Một chương trình quan trọng, kỳ vọng hiệu quả cao trong phòng, chống ma túy
Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 nhằm tiếp nối các thành tựu, kết quả đạt được; tập trung giải quyết, khắc phục những tồn tại, hạn chế và những vấn đề mang tính cấp bách trong công tác phòng, chống ma túy. Hiện nay, Chương trình đã được Chính phủ trình Quốc hội để xem xét, thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Để hiểu rõ hơn về Chương trình quan trọng này, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an, Người phát ngôn Bộ Công an, Cơ quan chủ trì tham mưu xây dựng Chương trình.
PV: Xin Thiếu tướng cho biết sự cần thiết của việc đề xuất Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030?
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên: Việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 là yêu cầu cấp bách và đòi hỏi của thực tiễn khách quan; trong đó, trước hết xuất phát từ thực tiễn tình hình, trước những áp lực, nguy cơ, thách thức ngày càng gia tăng của tình hình ma túy trên thế giới, trong khu vực và các nước láng giềng tác động trực tiếp đến nước ta, cũng như thực tiễn tình hình, công tác phòng, chống ma túy ở trong nước…
Chương trình nhằm triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về công tác phòng, chống ma túy; tiếp nối và phát huy các thành tựu, kết quả đạt được của Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025; tập trung giải quyết, khắc phục những tồn tại, hạn chế và những vấn đề mang tính cấp bách trong công tác phòng, chống ma túy, cần đầu tư công của quốc gia trên cả ba lĩnh vực: Giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy; đồng thời thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và các cam kết quốc tế của Việt Nam về phòng, chống và kiểm soát ma túy.
Chương trình phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống ma túy; bảo đảm đầu tư đồng bộ, đúng trọng tâm, trọng điểm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy; góp phần quan trọng bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước.
PV: Thiếu tướng có thể cho biết những điểm nhấn của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030?
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên: Công tác phòng, chống ma túy để đạt được hiệu quả cao nhất và bền vững cần bảo đảm thực hiện đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt trên cả 3 lĩnh vực giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại theo đúng quan điểm chỉ đạo tại Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, trong đó phải "kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống, giữa giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy".
Điểm nhấn thứ nhất của Chương trình là trên cơ sở mục tiêu tổng quát, Chương trình đã cụ thể hóa thành 11 nhóm mục tiêu và 20 nhóm chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2030 với nội dung hoạt động gồm 9 Dự án, 6 Tiểu dự án do 8 bộ, ngành chủ trì để tập trung thực hiện theo 3 nhóm lĩnh vực giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại, bảo đảm toàn diện, xuyên suốt và khả thi. Trong đó nhóm giảm cung tập trung đầu tư ứng dụng khoa học và công nghệ, trang thiết bị tiên tiến hiện đại, tăng cường năng lực cho các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy. Nhóm giảm cầu đầu tư cho công tác cai nghiện ma túy, giải quyết vấn đề quá tải, xuống cấp của các cơ sở cai nghiện ma túy; tăng cường tuyên truyền phòng, chống ma túy đối với nhóm các đối tượng nguy cơ cao như học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động…
Nhóm giảm tác hại đầu tư tăng cường đáp ứng y tế trong phòng, chống ma túy, nâng cao hiệu quả xác định tình trạng nghiện, điều trị, can thiệp giảm tác hại cho người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy. Bên cạnh đó, Chương trình cũng bố trí Dự án đầu tư nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy ở cơ sở với mục tiêu chủ động làm tốt công tác phòng, chống ma túy từ sớm, từ xa, từ địa bàn cơ sở (bao trùm cả 3 lĩnh vực giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại).
Điểm nhấn thứ hai là về thời gian thực hiện Chương trình đề xuất bắt đầu từ năm 2025 tập trung cho công tác chuẩn bị khung pháp lý, cơ chế chỉ đạo, điều phối, vận hành, chuẩn bị các nguồn lực đầu tư, tiêu chí và phương pháp quản lý, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình; qua đó, tạo điều kiện cần thiết để bảo đảm việc triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả trong giai đoạn 2026 - 2030. Đây là điểm mới và đã được nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở rút kinh nghiệm từ thực tiễn tổ chức triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay, trong đó đã phải mất khoảng thời gian hơn 1 năm cho công tác chuẩn bị nên đã ảnh hưởng nhất định đến tiến độ và hiệu quả Chương trình.
PV: Một trong những nội dung ưu tiên của Chương trình là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, trang thiết bị tiên tiến vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy. Vậy việc đưa ứng dụng này vào đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy sẽ được triển khai như thế nào, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên: Trước diễn biến ngày càng phức tạp của tình hình tội phạm ma túy gia tăng sử dụng công nghệ cao, triệt để lợi dụng thành tựu, tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ, Internet, không gian mạng để thực hiện các hành vi phạm tội; việc đầu tư ứng dụng công nghệ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy là một nội dung quan trọng và ưu tiên hàng đầu của Chương trình.
Trên cơ sở đó, Chương trình bố trí 2 Dự án đầu tư ứng dụng khoa học và công nghệ và trang thiết bị hiện đại, nâng cao năng lực chiến đấu cho lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Trong đó, một Dự án do Bộ Công an chủ trì đầu tư thiết bị công nghệ phục vụ công tác đấu tranh tội phạm ma túy lợi dụng mạng xã hội, không gian mạng; xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; xây dựng bản đồ số tình hình, tội phạm ma túy cho lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy.
Đối với Dự án của Bộ Quốc phòng bao gồm Tiểu dự án 1 đầu tư mua sắm trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm về ma túy của Bộ đội Biên phòng và Tiểu dự án 2 về nâng cao năng lực công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy của Cảnh sát biển Việt Nam thông qua đầu tư mua sắm các trang bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại phù hợp với thực tế đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến đường biển, đáp ứng yêu cầu của công tác trong tình hình mới.
PV: Nâng cao công tác phòng, chống ma túy ở cơ sở là một trong những dự án quan trọng, xin Thiếu tướng nói rõ hơn về vấn đề này?
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên: Công tác phòng, chống ma túy ở địa bàn cơ sở là một trong những nội dung quan trọng, được ưu tiên hàng đầu bởi nếu chúng ta làm tốt công tác phòng, chống ma túy từ sớm, từ xa, từ ngay địa bàn cơ sở sẽ góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy nói chung. Xuất phát từ thực tiễn tình hình công tác này hiện nay hiệu quả còn hạn chế, Chương trình đề xuất Dự án 4 về nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy ở cơ sở do Bộ Công an chủ trì thực hiện.
Nội dung Dự án tập trung vào các hoạt động tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ tham gia công tác phòng, chống ma túy ở xã, phường, thị trấn; đảm bảo cơ sở vật chất phòng, chống ma túy ở cơ sở; tổ chức các hoạt động quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và người sau cai nghiện ma túy; phòng ngừa điểm nguy cơ phức tạp về ma túy, đấu tranh giải quyết đối tượng bán lẻ ma túy; rà soát, thống kê các điểm có nguy cơ và đối tượng bán lẻ ma túy trên địa bàn; tổ chức tập huấn, tuyên truyền, vận động nhân dân không trồng trái phép cây có chứa chất ma túy; tổ chức kiểm tra, phát hiện và phá nhổ diện tích trồng trái phép cây có chứa chất ma túy tại các địa bàn có nguy cơ cao…
PV: Chương trình sẽ gồm 9 dự án, 6 tiểu dự án do 8 bộ, ngành chủ trì. Xin Thiếu tướng cho biết Bộ Công an, các bộ, ngành có liên quan và địa phương sẽ có vai trò, trách nhiệm và chủ trì những nhiệm vụ gì trong thực hiện Chương trình?
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên: Tổ chức thực hiện Chương trình là một nội dung quan trọng, quyết định sự thành công của Chương trình. Do đó, Chương trình đề ra phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, bảo đảm "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả"; đề xuất phân cấp, phân quyền rõ ràng để tổ chức triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả Chương trình.
Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ của cơ quan quản lý Chương trình. Trong đó, có trách nhiệm quản lý và giám sát tổng thể về kết quả thực hiện; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương có liên quan và địa phương xây dựng quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương; rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để triển khai hiệu quả Chương trình…
Các bộ, cơ quan Trung ương chủ trì dự án, tiểu dự án thành phần có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án; chủ trì, phối hợp kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện nguồn lực và các chỉ tiêu, nhiệm vụ, nội dung thành phần chương trình được phân công…
Đối với các địa phương có trách nhiệm phân bổ vốn theo kế hoạch; bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương; tăng cường vận động, xã hội hóa nguồn lực thực hiện Chương trình; tổ chức giám sát, đánh giá Chương trình trên địa bàn; thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá Chương trình theo quy định.
PV: Xin cảm ơn Thiếu tướng!