham quan với mức 200.000 đồng/người/đợt; Tặng quà riêng của tỉnh bằng tiền mặt là 700.000 đồng/người/đợt.

Mục tiêu của Nghị quyết nhằm nâng tỷ lệ điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ lên khoảng 40% (tương ứng 2.750 người) trên tổng số 7.000 người đủ điều kiện được hưởng chính sách điều dưỡng hàng năm.

Đón nhận thông tin này, nhiều thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đã rất vui mừng, phấn khởi. Ông Đặng Văn Lương, bệnh binh trên địa bàn xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư cho biết: Phần vì do công việc gia đình, vì phần do sức khỏe, nên tôi mới đi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung được 2 lần, gần đây nhất là năm 2022 tại Thanh Hóa. Tôi thấy các chế độ ăn ở, chăm sóc khá chu đáo, cẩn thận, nhưng các điểm đến trong chương trình điều dưỡng chưa được đa dạng.

Được tin HĐND tỉnh vừa thông qua Nghị quyết hỗ trợ thêm kinh phí điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung, tôi rất vui vì những năm sau sẽ được hưởng thêm những điều kiện tốt hơn về cơ sở vật chất và có điều kiện đi nghỉ dưỡng ở nhiều điểm hơn khi tham gia các đợt điều dưỡng tập trung. Tôi coi đó là nguồn động viên để tiếp tục sống vui, sống khỏe; mong rằng Nghị quyết sẽ sớm được ban hành và đi vào cuộc sống.

Đồng chí Trịnh Văn Thể, Phó trưởng phòng Người có công, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng: Các chính sách từ Nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua đã đáp ứng kịp thời nguyện vọng chính đáng của người dân, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và thân nhân gia đình chính sách.

Sau khi Nghị quyết chính thức được ban hành, chúng tôi sẽ nhanh chóng tham mưu với lãnh đạo Sở tổ chức hướng dẫn các huyện, thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết; yêu cầu phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố triển khai thực hiện; đồng thời tiến hành chi trả các chế độ, chính sách đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định.

Các đối tượng được hưởng hỗ trợ bao gồm: người có công (Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8/1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12/1993; người hưởng chính sách như thương binh; Bệnh binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày; Người có công giúp đỡ cách mạng (là đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng); Thân nhân liệt sĩ (cha đẻ, mẹ đẻ của liệt sĩ; người có công nuôi liệt sĩ; vợ hoặc chồng của liệt sĩ; con liệt sĩ đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng).

Bài, ảnh: Kiều Ân

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/mot-chinh-sach-moi-ve-cham-lo-nguoi-co-cong-voi-cach-mang/d20230719150457181.htm