Một dự án sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Quảng Phúc

Theo quyết định, đơn vị chủ quản là UBND xã Quảng Phúc, đơn vị chủ trì liên kết: HTX sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Quảng Phúc. Đơn vị tham gia liên kết là HTX sản xuất, kinh doanh và dịch vụ thương mại Quảng Phúc và Công ty CP sinh học Phúc Gia.

Người dân sơ chế nguyên liệu cáy.

Người dân sơ chế nguyên liệu cáy.

Thời gian triển khai thực hiện trong 3 năm (từ năm 2023-2025). Dự kiến kinh phí thực hiện dự án hơn 5,8 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương hơn 2,9 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của các hộ dân tham gia, vốn của đơn vị chủ trì liên kết. Kinh phí được phân kỳ hỗ trợ theo từng năm. Mục tiêu của dự án: Đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đảm bảo thực hiện theo quy trình sản xuất an toàn, mở rộng quy mô chế biến sản phẩm mắm cáy, các sản phẩm chế biến từ cáy, rạm... Đẩy nhanh việc quảng bá thương hiệu và mở rộng thị trường. Đồng thời hình thành phát triển các sản phẩm chế biến từ cáy, rạm thành sản phẩm OCOP và nâng hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Sản phẩm nông nghiệp thực hiện liên kết: Nước mắm cáy và một số loại sản phẩm chế biến từ thủy sản vùng triều: cáy xay, rạm xay đóng hộp; cáy rạm nguyên con đóng hộp và rươi đóng hộp cấp đông; xây dựng vùng khai thác nguyên liệu tập trung, chất lượng cao, thông qua việc thí điểm thực hiện mô hình trồng cói hữu cơ để nuôi thả và khai thác cáy đạt chất lượng cao. Về quy mô liên kết: Xây dựng mô hình vùng sản xuất cói để khai thác nguyên liệu với diện tích 38 ha, đầu tư mua sắm các trang thiết bị phục vụ chế biến, xây dựng và quảng bá thương hiệu, đào tạo tập huấn chuyên gia công nghệ... Số hộ tham gia của dự án là 185 trong đó có 30 hộ nghèo, 109 hộ mới thoát nghèo và 46 hộ tham gia liên kết.

Đây là cơ hội tốt cho xã Quảng Phúc tiếp tục đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao tiêu chí thu nhập cải thiện cuộc sống Nhân dân trong điều kiện kinh tế của xã còn nhiều khó khăn. Đồng thời khắc phục được những điểm yếu trong xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP những năm qua. Từ thực tế sau hơn 5 năm xây dựng sản phẩm OCOP, đến nay xã Quảng Phúc đã được công nhận 4 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm chiếu cói đạt 3 sao, mắm cáy đạt 4 sao và rạm xay, cáy xay đạt 3 sao. Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Quảng Phúc đã tiếp tục đầu tư mua sắm trang thiết bị, áp dụng khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, chế biến và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nên kết quả doanh thu mỗi năm cao hơn 15% và tạo thêm việc làm cho lao động địa phương. Tuy vậy quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, dây chuyền sản xuất thô sơ, năng suất thấp. Bên cạnh đó quy trình sản xuất chế biến chủ yếu theo kinh nghiệm truyền thống, sự hợp tác trong sản xuất chưa cao, thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng... Để tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP từ thế mạnh của địa phương, được sự hỗ trợ của Trung ương, ủng hộ của Nhân dân, việc ban hành quyết định liên kết trên giúp người dân có cơ hội đầu tư trang thiết bị, ứng dụng công nghệ vào sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bài và ảnh: Đức Vũ

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/mot-du-an-se-mang-lai-hieu-qua-kinh-te-cao-o-quang-phuc/30037.htm