Một 'địa chỉ đỏ' đặc biệt
Một di tích quốc gia đặc biệt 55 năm nay đã trở thành 'địa chỉ đỏ' trên bản đồ tham quan du lịch, lan tỏa và để lại ấn tượng sâu đậm trong triệu triệu trái tim con người Việt Nam và quốc tế - đó là Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, nơi Bác Hồ đã sống và làm việc trong suốt 15 năm cuối cuộc đời (1954 - 1969).
Những công trình mang dấu ấn về Người
Nằm ở trung tâm khu vực chính trị Ba Đình, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (viết tắt là Khu di tích) cùng với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình, chùa Một Cột, Cột cờ Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cùng các di tích lịch sử văn hóa ven hồ Tây như đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc... đã tạo thành một tuyến du lịch lịch sử - văn hóa hấp dẫn mỗi khi du khách đến với Thủ đô Hà Nội.
Khu di tích có khuôn viên rộng 14,7ha, gồm các di tích, tài liệu hiện vật gốc và môi trường cảnh quan. Trong 15 di tích có 10 di tích đã được đưa vào phục vụ khách tham quan. Gần 1.700 hiện vật luôn được bảo quản, giữ gìn nguyên vẹn và được trưng bày, phát huy giá trị.
Với vị trí là di tích trung tâm, Nhà sàn là nơi Bác Hồ ở và làm việc trong 11 năm (1958 - 1969) đã trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc và quốc tế, thể hiện phong cách đạo đức, lối sống giản dị và thanh cao của Người. Cùng với Nhà sàn, các di tích khác như Tòa nhà Phủ Chủ tịch - nơi Người họp, tiếp khách trong nước và quốc tế; Nhà 54 - nơi Người sống và làm việc từ tháng 12-1954 đến tháng 5-1958; Nhà H67 - nơi Người chữa bệnh và qua đời (từ ngày 18-8 đến ngày 2-9-1969); Phòng họp Bộ Chính trị - nơi Người chủ trì họp Bộ Chính trị, tiếp khách trong nước và quốc tế; Bếp nấu ăn phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng... đều là những công trình có ý nghĩa đặc biệt, là những minh chứng thuyết phục về chiều sâu tư tưởng, phong cách, đạo đức, lối sống cũng như sự cống hiến không mệt mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho sự nghiệp cách mạng và hạnh phúc của nhân dân Việt Nam.
Điểm đặc biệt góp phần tạo nên giá trị cho quần thể Khu di tích là khu vườn với hơn 1.000 cây, gồm các loại cây ăn quả, hoa, cây cảnh và cây bóng mát. Trong đó có một số loại cây quý hiếm đã được Bác đưa về trồng như xanh bốn mùa (theo cách gọi của Bác), dừa lửa, cọ dừa... Tại đây, ngày 28-11-1959, Người đã khởi xướng phong trào “Tết trồng cây”, đến nay đã trở thành nét đẹp văn hóa của đất nước mỗi khi xuân về. Cùng với vườn cây là Ao cá Bác Hồ có diện tích hơn 3.300m2, nhiều loài cá được Bác nuôi dưỡng và theo dõi quá trình sinh trưởng, đã trở thành dấu ấn trong hành trình tham quan Phủ Chủ tịch.
Nơi hội tụ tình cảm và tấm lòng đối với Bác
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật và môi trường sinh thái, 55 năm qua, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã trở thành nơi hội tụ tình cảm và tấm lòng đối với Bác của nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và khách quốc tế đến Việt Nam. Từ năm 2006, khi Đảng ta ban hành Chỉ thị 06-CT/TW về “Tổ chức cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (Chỉ thị 06) đến nay, mỗi năm, Khu di tích đón hơn 2 triệu lượt khách, trong đó có gần 500.000 khách nước ngoài.
Lưu lại cảm tưởng khi đến thăm Khu di tích, người bạn, người đồng chí thân thiết của Việt Nam, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Kaysone Phomvihane từng viết: “Đến thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi càng thấm thía sâu sắc rằng: Bác Hồ thực sự là một lãnh tụ vĩ đại. Sự vĩ đại đó không chỉ được khẳng định bằng sự nghiệp cách mạng cao cả của Người mà còn được minh chứng qua lối sống thanh bạch, giản dị. Đây là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư mà các nhà cách mạng Lào chúng tôi đều noi theo”. Còn Đoàn học viên Lớp K26 Tây Nguyên (Học viện An ninh nhân dân) viết: “Chúng tôi cảm thấy bồi hồi, xúc động, kính trọng về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác đã sống và chiến đấu, hy sinh cả cuộc đời vì độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Là những cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân Tây Nguyên, chúng tôi xin hứa sẽ tiếp tục phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia”.
Với ý nghĩa đó, việc nhận thức đầy đủ những giá trị tiềm ẩn của di tích quốc gia đặc biệt này là cần thiết để có sự quan tâm đầu tư thích đáng trong công tác bảo tồn, tôn tạo di tích gốc đồng thời bổ trợ thêm các loại hình du lịch văn hóa khác. Từ đó tạo ra những sản phẩm đa dạng, mang lại trải nghiệm khác biệt, làm phong phú hơn hoạt động và thu hút khách du lịch; đồng thời khai thác hiệu quả khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh. Có như vậy mới chuyển tải đầy đủ tư tưởng, đạo đức lối sống và nhân cách cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh du lịch văn hóa ngày càng phát triển và nhận được nhiều sự quan tâm, di sản văn hóa Hồ Chí Minh đã trở thành một sản phẩm du lịch đặc biệt của Việt Nam.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/mot-dia-chi-do-dac-biet-666699.html