Một đời theo đuổi 'nữ hoàng trà' - Trà hoa vàng
Tiến sĩ Vũ Văn Tâm đang biến Công viên Trà hoa vàng tại thung lũng núi Cổ Ngựa (xã Gia Lâm, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) trở thành điểm đến của những người nghiên cứu, sưu tầm trà quý trong nước và quốc tế.
Trà hoa vàng thuộc họ chè (Theaceae), chi trà (Camellia chrysantha), các tên gọi khác: Trà rừng, kim hoa trà, trà trường thọ... là một loại cây quý vừa có thể làm cảnh vì hoa rất đẹp, lại vừa là cây dược liệu. Việc bảo tồn và phát triển khoảng 40 - 50 giống Trà hoa vàng đã và đang là nhiệm vụ quan trọng của các địa phương, trong đó có Hà Nội với giống Trà hoa vàng Ba Vì được đánh giá thuộc dạng quý hiếm trong nhóm thảo dược đang được thế giới quan tâm.
Dược liệu quý của Việt Nam
Trà hoa vàng chủ yếu phân bố ở Việt Nam và Trung Quốc. Đây là một trong những loại cây lâu năm, phải trồng hơn 3 năm mới thu hoạch được lá trà. Cây Trà hoa vàng trên thế giới được xếp vào một trong những loại thực vật quý, hiếm có, nhiều giá trị cần được nhân giống và bảo tồn. Có hơn 200 loại Trà hoa vàng khác nhau trên thế giới, trong đó Việt Nam đã phát hiện 24 loại, và được xem là nguồn gen tự nhiên vô cùng quý hiếm.
Theo Camellia International Journal - tạp chí chuyên nghiên cứu về Trà hoa vàng của thế giới - trong hoa và lá Trà hoa vàng có tới 33,8% hoạt chất có tác dụng ức chế, tác động và giảm sự phát triển của tế bào ung thư. Các hoạt chất trong lá, hoa của Trà hoa vàng có tác dụng hạ huyết áp, giảm tiểu đường, hạ cholesterol, hạ lipid máu, chống u bướu, tăng cường hệ miễn dịch, giảm xơ vữa động mạch, ngăn ngừa huyết khối, phòng ngừa các bệnh tim mạch, hỗ trợ điều trị các triệu chứng rối loạn thần kinh như: Alzheimer hay Parkinson, chống viêm loét dạ dày và kéo dài tuổi thọ.
Ở Trung Quốc, những vườn Trà hoa vàng lớn nhất có lẽ là ở tỉnh Quảng Tây, nơi Trà hoa vàng đã được phát hiện và nghiên cứu đầy đủ nhất trước khi hội đồng khoa học nước này công bố rộng rãi gây sự chú ý lớn trong cộng đồng quốc tế. Y học cổ truyền Trung Hoa đã có ghi chép về 9 công dụng tuyệt vời của thần dược Trà hoa vàng. Được biết, thời gian đầu các sản phẩm của cây trà này chủ yếu đều được thu mua bởi các thương nhân Trung Quốc, nhưng gần đây, người tiêu dùng Việt Nam đã tìm đến với sản phẩm Trà hoa vàng này.
Lương duyên với Trà hoa vàng
Tiến sĩ Vũ Văn Tâm (sinh 1972) là một trong số ít người may mắn có lương duyên được tiếp cận loại thảo dược quý, hiếm có giá trị kinh tế cao. Hai vợ chồng anh làm luận án tiến sĩ nông nghiệp ở Liên xô (cũ) về nước năm 1990. Vợ anh trở thành giảng viên của Học viện Nông nghiệp còn anh rẽ ngang sang ngân hàng, bất động sản, rồi tình cờ trong một lần đi công tác miền núi, anh ghé nhà một thầy lang và được mời uống một loại nước màu vàng nhạt, đó là Trà hoa vàng.
Để gắn bó với Trà hoa vàng, ông tiến sĩ nông nghiệp đang đầu quân cho Tập đoàn TH đành gác giấc mơ “mang ly sữa Việt ra thế giới”. Năm 2015, Tập đoàn TH quyết định đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tại Nga, với nguồn vốn đầu tư lên tới 2,7 tỷ USD mà chính anh là người đưa ra ý tưởng, để 1 năm sau đó (năm 2016) anh chính thức bắt tay xây dựng Công viên Trà hoa vàng rộng 26ha tại Nho quan, Ninh Bình.
Hơn 6 năm qua, vợ chồng ông tiến sĩ nông nghiệp có niềm đam mê không điểm dừng với loại dược thảo quý của thế giới đã không tiếc thời gian, công sức, tiền bạc để biến nơi đây thành Khu bảo tồn gen loài cây quý hiếm họ trà, từng bước biến nơi đây thành công viên Trà hoa vàng “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam với đầy đủ bộ sưu tập về các loại Trà hoa vàng quý hiếm trong nước và khu vực.
Nhà ở thị trấn Trâu Quỳ (Gia Lâm, TP Hà Nội) cách Công viên Trà hoa vàng Ninh Bình hơn 100km nhưng hàng tuần đều đặn, dù bận đến mấy thì ít nhất anh cũng phải lái xe xuống đây một lần. Phải đi dạo một vòng quanh công viên, tai nghe tiếng chim hót, tận mắt nhìn những người công nhân địa phương chăm sóc những cây hoa quý, anh mới yên tâm về lại Hà Nội.
Mấy năm nay, dù vướng đại dịch Covid-19 nhưng Tiến sĩ Vũ Văn Tâm vẫn bỏ nhiều công sức lặn lội tới không ít vùng rừng núi trong nước và ra cả nước ngoài cất công sưu tầm, nhân giống, bảo tồn Trà hoa vàng. Đến nay, sau khi đầu tư khoảng 30 tỷ đồng anh đã sở hữu ít nhất khoảng 10.000 cây trà thuộc 30 giống Trà hoa vàng của Việt Nam và vài giống Trà hoa vàng có xuất xứ từ Trung Quốc. Đây là thành quả khiến cho giới nghiên cứu, sưu tầm loại cây dược liệu quý này phải ngạc nhiên.
Bảo tồn gen, nhiệm vụ cấp bách
TS Vũ Văn Tâm chia sẻ: “Dù đã có sản phẩm, nhưng chúng tôi chưa tính đến việc tập trung khai thác thương mại giống trà quý này. Vấn đề quan trọng nhất lúc này là phải bảo tồn nguồn gen của các loại Trà hoa vàng của Việt Nam. Ngay tại Hà Nội, tôi biết Trà hoa vàng Ba Vì (Camellia tonkinensis (Pitard) Cohen Stuart) mọc trong rừng thứ sinh đang phục hồi, ven khe suối sườn núi Tây Ba Vì là giống cây quý đang có nguy cơ tuyệt chủng, cần phải có ngay các giải pháp bảo tồn”.
Như vậy, Công viên Trà hoa vàng Ninh Bình không chỉ mang ý nghĩa về mặt dược liệu mà còn phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, bảo tồn và dần hình thành công viên Trà hoa vàng đầu tiên của Việt Nam. Giáo sư người Nhật Bản Hakoda, “cha đẻ” của sản phẩm Trà hoa vàng Hakoda (do ông và giáo sư Trần Ninh tìm thấy ở vùng Tam Đảo của nước ta) đã đến đây và đánh giá cao giá trị Công viên Trà hoa vàng Ninh Bình. Hiện nay, các nhà nghiên cứu, những người yêu Trà hoa vàng Việt Nam và quốc tế đã tìm đến Ninh Bình, như một điểm hẹn của những người có cơ duyên với loại hoa quý này.
Giám đốc Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia - ông Vũ Văn Tâm - tiết lộ: “Định mệnh đã gắn tôi với Trà hoa vàng, khi tôi biết nó không đơn thuần là một loại cây để làm nước uống thông thường.
Từ kết quả phân tích những hoạt chất phát hiện, chiết xuất từ hoa và lá loại trà này đã được công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế, tôi có thể khẳng định đây thực chất là cây dược liệu quý hiếm, cần phải được nhân giống, bảo tồn, phát triển và có giá trị kinh tế cao”.
Được biết, Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình đang có chương trình hợp tác với Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia “đánh thức kho thuốc của Việt Nam”, đặc biệt là Trà hoa vàng Cúc Phương nổi tiếng để phát triển kinh tế cho người nông dân. Ông chủ Công ty TNHH dược liệu Vũ Gia luôn lấy phương châm "Bảo tồn và phát huy giá trị của dược liệu quý; Chất lượng và công nghệ làm nòng cốt" làm mục tiêu định hướng phát triển, bởi hơn ai hết ông tiến sĩ nông nghiệp biết, kinh doanh nông nghiệp phải hết sức kiên trì.
Lợi ích kinh tế
Mỗi cây Trà hoa vàng cho thu hoạch từ 8 đến 10kg/năm hoa tươi. Hiện giá lá khô khoảng 300 nghìn đồng/kg, hoa tươi có giá từ 1,2 triệu đến 1,8 triệu đồng/kg, hoa khô giá khoảng từ 14 triệu đến 15 triệu đồng/kg.
Nhưng Trà hoa vàng không làm bạn với những người thích “ăn xổi” và muốn khai thác làm giàu nhanh bởi phải mất 3 năm trồng, chăm sóc, cây Trà hoa vàng mới cho thu hoạch lá, sau 4 năm mới cho thu hoạch hoa.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/mot-doi-theo-duoi-nu-hoang-tra-tra-hoa-vang.html