Một con đường huyết mạch giao thương
Trong một lần nói chuyện về con đường 9 chạy từ Đông Hà lên Lao Bảo dài 82 cây số, Thạc sĩ sử học Lê Đức Thọ- Phó Giám đốc Trung tâm quản lý Di tích và Bảo tàng (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Quảng Trị) đã chia sẻ:'Con đường 9 là con đường công cụ, con đường muối từ Đông sang Tây, con đường hương liệu theo chiều ngược lại. Nó cũng là con đường nối miền xuôi với miền ngược, nối biển, đồng bằng với miền núi; nối Kẻ Biển, Kẻ Ruộng, Kẻ Chợ với Kẻ Mọi; nối đồng bào người Chăm, người Kinh miền xuôi với đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Quảng Trị'.
Khởi thủy con đường 9 không phải xuất phát từ Đông Hà mà từ Ngã Tư Sòng thuộc huyện Cam Lộ, nay giáp với Đông Hà, ấy là con đường thượng đạo xuyên sơn. Thuở xưa nó chỉ là con đường mòn, chủ yếu dành cho người đi bộ lên vùng thượng du Cam Lộ như cách gọi của Lê Quý Đôn rồi đi tiếp sang tận nước Ai Lao (Lào). Chính nhờ vị thế thương đạo xuyên sơn chạy dọc theo con sông Hiếu mà một thời đã tạo nên chợ phiên Cam Lộ nổi tiếng một tháng sáu phiên.
Nơi đây từng được mệnh danh là “Tiểu Trường An” với câu hò vang vọng: “Đò về bến Đuồi bùi ngùi nhớ cảnh/Chạnh tâm tình nhớ núi Lãnh, sông Hương”. Bến Đuồi ngay sát chợ phiên, núi Lãnh chính là núi Mai Lĩnh (Quảng Trị) còn sông Hương xứ Huế thì được thông thương bằng sông đào Vĩnh Định dưới thời nhà Nguyễn, nối kinh sư với Quảng Trị bằng sông Vĩnh Định, sông Thạch Hãn và sông Hiếu. Hàng hóa từ kinh kỳ có mặt tại chợ phiên Cam Lộ theo đường thủy, rồi lên với miền ngược theo con đường tiền thân Quốc lộ 9 bây giờ.
Cũng xin nói thêm rằng, cách đây hàng trăm năm, chợ phiên Cam Lộ không chỉ có tiếng ở miền Trung với vai trò đầu mối nội thương mà còn là một trung tâm ngoại thương tấp nập trên bến dưới thuyền. Tàu bè Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…từ Cửa Việt lên chợ phiên mua bán, rồi voi từ xứ Ai Lao thồ lâm đặc sản như trầm hương, ngà voi xuôi theo con đường xuyên sơn về trao đổi hàng hóa. Mà nhìn lại lịch sử, nước ta với Lào có biên giới hàng trăm năm hòa hiếu, ngay cả Bảo Trấn Lao (đồn trấn giữ biên giới giáp Lào) cũng chỉ là đồn nhỏ dù trấn giữ phên dậu nơi biên ải.
Hãy nghe Lê Quý Đôn miêu tả trong Phủ biên tạp lục: “Hai bên tả hữu phía trên sông Hữu Giang dân các động sách ở, cày cấy chăn nuôi rất nhiều, người buôn ở các xã thường mang muối, mắm, cá khô, đồ sắt, nồi đồng, thoi bạc, hoa xuyến, đồ lặt vặt đến đất người Man đổi lấy các hàng hóa, thóc, gạo, gà, trâu, gai, sáp, mây,… thuê voi chở về Cam Lộ. Người Man cũng có lấy voi chở hàng hóa xuống chợ Cam Lộ để bán, một con voi chở được 30 gánh, mỗi gánh được 20 bát. Cũng có một phiên chợ lùa trâu đến 300 con để bán, giá một con trâu không quá 10 quan, giá một con voi chỉ hai hốt bạc và một khẩu súng nhỏ”.
Ông còn nhắc đến Tuần Ba Giăng còn gọi là Sở Tuần hay đồn Hiếu Giang, một nơi triều đình lập ra thu thuế buôn bán ngày xưa. Vậy thì truyền thống nội thương và cả ngoại thương của Quảng Trị đã có từ khá sớm và rất đáng tự hào dù chỉ dựa vào một con đường mòn xuyên Á và mấy con sông.
Tôi đã nhiều lần đến với chợ phiên Cam Lộ và tần ngần trước đồn Hiếu Giang thuở trước nay cách nhau gần hai mươi cây số dọc theo con đường 9 không chỉ một đôi lần. Không biết tiền nhân ngày xưa có mơ hồ dự cảm gì không về một hậu vận xuyên Á khi theo con đường mòn xuyên qua rừng núi men theo sông Hiếu, kể cả với một nhà thông thái như Lê Quý Đôn. Lịch sử của một vùng đất, một quốc gia nhiều khi khởi đầu và duyên nợ dài lâu với một lối mòn.
Người Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX khi khai thác Đông Dương đã chú trọng đến giao thông và chính họ đã khai sáng con đường 9 dù mục đích ban đầu vì lợi ích thực dân chính quốc, chính vì vậy lúc mới khai sinh còn có tên là Con đường Thuộc địa số 9. Điểm đầu tiên của đường 9 chấm trên bản đồ thuộc làng Tây Trì, Phường 1, Đông Hà ngày nay, nơi gặp gỡ giữa Quốc lộ 9 và Quốc lộ 1 nên còn được gọi là Ngã ba Đông Dương.
Đường 9 băng qua làng Đông Hà (Phường 3 ngày nay) lên gần chợ phiên Cam Lộ thì gặp mặt con đường mòn thượng đạo xuyên sơn rồi nhập làm một chạy thẳng một mạch đến biên giới Việt- Lào. Ngay tại điểm khởi đầu đường 9, đầu thế kỷ trước, người Pháp cho xây dựng ga Đông Hà phục vụ cho con đường sắt Bắc-Nam.
Chính nhà văn lớn Nguyễn Tuân, tín đồ của “chủ nghĩa xê dịch”, người luôn muốn “trước bạ đời mình vào những địa dư trên trái đất”, một hành giả văn chương đã từng viết về những chuyến đi khi đến Đông Hà, xuất phát điểm của con đường số 9 bằng đủ các phương tiện giao thông lúc bấy giờ: “Tôi đi bằng tàu lửa, tôi đi bằng tàu biển, tôi đi bằng ô tô hàng”. Đường 9 lúc Pháp mới mở còn khá thô sơ, đường hẹp khoảng hai mét rưỡi đến ba mét rưỡi, độ dốc lớn, chủ yếu vẫn dành cho người đi bộ và một số ít xe đò, xe nhà binh.
Chuyện làm con đường 9 cũng lắm đau thương. Ngày xưa ngược lên phía Tây Quảng Trị là chốn rừng thiêng nước độc, không chết vì lao lực, đòn roi thì cũng chết vì sốt rét. Tình cảnh ấy đã rơi lệ vào những câu vè than thân của phu lục lộ: “Hai hàng nước mắt nhỏ tuôn/Cả năm phủ huyện kéo lên nguồn, trời ơi/Cực chi da diết hỡi trời/Ai không có chiếu trải tơi mà nằm”.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, có thể số phận đường 9 đã rẽ sang một lối khác nếu không có sự can thiệp của các nước lớn, đặc biệt là Trung Quốc. Một vấn đề mang tính chiến lược được các bên tham gia Hội nghị Giơ-ne-vơ quan tâm là vĩ tuyến nào làm giới tuyến tạm thời và theo đó con đường 9 sẽ thuộc về ai? Tác giả người Pháp Phơrăng-xoa Gioay-ô (Frangcois Joiaux), nhà báo, tiến sĩ văn chương thuộc Viện nghiên cứu sử học, Đại học Xooc-bon (Sorbonne), một chuyên gia nghiên cứu uy tín trong cuốn sách “Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất” (Giơne-vơ 1954) đã bạch hóa điều này.
Và vĩ tuyến 17 đã được thỏa thuận làm giới tuyến tạm thời và Đường 9 thuộc về chính quyền Sài Gòn. Một cuộc chiến đằng đẵng đang chờ đợi cả dân tộc này ở phía trước con đường thống nhất non sông.
Rồi một ngày đẹp trời con đường xuyên Á đã được gọi tên trên EWEC tại Hội nghị các Bộ trưởng Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng được tổ chức tại Myanmar (Philippines). Hành lang này được chính thức thông tuyến vào ngày 20/12/2006, cách đây đúng 15 năm. Đây là con đường dài 1.450 cây số kéo dài từ Mianmar qua Thái Lan, Lào và đi vào Việt Nam từ tỉnh Quảng Trị thông qua con đường 9. Một vận hội lớn đã mở ra cho nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó có một số tỉnh miền Trung của Việt Nam.
Lịch sử thường được hiểu là dài rộng, lớn lao nhưng đôi khi lại dồn tụ trong vài chục bước chân. Đường 9 do Pháp xây dựng, Đường 9 được người Mỹ cấp tốc làm vào 1971. Hay nếu ai dừng chân ở cầu Đầu Mầu sẽ thấy có đến ba chiếc cầu chính thức mang bóng dáng lịch sử: một do Pháp xây, một do Mỹ xây và một do nhà nước ta xây sau ngày thống nhất.
Câu chuyện trăm năm quần tụ bây giờ hiện rõ một nơi mặc cho bao nhiêu con nước Hiếu Giang đã chảy qua cầu…Đổi thay dọc theo và nhờ con đường 9-đường xuyên Á thì đã hiện hữu rất nhiều. Riêng tôi vẫn mãi hoài ghi nhớ về những dòng mô tả về con đường 9 của Lê Quý Đôn thuở nào.
Có một đường mòn đã thành đường xuyên Á đi từ quá khứ đến tương lai.