Một đất nước trọng học và hiếu học cần thể hiện ở những ngôi trường khang trang

Ngày 25-10, phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đánh giá cao kết quả 10 năm qua, công tác xã hội hóa đóng góp quan trọng trong xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, đặc biệt ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

 Bộ GD-ĐT khen thưởng các nhà tài trợ kiên cố hóa trường lớp

Bộ GD-ĐT khen thưởng các nhà tài trợ kiên cố hóa trường lớp

Theo đó, trên 300 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã tham gia đầu tư, nâng cấp kiên cố hóa được gần 36.000 phòng học, hơn 1.200 phòng công vụ cho giáo viên, với tổng kinh phí gần 33.000 tỷ đồng.

Tỷ lệ phòng học kiên cố hóa trong cả nước đã tăng từ 65,9% (2013) lên 86,6% (2023). Mạng lưới cơ sở giáo dục ngoài công lập gia tăng nhanh chóng, năm học 2022-2023, cả nước có gần 4.000 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập, tăng hơn 2.500 trường so với năm 2013.

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long biểu dương và đánh giá cao Bộ GD-ĐT đã chủ trì, triển khai có trách nhiệm và hiệu quả chương trình xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên trong suốt 10 năm qua.

Phó Thủ tướng cảm ơn chân thành các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cá nhân đã tích cực tham gia đóng góp cho công cuộc này, thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội vì tương lai của nền giáo dục nước nhà.

 Phó Thủ tướng Lê Thành Long

Phó Thủ tướng Lê Thành Long

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, vẫn còn nhiều thách thức, nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo thiếu hụt cơ sở vật chất, điều kiện học tập, làm việc của học sinh, giáo viên chưa bảo đảm đầy đủ.

Một số địa phương vẫn còn phòng học nhờ, học mượn, nhiều cơ sở giáo dục thiếu các phòng chức năng, thiết bị dạy học tối thiểu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục đào tạo.

Chúng ta cùng tiếp tục chung tay, huy động thêm các nguồn lực xã hội hóa để hoàn thành mục tiêu kiên cố hóa toàn bộ hệ thống trường lớp, nhà công vụ cho giáo viên trong thời gian tới

- Phó Thủ tướng Lê Thành Long nêu.

Theo Phó Thủ tướng, GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. GD-ĐT cần phải được quan tâm đúng mức để tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Phó Thủ tướng đề nghị, toàn thể các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân chung tay góp sức cho sự nghiệp giáo dục, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho con em chúng ta - những chủ nhân tương lai của đất nước.

 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, tháng 8 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 91-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, trong đó xác định rõ “phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ phòng học được kiên cố hóa đạt 100%”, tức là đến năm 2030, cả nước sẽ không còn phòng học tạm, phòng học chưa kiên cố.

Để thực hiện được mục tiêu lớn này, cần các giải pháp mang tính tổng thể, trong đó, Nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo và việc huy động các nguồn lực xã hội là hết sức quan trọng.

Một đất nước trọng học và hiếu học cần thể hiện ở những ngôi trường khang trang, đủ những thứ tối thiểu cho thầy cô tác nghiệp và học sinh học hành. Đây chưa phải là một ưu ái, ưu tiên ở bất kỳ cấp độ nào, mà là một yêu cầu tối thiểu và đương nhiên để duy trì hoạt động tối thiểu của việc dạy và học

- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chỉ rõ.

 Tại hội nghị, Bộ GD-ĐT đã khen thưởng các nhà tài trợ

Tại hội nghị, Bộ GD-ĐT đã khen thưởng các nhà tài trợ

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, chúng ta không thể an lòng sinh hoạt trong ngôi nhà chắc chắn và ấm áp của mình, trong khi còn hàng ngàn trẻ em các tỉnh vùng núi phía Bắc băng hàng chục km đường rừng núi, chỉ để tới được những ngôi trường và được ngồi học trong những căn phòng học tạm, gió lạnh thổi qua.

Chúng ta không thể an lòng làm việc trong những văn phòng tiện nghi chắc chắn, thậm chí là lộng lẫy, khi mà cả nước còn hàng chục ngàn phòng học, nhà công vụ vẫn trong tình trạng tạm bợ, có cũng như không, không có nhưng vẫn phải có.

Hiện nay, cả nước có tỷ lệ kiên cố hóa bình quân đạt 86%, riêng mầm non và tiểu học đạt 83%, tỷ lệ này đã là rất cao so với 10 năm trước, nhưng số chưa kiên cố hóa lại chủ yếu tập trung ở các tỉnh khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc và vùng khó khăn (như khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, khu vực Trung bộ và cả Tây Nam bộ), tỷ lệ chưa kiên cố hóa phòng học bậc mầm non và tiểu học nhiều tỉnh còn tới trên 40% (Đắk Nông, Kon Tum, Điện Biên, Cao Bằng, Lai Châu…).

Đặc biệt, những trường học tạm này lại nhiều nhất ở bậc mầm non và tiểu học. Các em nhỏ tuổi nhất trong lứa tuổi đi học cần được ưu ái chăm lo và phải được ngồi học trong những ngôi trường chắc chắn, tiện nghi tối thiểu. Do đó, mục tiêu trường ra trường, lớp ra lớp cần thực hiện một cách ráo riết hơn nữa.

Theo Bộ trưởng, số trường học trong cả nước rất lớn (trên 53.000 trường học), trong khi đất nước cũng vừa thoát nghèo, nguồn lực hạn chế, rất nhiều việc phải tập trung đầu tư. Vì vậy, việc kiên cố hóa trường học luôn luôn cần sự chung tay của toàn xã hội, của cộng đồng.

 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận cam kết tài trợ kiên cố hóa trường học

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận cam kết tài trợ kiên cố hóa trường học

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cảm tạ những tấm lòng vàng của các tập thể, tổ chức và cá nhân hảo tâm.

Thay mặt các thầy, cô và các em học sinh còn đang ở những trường tạm bợ và khó khăn, Bộ trưởng bày tỏ sự mong đợi tiếp tục được nhận sự quan tâm từ xã hội, các nhà hảo tâm.

Trong việc giải quyết khó khăn cơ sở vật chất của ngành hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện theo một tinh thần giáo dục cao cả và nhân đó để thực hiện việc giáo dục toàn diện. Kiên cố hóa trường học, xét về ý nghĩa nhiều mặt, không chỉ kiên cố hóa cho những ngôi trường, phòng học mà nó còn công dụng “kiên cố hóa” đối với thiện tâm tốt lành và cái đẹp trong tinh thần con người

- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu.

Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ trong xây dựng chương trình đầu tư công, nhằm hướng tới mục tiêu kiên cố hóa 100% trường học vào năm 2030, phát huy nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, từ các dự án và nhiệm vụ khác.

Bộ GD-ĐT cũng sẽ rà soát các chính sách để thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, thu hút nhiều hơn nguồn lực xã hội cho việc này.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mot-dat-nuoc-trong-hoc-va-hieu-hoc-can-the-hien-o-nhung-ngoi-truong-khang-trang-post765258.html