Một góc nhìn về phóng viên thường trú

Bằng tình yêu nghề, trách nhiệm với công việc, nhiều phóng viên thường trú đã vượt qua áp lực, khó khăn, làm tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền tại Hải Dương.

Phóng viên Mạnh Minh (Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Hải Dương) tác nghiệp tại sự kiện "Vải thiều Thanh Hà bay cùng thực khách” tổ chức sáng 9.6

Phóng viên Mạnh Minh (Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Hải Dương) tác nghiệp tại sự kiện "Vải thiều Thanh Hà bay cùng thực khách” tổ chức sáng 9.6

Sống xa gia đình, phải chịu những áp lực không nhỏ nhưng với tình yêu nghề, sự gắn bó với địa phương, không ít phóng viên thường trú đã coi Hải Dương như quê hương thứ hai của mình.

Đủ vai

Chương trình công bố xuất khẩu vải thiều Thanh Hà đi Nhật Bản, Mỹ, Úc và sự kiện “Vải thiều Thanh Hà bay cùng thực khách” thu hút nhiều phóng viên. Có mặt từ sớm, chị Mạnh Minh, phóng viên Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Hải Dương vừa phải chụp ảnh vừa phỏng vấn truyền hình... Chị Minh cho biết phóng viên làm việc ở trụ sở chính thường được phân công theo dõi một hoặc một số lĩnh vực cụ thể, còn phóng viên thường trú phải làm hết. Hôm nay có thể đi tìm hiểu về nạn cát tặc, phòng chống cháy rừng, tai nạn giao thông, ngày mai lại đi dự sự kiện ra mắt một vở chèo, ngày khác lại tường thuật một phiên tòa... “Công việc của phóng viên thường trú buộc mình phải thích nghi, đa năng trong tác nghiệp”, chị Minh nói.

Phóng viên thường trú phải am hiểu kiến thức nhiều lĩnh vực, xây dựng mối quan hệ với địa phương. Với anh Phùng Thế Nguyện, phóng viên thường trú Tạp chí MEKONG - ASEAN tại Hải Dương thì một trong những áp lực đối với phóng viên thường trú, nhất là những “lính mới” đó là làm quen với con người và địa bàn mình theo dõi. Năm 2015, lần đầu tiên được giao về Hải Dương thường trú anh khá lo lắng. Dù rất chịu khó đi cơ sở, mạnh dạn trao đổi công việc với lãnh đạo tỉnh và các địa phương nhưng anh cũng phải mất hơn 1 năm mới có thể làm quen được với công việc mới. Theo anh Nguyện, mỗi phóng viên thường trú phải xây dựng được thương hiệu và uy tín, bởi việc này không chỉ giúp tác nghiệp hiệu quả mà còn xây dựng được hình ảnh tốt cho cơ quan.

Phóng viên thường trú ngoài đa năng còn phải tác nghiệp nhanh. Trong nhiều cuộc họp, sự kiện quan trọng của Hải Dương có nhiều cơ quan báo chí về tác nghiệp, phóng viên thường trú phải cập nhật nhanh. Nhiều tờ báo quy định khắt khe về thời gian gửi tin bài sau khi kết thúc sự kiện nên phóng viên buộc phải làm nhanh. Ở nhiều sự kiện, phóng viên thường trú phải "đi trước về sau".

Phải gắn bó

Làm phóng viên thường trú phải chấp nhận xa gia đình, thời gian về thăm hay dành cho gia đình khá ít. Nhà báo Mạnh Minh tròn 10 năm thường trú tại Hải Dương chia sẻ: “Quê ở Nghệ An nên mỗi năm tôi chỉ bố trí về quê được một vài lần. Vì đặc thù công việc rồi đáp ứng yêu cầu tin tức thời sự ngày Tết nên mấy anh em phải chia nhau làm. Có năm đến mùng 3 Tết tôi mới được về thăm nhà. Tôi đã coi Hải Dương là quê hương thứ hai của mình”.

Dành nhiều thời gian tìm hiểu, khám phá con người và mỗi vùng đất của Hải Dương cũng là cách để nhiều phóng viên thường trú gắn bó và hiểu địa bàn theo dõi hơn. Anh Nguyễn Văn Minh, phóng viên thường trú Báo Bảo vệ pháp luật tại Hải Dương chia sẻ: "Gắn bó, quan tâm và tìm hiểu sâu kỹ về địa phương giúp chúng tôi nắm bắt các thông tin nhanh chóng và kịp thời. Không chỉ phản ánh xuôi chiều, chúng tôi mong muốn đóng góp cho địa phương cả khi nêu những vấn đề bất cập, từ đó lãnh đạo địa phương có giải pháp tháo gỡ".

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, Hải Dương hiện có 12 văn phòng đại diện và 53 phóng viên thường trú của 34 cơ quan báo chí Trung ương. Ngoài ra còn có hơn 30 phóng viên được cử theo dõi, đưa tin về tỉnh.

Trưởng Phòng Thông tin - Báo chí - Xuất bản (Sở Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Trọng Thắng nhận định, hoạt động của các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tuân thủ đúng quy định của Luật Báo chí, đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhiều phóng viên đã phát huy được vai trò, chủ động bám sát địa bàn, nắm bắt kịp thời, đưa tin đầy đủ, toàn diện những sự kiện thời sự, chính trị, kinh tế- xã hội của Hải Dương.

Để phát huy tốt hơn vai trò của đội ngũ phóng viên thường trú, theo ông Nguyễn Trọng Thắng, thời gian tới Hải Dương sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí, các văn phòng đại diện và phóng viên tác nghiệp. Các cơ quan báo chí, nhất là những phóng viên thường trú cần nêu cao vai trò, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, uy tín khi tác nghiệp tại địa phương.

BẢO ANH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/mot-goc-nhin-ve-phong-vien-thuong-tru-237640