Một giao dịch 'khủng': Chi tới 232 tỷ đồng để chi phối công ty

Đây là điều mà Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Nafoods Group Nguyễn Mạnh Hùng vừa thực hiện. Để tăng nắm giữ tại doanh nghiệp lên mức chi phối (51,37%), ông Hùng mới đây đã phải chi tới 232 tỷ đồng để mua thêm 10,55 triệu cổ phiếu NAF với giá cao hơn thị trường.

Cổ phiếu NAF Công ty cổ phần Nafoods Group ngày hôm qua (26/9) đạt được mức tăng 1,4% lên 21.700 đồng, theo đó, ghi nhận tăng gần 20% trong vòng 3 tháng trở lại đây.

Liên quan đến mã cổ phiếu này, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Nafoods Group - ông Nguyễn Mạnh Hùng đã thực hiện mua vào thành công thêm 10,55 triệu cổ phiếu NAF trong khoảng thời gian từ 12/9 đến 23/9 theo phương thức thỏa thuận.

Giao dịch này đã nâng sở hữu của ông Hùng tại Nafoods Group lên 22,83 triệu cổ phiếu tương ứng nắm giữ 51,37% vốn điều lệ và chính thức nắm quyền chi phối doanh nghiệp.

Trước đó, trong hai phiên 19/9 và 23/9, NAF được giao dịch thỏa thuận với khối lượng lần lượt là 6,2 triệu cổ phiếu và 4,35 triệu cổ phiếu, tổng khối lượng thực hiện đúng bằng số lượng cổ phiếu NAF mà ông Nguyễn Mạnh Hùng mua vào.

Tổng giá trị các lô cổ phiếu này lên tới 232 tỷ đồng (giá thực hiện trung bình khoảng 22.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn giá thị trường).

Trong 1 năm trở lại đây, cổ phiếu NAF tăng giá mạnh

Trong 1 năm trở lại đây, cổ phiếu NAF tăng giá mạnh

Đóng cửa phiên giao dịch hôm qua, các chỉ số đều đạt được trạng thái tăng dù trong phiên rung lắc rất mạnh. VN-Index tăng 3,45 điểm tương ứng 0,35% lên 990,75 điểm; HNX-Index tăng 0,96 điểm tương ứng 0,92% lên 104,77 điểm.

Dấu hiệu tích cực là số lượng mã tăng giá được cải thiện. Có 321 mã tăng, 38 mã tăng trần, có phần lấn lướt hơn so với 277 mã giảm giá và 28 mã giảm sàn.

Không chỉ có lợi thế về số lượng mã tăng giá mà VN-Index còn được hỗ trợ đáng kể từ VNM. Chỉ riêng mã này đã đóng góp 1,85 điểm cho VN-Index. Bên cạnh đó, GAS cũng góp vào 0,9 điểm, nhóm cổ phiếu ngân hàng như TCB, CTG, VCB, MBB, BID, VPB cũng tăng giá và nằm trong top có ảnh hưởng tích cực nhất lên chỉ số chính.

Chiều ngược lại, việc bộ ba cổ phiếu “họ Vingroup” giảm giá đã khiến VN-Index bị thách thức. Những mã này tác động tiêu cực lên chỉ số, trong đó tác động từ VHM là 0,79 điểm, từ VIC là 0,69 điểm và từ VRE là 0,51 điểm.

Khối lượng giao dịch tại HSX đạt 152,56 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch ở mức 3.516,23 tỷ đồng. Các con số này trên HNX lần lượt là 25,31 triệu cổ phiếu và 312,23 tỷ đồng.

Theo Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VN-Index được dự báo sẽ tiếp tục thử thách ngưỡng kháng cự tâm lý mạnh 995-1.000 điểm trong phiên cuối tuần (27/9), sự phân hóa nhiều khả năng sẽ có dấu hiệu tiếp tục giữa các nhóm ngành.

Nếu Việt Nam được FTSE nâng hạng thì nhiều khả năng sẽ là thông tin tích cực ảnh hưởng giúp thị trường vượt qua ngưỡng kháng cự này, tuy nhiên BVSC vẫn duy trì quan điểm khả năng Việt Nam được nâng hạng là tương đối thấp.

Thị trường đang có diễn biến tương đối tốt. BVSC lưu ý rằng, nhóm dẫn dắt thị trường hôm qua đến từ các mã như VNM, nhóm ngân hàng, nhóm chứng khoán. VNM và nhóm ngân hàng đang có xu hướng tăng điểm trung hạn tương đối tốt. Còn nhóm chứng khoán đang xuất hiện dấu hiệu “breakout” để thiết lập xu hướng tăng ngắn hạn như SSI.

Bên cạnh đó, thanh khoản đang có dấu hiệu cải thiện. Những mã là trụ kéo trong phiên trước như REE, MWG hay FPT đều có mức hồi phục khá tốt về cuối phiên kết hợp, nếu xu hướng được duy trì thì thị trường cũng sẽ được nâng đỡ tương đối tốt trong những phiên tới.

Theo đó, chiến lược đầu tư được đưa ra là tăng tỷ trọng danh mục ở mức 40-45% cổ phiếu. Đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao nên tiếp tục bán giảm tỷ trọng về mức an toàn trong các phiên thị trường tiến gần đến ngưỡng kháng cự mạnh quanh 995-1.000 điểm. Có thể xem xét giải ngân một số cổ phiếu đáng chú ý khi về đến vùng hỗ trợ mạnh.

Theo Dân trí

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/mot-giao-dich-khung-chi-toi-232-ty-dong-de-chi-phoi-cong-ty-550644.html