Một công ty chứng khoán hoàn thành hơn 90% việc kiểm thử KRX
Hệ thống giao dịch mới KRX đang được thị trường chứng khoán mong ngóng để cải thiện thanh khoản và rút ngắn quá trình nâng hạng.
Trong thông báo phát đi ngày 26/1, Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết đã nhận được chấp thuận của UBCKNN và Bộ Tài chính về việc tăng vốn điều lệ thêm 3.000 tỷ đồng lên 7.000 tỷ đồng, đưa ACBS trở thành công ty chứng khoán xếp thứ 5 trong những công ty có vốn điều lệ lớn nhất thị trường. Nguồn vốn góp đến từ chủ sở hữu là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).
Theo ACBS, thị trường chứng khoán bước vào năm 2024 với nhiều tín hiệu khả quan khi VN-Index bứt phá lên 1.150 điểm (tăng 21 điểm so với ngày giao dịch cuối cùng của năm 2023). Cùng với sự mong đợi của thị trường, hệ thống KRX dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2024, trong đó ACBS là một trong những công ty đã hoàn thành hơn 90% việc kiểm thử khả năng giao dịch của KRX.
ACBS nhận định, 2024 sẽ là năm bản lề trong lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên (frontier market) lên thị trường mới nổi (emerging market). Vì vậy, công ty đã và đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho giai đoạn phát triển mới của thị trường, đặc biệt là về quy mô vốn. Việc tăng vốn nhằm đáp ứng cho nhu cầu nâng cấp hệ thống giao dịch lõi (core), cạnh tranh thị phần môi giới cơ sở/ phái sinh và kinh doanh margin.
Trước đó, ACBS đã hoàn tất đợt tăng vốn vào ngày 13/11/2023 sau khi được chấp thuận của UBCKNN và Bộ Tài chính về việc tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng, tương ứng tăng thêm 1.000 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, trong quý 4/2023, doanh thu hoạt động của ACBS đạt hơn 492 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL); lợi nhuận sau thuế đạt 71,8 tỷ đồng, tăng hơn 11%. Lũy kế cả năm 2023, công ty lãi ròng gần 400 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần năm trước.
Tổng tài sản của ACBS vào cuối năm 2023 có giá trị 11.773 tỷ đồng, tăng hơn 6.100 tỷ đồng so với đầu năm. Các khoản biến động lớn nhất gồm FVTPL (tăng từ hơn 488 tỷ đồng lên 1.316 tỷ đồng), các khoản nắm giữ đến ngày đáo hạn (tăng từ 2.361 tỷ đồng lên 5.119 tỷ đồng), các khoản cho vay (tăng từ 2.047 tỷ đồng lên 4.574 tỷ đồng).
Tổng nợ phải trả cũng tăng hơn 4.700 tỷ đồng lên 6.203 tỷ đồng, chủ yếu là tăng vay ngắn hạn (tăng gần 4.600 tỷ đồng).