Một đời gùi chữ lên non
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Ngọc Lặc, nhưng hơn 26 năm qua, thầy Quách Công Nho - giáo viên Trường Tiểu học Quang Chiểu 2 (Mường Lát) gắn bó với sự nghiệp 'trồng người' ở vùng biên viễn Mường Lát. Và chỉ còn một năm nữa là thầy Nho nghỉ hưu, điều thầy Nho khát khao là được chứng kiến những 'cánh én nhỏ' bay đi rồi quay trở về xây dựng quê hương.
Sự học trên bản người Dao
Tiếng trống trường vang lên giữa khoảng trời biên giới Mường Lát, các em học sinh ríu rít đứng chào thầy để ra về. Năm học 2024-2025, điểm trường Suối Tút thuộc Trường Tiểu học Quang Chiểu 2, xã Quang Chiểu chỉ có 8 học sinh các lớp 1, 2, 3. Thầy Nho - giáo viên duy nhất của điểm trường, lặng lẽ dọn dẹp lớp học, rồi trở về căn phòng nhỏ sát bên chuẩn bị bữa trưa. Lách cách giữa tiếng nồi niêu xoong chảo, giọng thầy trầm ấm như đang đứng trên bục giảng: “Cuộc sống một mình đơn giản lắm, cá dưới suối, rau trên rừng, có gì ăn nấy. Đường đi lối lại khó khăn, cách trở nên củ sắn, củ khoai thay cho bữa cơm hàng ngày là chuyện bình thường”.
Sau 3 năm chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang), thanh niên Quách Công Nho trở về quê và lên huyện Mường Lát làm công nhân tại Lâm trường Mường Lát. Dù không muốn đi theo nghề giáo giống cụ thân sinh và chị gái, nhưng nghề lại đến với chàng thanh niên Quách Công Nho như một sự sắp đặt của số phận. Năm 1995, thanh niên Quách Công Nho rời Lâm trường Mường Lát để theo học tại Trường Trung cấp sư phạm Thanh Hóa. Sau 3 năm “đèn sách” với tấm bằng Trung cấp sư phạm Thanh Hóa, Quách Công Nho một lần nữa ngược ngàn lên vùng biên Mường Lát dạy học. Cuộc đời dạy học ở Mường Lát của thầy giáo Quách Công Nho đi qua các xã Mường Chanh, Nhi Sơn, Pù Nhi và 14 năm nay thầy gắn bó với điểm trường Suối Tút.
Ngày thầy lên Suối Tút, cây cầu bắc qua suối Sim đã hoàn thành. Nhờ thế mà hành trình “gùi chữ” lên bản người Dao của thầy Nho cũng bớt vất vả hơn. Năm 2021, con đường bê tông nối từ bản Pùng đi bản Suối Tút và bản Con Dao đưa vào sử dụng đã đáp ứng lòng mong mỏi của bà con dân bản từ bao đời. Tháng 3/2023, người dân ở hai bản lại một lần nữa vui mừng khi điện lưới quốc gia về. Bản làng tăm tối bao đời được chiếu sáng. Có đường, có điện, những đứa trẻ nơi đây có điều kiện tiếp cận với thế giới bên ngoài thông qua sách vở, tivi... giúp nâng cao hiệu quả học tập.
Mỗi ngày, thầy Nho bận rộn với việc cầm tay các em để tô từng con chữ. Hơn 26 năm gắn bó với đồng bào các dân tộc thiểu số của huyện Mường Lát, thầy Nho tự trang bị cho mình vốn ngôn ngữ phong phú như tiếng Thái, tiếng Mông, tiếng Dao, đủ để thầy trò hiểu nhau. Thầy ưu tiên dạy học trò của mình về nếp sống, đạo đức, từ cách đi đứng đến việc chào hỏi, lễ phép. Trưởng bản Suối Tút, ông Tặng Văn Lai cho biết: “Nhờ có những giáo viên bám bản như thầy Quách Công Nho nên những đứa trẻ ở đây biết cái chữ và nuôi dưỡng ước mơ về một tương lai tương sáng”.
"Cánh chim rừng" không mỏi
Một chặng đường trong cuộc đời của thầy giáo Quách Công Nho đã gắn bó với các em học sinh vùng biên Mường Lát. Chỉ còn một mùa khai giảng nữa là đến tuổi nghỉ hưu trí, nhưng thầy không có ý định xin về dạy ở một trường đồng bằng hay ở gần nhà. Thầy Nho chia sẻ: “Cả một đời gắn bó với mảnh đất biên cương này, không có tình cũng có nghĩa. Nơi đây dù có trăm ngàn thứ thiếu thốn thì tình người vẫn luôn đong đầy. Tôi nguyện cống hiến đến những ngày cuối cùng cho mảnh đất biên cương còn bộn bề khó khăn này”.
Ở bản Suối Tút, thầy giáo Nho như người con của bản. Trưởng bản Tặng Văn Lai quý thầy lắm, có việc gì cũng tâm sự, bàn bạc với thầy. Từ chuyện đẩy mạnh phát triển kinh tế của bản đến việc xây dựng lớp học khang trang hơn và phát động phong trào học tập tốt để con em của bản thi đua vươn lên trong học tập. Từ bản người Dao chỉ trồng lúa, sắn, nuôi vài ba con gà trong nhà thì nay bản Suối Tút có những mô hình trồng cam rộng vài hecta trở trên. Cam ở Suối Tút là giống cam Lào có vị chua ngọt dễ chịu và đặc biệt vỏ có mùi thơm đậm đặc tinh dầu, rất được thị trường ưa chuộng. Ngoài ra, phụ nữ và người già ở đây còn có nghề dệt thổ cẩm, làm thuốc; nam giới đi ra làm ăn phát triển kinh tế. Cuộc sống của người dân bản Suối Tút đang đổi thay hàng ngày. Bản không còn hộ đói và con trẻ được chắp cánh ước mơ vượt qua những dãy núi trùng điệp với những bài giảng của thầy Nho.
Hỏi về những phần thưởng, danh hiệu đã được các cấp, ngành giáo dục và đào tạo trao tặng, thầy Nho cười hiền và chia sẻ với chúng tôi, nơi vùng biên viễn này chỉ mong các em biết đọc thông, viết thạo, làm được con tính là mừng rồi. “Thấy các em chăm đến lớp, học hành ngày càng tiến bộ, có em đỗ đại học, có em đã trưởng thành tham gia công tác xã hội là phần thưởng cao nhất rồi. Còn mong gì hơn” - thầy Nho nói trong niềm vui.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/mot-doi-gui-chu-len-non-33224.htm