Một cổ phiếu bán lẻ tăng 8 phiên liên tiếp, nhiều NĐT tiếc nuối nhớ câu nói 'ra tiền' của vị chủ tịch
Một cố phiếu tăng liên tiếp 8 phiên. Sau phiên đầu tuần (6/5), cổ phiếu MWG đã chính thức chạm về vùng đỉnh cũ quanh 59+- với giá cao nhất có thời điểm đạt ở mức 58.8.
Điểm nhấn đáng chú ý của MWG là khối ngoại đã trở lại mua ròng mạnh mẽ bất chấp việc MWG bị loại khỏi rổ VNDiamond.
Xét về giá trị, cổ phiếu MWG được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với hơn 102 tỷ đồng, tương ứng với gần 1,8 triệu cổ phiếu. Kết phiên 6/5, mã tăng gần 4,7% lên mức 58.300 đồng/cp.
Đáng chú ý, MWG đã tăng gần 20% sau 8 phiên liên tiếp kể từ vùng đáy quanh giá 48.x. Đồng thuận với diễn biến giá cổ phiếu, khối ngoại có phiên mua ròng thứ 7 tiếp ở cổ phiếu bán lẻ này, tổng giá trị đạt 1.571 tỷ đồng.
Cổ phiếu MWG đã tăng gần 20% sau 8 phiên liên tiếp kể từ vùng đáy quanh giá 48.x
Về KQKD, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2024 với doanh thu thuần đạt 31.486 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 25% kế hoạch doanh thu cả năm. Sau khi trừ chi phí, MWG lãi ròng 902 tỷ đồng, gấp 43 lần cùng kỳ 2023 và là mức cao nhất trong vòng 6 quý kể từ quý 3/2022. Trong đó các mảng kinh doanh cốt lõi của MWG cũng có sự cải thiện biên lợi nhuận gộp đáng kể. Đáng chú ý mảng Bách hóa xanh đạt doanh thu doanh thu quý 1 đạt hơn 9.100 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ.
Với kết quả này thì MWG đã thực hiện hơn 25% kế hoạch doanh thu và gần 38% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra chỉ sau quý đầu năm.
Nhiều nhà đầu tư vẫn còn nhớ, thời điểm cổ phiếu MWG sụt gần 40% chỉ sau hơn một tháng, về đáy 35.100 đồng/cp. Lúc đó nhiều cổ đông không khỏi cảm thấy hoang mang, từng chất vấn ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động. Ông Tài khi đó tự tin khẳng định ai có lòng tin tập đoàn sẽ có hành động bình tâm và thậm chí xem đây như là cơ hội mua vào. Còn ai không đủ niềm tin với doanh nghiệp thì có thể bán ra.
"Cá nhân là người trong cuộc, tôi biết rõ mình đang đi đâu về đâu nên có ý định tăng tỷ lệ sở hữu",... vị Chủ tịch cho hay. Và có lẽ, đến nay, các nhà đầu tư đã lấy lại niềm tin với cổ phiếu này.
Kết phiên 6/5, thị trường chứng khoán tăng mạnh gần 21 điểm lên 1.241,6 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 23.797 tỷ đồng.
Khối ngoại mua ròng khoảng 297 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong đó giá trị mua ròng trên HoSE đạt 243,5 tỷ đồng.
Nhận định thị trường phiên tiếp theo, nhà đầu tư được khuyên có thể mua thăm dò.
Theo CTCK Tân Việt (TVSI), nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu lên mức 60%.
Chỉ số VN-Index có phiên tăng điểm mạnh cùng với thanh khoản được cải thiện rõ nét trong phiên giao dịch đầu tuần mới. Đà tăng xuất hiện ngay từ đầu ngày và chiếm trọn thời gian giao dịch. Đà tăng ngày càng mạnh về cuối phiên giúp chỉ số có phiên đóng cửa ở khu vực cao nhất ngày.
TVSI lưu ý, xu hướng ngắn hạn vẫn là giảm điểm nên nhà đầu tư hạn chế nhóm cổ phiếu đầu cơ. Nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu lên mức 60%.
Tương tự, CTCK Asean cũng nhận định phiên 7/5, nhà đầu tư có thể cân nhắc mở mua thăm dò
Thị trường tăng điểm bùng nổ trong phiên với đà lan tỏa tích cực khi sắc xanh bao phủ toàn thị trường cả phiên. Áp lực bán không còn là vấn đề quá lớn khi hàng loạt cổ phiếu tăng trần sau những diễn biến kiểm định với thanh khoản thấp.
Trong khi đó, lực cầu trong phiên gia tăng, sẵn sàng mua lên với sự đồng thuận cao dẫn tới khối lượng tăng mạnh, tạo ra phiên bùng nổ theo đà để xác nhận thị trường bứt phá khỏi vùng cản ngắn hạn và củng cổ xu hướng trung hạn.
“Do vậy, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư có thể cân nhắc mở mua thăm dò với mục tiêu hướng về vùng 1.290 điểm” – CK Asean lưu ý.